Tháo gỡ vướng mắc về đấu thầu thuốc

GS.TS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội.

 

Phóng viên VOV cùng bàn luận nội dung này với GS.TS Nguyễn Anh Trí (ảnh nhỏ), nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội.
Thưa GS.TS Nguyễn Anh Trí, nguyên là Viện trưởng, ông nhìn nhận như thế nào về câu chuyện thiếu thuốc, thiếu hóa chất sinh phẩm, thậm chí máy móc thì có nhưng phải đắp chiếu, cần trang bị thêm những máy móc mới mà không trang bị được tại nhiều bệnh viện và cơ sở y tế?

Câu chuyện này nghiêm trọng ở chỗ nó xảy ra một cách phổ biến ở nhiều nơi, nhiều chỗ trong các bệnh viện công trên cả nước. Đây là một sự thật rất đau đớn đang xảy ra, mà trước nay chưa từng có, kể cả thời kỳ khó khăn nhất thì cũng vì lúc ấy không có thuốc, khoa học chưa hiện đại, vì đất nước có chiến tranh chứ không phải vì nội tại để hoạt động khám chữa bệnh hằng ngày, mà trong đó lực lượng quan trọng nhất là cán bộ y tế không làm vì họ bải hoải, lo lắng, ngần ngại.
Bộ Y tế đã yêu cầu thủ trưởng các đơn vị phải có trách nhiệm thực hiện đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế theo thẩm quyền và quy định pháp luật. Thế nhưng, có chức năng nhưng chưa mạnh dạn là thực tế đang diễn ra ở các bệnh viện và cơ sở y tế. Nỗi khổ của bệnh nhân xem ra còn dai dẳng, thưa ông Trí?
Đúng vậy, bởi tình trạng thiếu thuốc, thiếu sinh phẩm ở bệnh viện đã diễn ra rất nặng nề và ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám chữa bệnh. Hậu quả cuối cùng đổ hết lên sức khỏe, tính mạng của người bệnh.

Đây là nỗi đau lớn của cán bộ y tế. Người thầy thuốc giống như chiến sĩ ra mặt trận mà lại không có đạn dược, súng để đánh lại quân thù thì làm sao chiến đấu được. Câu chuyện này liên quan đến rất nhiều vấn đề.

Có tâm lý ngần ngại, e dè của nhiều người đứng đầu trong các bệnh viện, các đơn vị trong ngành,… nhưng còn có những lý do sâu xa hơn đằng sau đó phải được mổ xẻ ra, đó là: Các cán bộ y tế, nhất là những người làm công tác quản lý hiện giờ họ ngần ngại, không dám thực hiện chuyện mua sắm thuốc men, vật tư, trang thiết bị y tế, lý do bởi đây là sự đứt gãy tổng hợp ở nhiều khâu.

Ví dụ, muốn mua sắm cái gì thì đầu tiên phải tiến hành lên kế hoạch, lên chương trình yêu cầu, rồi tiến hành các đấu thầu, khi bán hồ sơ thầu thì phải có các nhà cung cấp. Thế nhưng bây giờ nhà cung cấp cũng không muốn cung cấp bởi cảm thấy ở rất nhiều chỗ nếu không khéo là dễ bị sai, cho nên họ cũng tạm nghỉ việc.

Bên cạnh đó, các vụ việc xảy ra vừa qua cho thấy rất nhiều sai sót của các đơn vị tư vấn thẩm định và bây giờ rất nhiều đơn vị tư vấn thẩm định cũng bị giải thể. Cuối cùng là khâu phê duyệt, thường là Bộ Y tế hoặc Sở Y tế, nhưng hiện giờ Sở Y tế nào cũng đang phải làm giải trình với các cơ quan điều tra.

Họ không yên tâm và cũng không có điều kiện xem xét tất cả hồ sơ thầu thật cẩn thận để có thể phê duyệt. Tất cả những vấn đề này đang bị đứt gãy mang tính tổng thể, dẫn đến quá trình mua sắm bị đình đốn.
Theo ông, chúng ta phải nhìn nhận câu chuyện đạo đức, trách nhiệm của ngành y ra sao ở thời điểm này với rất nhiều bệnh nhân đang hằng giờ, hằng phút nằm chờ cung ứng thiết bị và vật tư y tế?
Thứ nhất là có chuyện cán bộ y tế, người làm quản lý hiện bây giờ lo ngại khi chỉ định đấu thầu để mua sắm thuốc men, trang thiết bị,... Và trong các nỗi sợ ấy, có cả nỗi thất vọng, bàng hoàng, thảng thốt, cảm thấy bị mất phương hướng của hàng vạn cán bộ y tế trước những sai sót của những người quản lý của ngành y tế, từ cấp phó khoa, trưởng khoa lên đến vụ trưởng, cục trưởng, thứ trưởng, bộ trưởng…, những người là chỗ dựa để các cán bộ y tế làm việc thì bây giờ họ lại sai phạm lớn nhất.

Đã đến lúc giải quyết triệt để cuộc khủng hoảng thiếu thuốc và thiết bị y tế.

Nỗi sợ này bị trầm trọng thêm bởi sự chỉ trích, đánh đồng sai trái về cán bộ y tế từ một số người và bây giờ nhân rộng lên, vì vậy, cán bộ y tế trong cả nước bàng hoàng, lo lắng hơn. Đã đến lúc chúng ta phải xem xét lại và giải quyết mang tính triệt để, tháo gỡ cho được khủng hoảng này.
Ông có thể nêu những giải pháp cụ thể để tháo gỡ triệt để cuộc khủng hoảng này?
Tất cả những câu chuyện này, Quốc hội và Chính phủ đã thấy được những sai sót của các cán bộ quản lý ngành y tế là quá sức tưởng tượng. Quốc hội đã thấy được vừa qua do dịch dã cho nên việc mua sắm, đấu thầu,… phải được thực hiện theo một quy trình khác.

Vì vậy mới có Nghị quyết 13, đặc biệt Nghị quyết 43 của Quốc hội, trong đó còn có các kinh phí nữa, rồi Nghị quyết 21 của UBTVQH về mua sắm, chống dịch, khám chữa bệnh, để đảm bảo quyền lợi xứng đáng của các cán bộ y tế đang làm việc chống dịch.

Nhưng để Nghị quyết của Quốc hội hiện thực hóa ra thành các Thông tư thì đoạn này bị đứt gãy, bởi muốn cụ thể nó cần có các Thông tư của Bộ Y tế. Thế nhưng sai sót của cán bộ y tế mà cơ quan pháp luật bắt đầu tiến hành điều tra thì đã kéo dài 7, 8 tháng nay rồi nên tất cả những cái này chưa hiện thực hóa được.

Vì vậy, tiền, chủ trương, định hướng đều đã có nhưng những quy định đấu thầu mua sắm mới phù hợp với hiện trạng dịch chưa hiện thực hóa được. Đồng tiền mà được Quốc hội thông qua, quyết định để thù lao cho thỏa đáng trong hoạt động chống dịch, dùng để mua cái nọ cái kia chống dịch thì bây giờ chưa được hiện thực hóa, chưa thể tiêu được. Vậy cần tháo gỡ ngay đoạn bị đứt gãy này, đó là cái trước mắt, thì mọi việc sẽ chạy rất nhanh.
Đã có kiến nghị là phải xem xét sự bất thường của ngành y tế liên quan tới việc thiếu thuốc hay vật tư trang thiết bị là vấn đề quốc gia, tức là cần sự vào cuộc đồng bộ của Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Ủy ban Tài chính ngân sách, UBTVQH,… Ông nghĩ như thế nào về thông tin này?
Dưới góc nhìn của tôi thì tôi hệ thống hóa lại mấy cách làm để giải quyết ngay như thế này. Thứ nhất, hiện thực hóa tất cả Nghị quyết của QH và UBTVQH để kịp thời mua sắm thuốc, vật tư trang thiết bị y tế ngay và cái này hoàn toàn có thể làm được, đủ tiền để có thể giải quyết được. Cách thứ hai mang tính căn cơ hơn là rà soát lại tất cả vấn đề, quy định của pháp luật liên quan đến mua sắm, tổ chức, vấn đề cán bộ, quyền lợi của cán bộ y tế,… để giải quyết, không chỉ để chống dịch mà để tập trung mọi hoạt động của ngành y tế nước ta.

Ví dụ, công tác thẩm định, phê duyệt… như thế nào phải được xem lại. Nếu cùng một vấn đề mà xảy ra ở rất nhiều địa phương thì chứng tỏ là chưa ổn, là ở pháp luật, chứ không phải do một cá nhân.

Thứ ba, xã hội, cộng đồng, các cấp Bộ, lãnh đạo của Đảng và chính quyền cần có nhìn nhận đúng đắn hơn, mang tính chia sẻ, đồng cảm, thấu cảm, minh bạch hơn: Người làm sai phải bị xử lý, nhưng người đúng, người cống hiến thì phải đánh giá đúng, xứng đáng để họ yên tâm, yêu nghề. Đó là 3 nhóm vấn đề then chốt, phải tập trung cao độ để làm. Và tôi tin hoàn toàn có thể làm được.
Tiền, chủ trương, định hướng đều đã có, chỉ cần hiện thực hóa chuẩn chỉ nữa là giải quyết được khủng hoảng này. Giờ cần tập trung xử lý, với những hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế, ổn định tâm lý cho cán bộ ngành y, chi tiêu công bằng cho các y bác sĩ ngay trong cuộc khủng hoảng này nữa cũng là cách để ngành y tế bước qua cuộc khủng hoảng.
Xin cảm ơn ông!
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận