Giảm nghèo đa chiều ở Việt Nam: Thành tựu và thách thức

Phóng viên VOV bàn luận về chủ đề này cùng ông Trần Công Đoàn - Phó Chánh văn phòng giảm nghèo quốc gia, Bộ LĐ-TB&XH.

 

Nước ta là 1 trong 30 quốc gia trên thế giới, là nước đầu tiên trong khu vực châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều trong đánh giá, xây dựng chính sách giảm nghèo bền vững. Mặc dù đã hoàn thành sớm mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xóa đói, giảm nghèo nhưng vẫn còn đó nhiều thách thức trong giảm nghèo đa chiều và bền vững.

Phóng viên VOV bàn luận về chủ đề này cùng ông Trần Công Đoàn - Phó Chánh văn phòng giảm nghèo quốc gia, Bộ LĐ-TB&XH.

Theo ông, đâu là nguyên nhân của các thành tựu đạt được trong công tác giảm nghèo xét theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều ở nước ta?

Công tác giảm nghèo là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, là nhiệm vụ chính trị, quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới. Những thành tựu đó trong nhiều năm qua có các nguyên nhân chủ yếu sau:

Thứ nhất, công tác giảm nghèo và thực hiện cơ chế, chính sách giảm nghèo trong nhiều năm qua nhận được sự quan tâm, lãnh đạo và chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước; sự giám sát chặt chẽ, tích cực của Quốc hội và sự điều hành quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Thứ hai, sự vào cuộc tích cực của Bộ LĐ-TB&XH và trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Thứ ba, sự quan tâm bố trí nguồn lực Nhà nước, nguồn lực Trung ương, địa phương, xã hội và huy động những nguồn lực hỗ trợ hợp pháp khác từ tổ chức, cá nhân trong nước cũng như quốc tế.

Thứ tư, sự chủ động nỗ lực vươn lên của bản thân hộ nghèo và người nghèo. Đây cũng là định hướng trong công tác giảm nghèo ở giai đoạn mới này để hộ nghèo, người nghèo ý thức được đấy là trách nhiệm của mình cùng với sự hỗ trợ của nhà nước sẽ nỗ lực vươn lên thoát nghèo và tham gia vào xây dựng kinh tế - xã hội nói chung của địa phương.

Sự khác biệt giữa hai chuẩn nghèo đa chiều và nghèo đơn chiều là gì, thưa ông?

Giai đoạn 2011 - 2015 trở về trước, chúng ta áp dụng chuẩn mà chủ yếu dùng chỉ số đo lường bằng thu nhập, hay còn gọi là nghèo đơn chiều. Từ năm 2016 - 2020, chúng ta thực hiện chuẩn tiếp cận đa chiều. Giai đoạn 2021 - 2025, chúng ta thực hiện theo chuẩn đa chiều. Hai chuẩn nghèo này khác biệt ở chỗ, chuẩn nghèo đa chiều ngoài chỉ số đo lường thu nhập, chúng ta còn phải tiếp cận những chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản. Cụ thể là về việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và thông tin cho người nghèo.

Năm nay là năm đầu tiên Việt Nam áp dụng chuẩn nghèo đa chiều mới được thiết kế cho giai đoạn 2021 - 2025. Điều này đồng nghĩa với việc mục tiêu đặt ra trong giai đoạn mới sẽ cao hơn so với giai đoạn trước. Có ý kiến cho rằng, đây đánh dấu sự thay đổi về chất trong việc đo lường giám sát cũng như thực thi các giải pháp, chính sách giảm nghèo ở nước ta. Ông có đồng tình với ý kiến này?

Đúng như vậy. Công tác giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tới đây, chúng ta sẽ thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều bao trùm bền vững, có nghĩa là hướng đến mục tiêu sẽ xóa nghèo cho tất cả mọi người ở mọi nơi, mọi thời điểm và mọi chiều thiếu hụt, đi vào vấn đề chất lượng và chiều sâu, bao phủ tổng thể hơn những giai đoạn trước đây.

Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo cũng đã xác định những mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn. Ví dụ giai đoạn 2021 - 2025, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều duy trì mức giảm từ 1,0 - 1,5%, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số là trên 3%, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo phấn đấu thực hiện giảm từ 4 - 5%. Trong giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu 30% huyện nghèo và 30% các xã đặc biệt khó khăn vùng ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo và đặc biệt khó khăn.

Muốn đạt được mục tiêu lớn như vậy, đòi hỏi sự quyết tâm rất cao của Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống chính trị, đặc biệt là những cơ quan tham mưu chính sách và tổ chức thực hiện chương trình chính sách giảm nghèo.

Mặc dù nước ta có những tiến bộ đáng kể về giảm nghèo nhưng trên tổng thể thì tính dễ bị tổn thương và tình trạng không đồng đều vẫn là một thách thức. Tình trạng nghèo về thu nhập đã tăng đáng kể trong đại dịch Covid-19, đặc biệt là đối với những người di cư và nhóm dân tộc thiểu số. Tại sao lại có tình trạng này, thưa ông?

Bên cạnh những thành tựu giảm nghèo đã đạt được, chúng ta cũng nhận thấy rằng kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo và phát sinh nghèo mới còn cao. Một số nơi tỷ lệ nghèo cao và đời sống còn nhiều khó khăn, nhất là những vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới và hải đảo.

Khi chịu tác động, ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid-19 thì người nghèo, nhất là người nghèo di cư và nhóm đồng bào dân tộc thiểu số sẽ thiếu việc làm, không có sinh kế và thu nhập trong một thời gian dài, dẫn đến xuất hiện tình trạng tái nghèo, thậm chí phát sinh nghèo mới ở những bộ phận này...

Gia đình ông Đinh Văn Điểm, dân tộc Mường ở huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) vay vốn chương trình hộ cận nghèo đầu tư nuôi trâu sinh sản, trồng rừng, có cơ hội thoát nghèo bền vững. 	Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Đối với lực lượng lao động ở khu vực chính thức, gốc rễ của nó là sẽ tạo được việc làm ổn định, tránh được cú sốc xảy ra như dịch bệnh, thiên tai. Vấn đề này đòi hỏi sự hỗ trợ rất lớn và dự báo được tình hình đối với sự hỗ trợ cho những vùng đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo di cư.

Việc duy trì thành tích giảm nghèo bền vững cho trung và dài hạn đòi hỏi các giải pháp đổi mới và toàn diện để thích ứng hơn trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng ở cả trong nước và trên toàn cầu. Vậy đâu sẽ là những giải pháp tổng thể để nước ta có thể đạt được mục tiêu này, thưa ông?

Trong trung hạn và dài hạn, việc duy trì thành tích giảm nghèo bền vững cũng như để thích ứng với những biến đổi trong nước và quốc tế thì có nhiều giải pháp. Tuy nhiên, nên tập trung vào mấy giải pháp trụ cột như sau: Thứ nhất, nền tảng kinh tế cần được củng cố và đầu tư phát triển. Hạ tầng kinh tế - xã hội phải tiếp tục được giữ vững và phát triển hơn nữa để từ đó thúc đẩy việc tạo việc làm có năng suất, chất lượng để thu nhập tốt và sinh kế bền vững cho người dân và với trọng tâm là ổn định kinh tế vĩ mô và hội nhập kinh tế toàn cầu. Thứ hai, phải cung cấp và thực hiện được những dịch vụ xã hội cơ bản, có chất lượng cho người dân. Đặc biệt, phải thực hiện tốt những chiều thiếu hụt về dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo. Thứ ba, quan tâm và đầu tư cho việc mở rộng và tăng cường hệ thống bảo trợ xã hội bởi đây là những đối tượng yếu thế, rất dễ bị tổn thương khi xảy ra những rủi ro.

Chúng ta hiểu rằng, trong thời gian tới, thay vì hướng đến hỗ trợ hộ gia đình, cá nhân đơn lẻ thì lần này sẽ hướng tới phát triển những mô hình, dự án cho người dân. Nguồn lực để hỗ trợ trực tiếp sẽ giảm để tập trung đầu tư cho phát triển vùng, phát triển kinh tế - xã hội, để làm sao điều kiện phát triển sản xuất bền vững hơn, đúng không ạ?

Đúng vậy. Những cơ chế, chính sách và chương trình giảm nghèo hiện nay chuyển mạnh sang tập trung theo mô hình tổ chức sản xuất. Ví dụ, tổ chức theo hình thức hợp tác xã, tổ hợp tác, cộng đồng dân cư và lớn hơn nữa là doanh nghiệp.

Từ đó, sẽ lựa chọn những mô hình sản xuất cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế của địa phương, phù hợp với điều kiện của người nghèo, kết nối được với thị trường đầu ra và kết nối được với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Chính từ việc ấy nâng cao được giá trị sản xuất cho người nghèo, đảm bảo được việc giữa sản xuất, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm cho người nghèo. Đặc biệt là việc ổn định giá cả tiêu thụ.

Đây là cái cốt lõi để người nghèo yên tâm sản xuất khi mình đã xác định được cái kết nối giữa sản xuất và đầu ra của sản phẩm. Một vấn đề trọng tâm nữa là đi theo hướng những mô hình dự án giảm nghèo hiện nay là phát triển những vùng sản xuất của người nghèo trở thành vùng phát triển lớn, phát triển kinh tế vùng để kết nối giữa vùng phát triển với vùng còn khó khăn, kết nối chia sẻ, hỗ trợ kinh nghiệm, hỗ trợ về tiêu thụ sản phẩm để những vùng nghèo phát triển kịp với những vùng phát triển khác.

Trong giai đoạn tới, việc đào tạo nghề để người nghèo có thể vươn lên có việc làm năng suất, thu nhập bền vững sẽ có hướng đi nào để mang lại hiệu quả như mong muốn?

Đây là cái cốt lõi. Người nghèo muốn thoát nghèo thì phải có kiến thức, có việc làm bền vững để tạo thu nhập và sinh kế ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống của mình, từ đó có giá trị thặng dư để phát triển kinh tế. Quan điểm hiện nay là hướng phát triển tính chủ động của người nghèo, đó chính là trang bị cho người nghèo kiến thức, kỹ năng nghề, việc đào tạo nghề phải gắn với việc tạo việc làm. Tạo việc làm thì qua nhiều kênh, có thể kết nối với doanh nghiệp, có thể là đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng, có thể người nghèo tự vươn lên bằng chính kiến thức ấy trên chính mảnh đất của quê hương.

Khi họ có kiến thức rồi sẽ chuyển đổi và áp dụng kiến thức ấy vào sản xuất trên quê hương mình. Điểm mới của chương trình giảm nghèo giai đoạn này là đào tạo nghề nhưng phải gắn liền với tạo việc làm cho người nghèo, phải gắn liền với nhu cầu của thị trường lao động và phù hợp với điều kiện, khả năng của người nghèo để việc đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm phải đi vào cuộc sống, phải tạo ra thu nhập, sinh kế ổn định, bền vững cho người nghèo và cả những chiến lược lâu dài. Cần rút kinh nghiệm ở những giai đoạn trước đây, ở đâu đó đào tạo nghề chưa gắn liền với việc làm, sinh kế và thu nhập trực tiếp.

Xin cảm ơn ông!














 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận