Hoàn thiện cơ chế đảm bảo quản lý, sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Luật Hà Nội.

 

Sau hơn một tháng lấy ý kiến của người dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) từ ngày 3/1 đến nay, các quy định liên quan đến quản lý, sử dụng đất nông nghiệp là vấn đề được người dân rất quan tâm. Những quy định trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã giải quyết được những bất cập trong sử dụng và quản lý đất nông nghiệp hay chưa và cần tháo gỡ theo hướng nào?
Phóng viên VOV bàn luận nội dung này với PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến (ảnh nhỏ), Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Luật Hà Nội.
Những vi phạm về sử dụng đất nông nghiệp diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương trong thời gian qua nói lên hiện trạng gì trong quản lý sử dụng đất nông nghiệp hiện nay, thưa ông?
Điều đó thể hiện thực trạng yếu kém của hệ thống chính quyền cơ sở và sự coi thường pháp luật của những người dân vi phạm. Mặc dù trong Luật Đất đai năm 2013 có những quy định riêng đối với đất nông nghiệp - muốn chuyển mục đích sử dụng (MĐSD) thì phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thế nhưng việc thực thi pháp luật không nghiêm từ hai phía: Người dân không tuân thủ pháp luật, hai là sự yếu kém của các cơ quan nhà nước, đặc biệt là ở cơ sở, và ở đâu đó còn có thể có sự móc ngoặc, dung túng.

Những vi phạm trong quản lý đất nông nghiệp diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương nhưng lại khó xử lý và có chiều hướng tiếp diễn. Theo ông, tại sao lại như vậy?
Quỹ đất để sử dụng vào các mục đích kinh doanh hiện nay ngày càng khan hiếm, và giá chuyển nhượng trên thị trường rất cao, trong khi đó quỹ đất nông nghiệp ở các địa phương so với đất phi nông nghiệp thì diện tích còn tương đối lớn; hơn nữa, sự chênh lệch về địa tô do việc chuyển MĐSD từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp rất lớn, dẫn đến tình trạng có những tổ chức cá nhân lấn chiếm, tự ý chuyển MĐSD, thậm chí phân lô bán nền trái phép, gây ra hỗn loạn trong quản lý đất đai, đặc biệt ở các chính quyền cơ sở, gây bức xúc cho người dân, làm thu hẹp diện tích đất nông nghiệp và ảnh hưởng đến vấn đề công ăn việc làm của những người trực tiếp sản xuất nông nghiệp cũng như an ninh lương thực quốc gia.
Ở một số địa phương hiện nay, người dân mua đất ở rất khó nhưng doanh nghiệp (DN) mua đất ruộng của nông dân rồi bán thì rất dễ, nên một số hộ dân đã làm nhà ở trên đất ruộng. Thực trạng này xảy ra ở nhiều vùng nông thôn. Theo ông, vấn đề này cần được sửa đổi như thế nào?
Hiện có tình trạng các DN đi thu gom đất nông nghiệp, thậm chí nhận chuyển nhượng đất do người nông dân chuyển nhượng - tức là tự ý thay đổi mục đích để làm nhà, sau đó bán lại để kiếm lời. Thực trạng này đang xảy ra ở nhiều địa phương. Trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này, chúng ta sẽ quy định rất chặt chẽ điều kiện của các DN, tuy cho phép các DN được tiếp cận đất nông nghiệp, nhưng DN phải thực hiện các dự án sử dụng đúng mục đích đất nông nghiệp, tránh tình trạng lợi dụng nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp rồi tự ý thay đổi MĐSD để kiếm lời.

Với những câu chuyện về tình trạng sai phạm trong sử dụng và quản lý đất nông nghiệp ở nhiều địa phương, ông có bình luận gì?
Những sai phạm này có nguyên nhân từ sự bất cập của pháp luật. Hiện nay, quản lý trực tiếp đất đai là chính quyền cấp xã, phường, thị trấn, còn chính quyền từ cấp huyện, cấp tỉnh đến cấp Trung ương quản lý trên cơ sở hồ sơ, sổ sách, bản đồ địa chính và các số liệu do các cơ quan chính quyền cơ sở báo lên và hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra.

Những vi phạm về sử dụng đất nông nghiệp thể hiện thực trạng yếu kém của hệ thống chính quyền cơ sở.

Vi phạm trong lĩnh vực đất đai có đặc điểm: Nếu xử lý nhanh chóng, kịp thời thì việc xử lý rất dễ, còn để chậm thì việc xử lý rất khó, bởi mất nhiều thời gian và việc cưỡng chế rất tốn kém. Chính quyền cấp xã lại không có kinh phí để cưỡng chế, chưa kể đất đai là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, nếu xử lý không khéo sẽ ảnh hưởng sang những lĩnh vực khác.
Về giải pháp trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả, ông có ý kiến như thế nào?
Trong nội dung dự thảo Luật Đất đai năm 2013 sửa đổi, chúng ta đang sửa đổi để nâng hạn mức giao đất nông nghiệp về nhận chuyển nhượng sử dụng đất nông nghiệp. Thứ hai, chúng ta đang nghiên cứu và quy định cho các tổ chức kinh tế, thậm chí các DN có vốn đầu tư nước ngoài được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để tích tụ tập trung đất đai. Tuy nhiên, các tổ chức kinh tế nói chung và DN có vốn đầu tư nước ngoài nói riêng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp phải thực hiện dự án đầu tư trong sản xuất nông nghiệp và không được thay đổi MĐSD. Đây là chốt chặn để chúng ta ngăn ngừa từ xa tình trạng DN nhận chuyển nhượng thu gom đất, sau đó chuyển MĐSD đất bán lại kiếm lời, tìm kiếm chênh lệch về địa tô.

Thứ hai, để tránh xảy ra mâu thuẫn hiện nay là nông dân thì bỏ ruộng đất lên TP kiếm việc làm bởi đất đai manh mún nên chi phí đầu vào rất cao, trong khi đó giá thành nông sản thấp, và không tìm được đầu ra, người nông dân càng làm càng lỗ nên họ bỏ hoang ruộng đất, thế nhưng vẫn không chịu chuyển nhượng bởi họ coi mảnh đất đấy như sổ bảo hiểm xã hội, khi công ăn việc làm ở thành phố khó khăn, họ quay về địa phương có đất để canh tác.

Bên cạnh đó, nông dân giữ đất dù không sử dụng để khi nhà nước thu hồi thì được bồi thường hỗ trợ tái định cư. Trong khi đó, các DN hiện nay bị rào cản, cần nhận chuyển nhượng đất đai thì lại không nhận được. Để khắc phục tình trạng này, chúng ta xác lập mô hình ngân hàng đất nông nghiệp (NHĐNN). Đây là mô hình rất mới, lần đầu tiên ở Việt Nam.
Mô hình NHĐNN nhằm thực hiện chức năng tạo quỹ đất nông nghiệp thông qua việc cho thuê quyền sử dụng đất, nhận ký gửi quyền sử dụng đất. Để quy định có ý nghĩa đúng như mục đích của nhà làm luật, theo ông cần xác định thêm những vấn đề gì?
Luật thì chúng ta mới có 1 điều quy định về NHĐNN nhưng để triển khai được điều này mang lại hiệu quả thiết thực thì cần phải có văn bản hướng dẫn. Trong dự thảo Luật chưa thấy quy định NHĐNN là do Nhà nước thực hiện, vậy quy chế tổ chức NHĐNN thực thi theo Luật các tổ chức tín dụng hay Luật Đất đai, hay là cả hai.

Thứ hai, NHĐNN trực thuộc sự quản lý nhà nước của ngân hàng nhà nước hay của Bộ TN-MT hoặc UBND các tỉnh, và cơ chế hoạt động như thế nào? Khi đất nhàn rỗi, người dân góp vào ngân hàng, vậy khi người dân cần thì có lấy ra được bất kỳ lúc nào hay không?
Xin cảm ơn ông!
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận