Triển khai Luật Khám chữa bệnh: Những khó khăn nào cần tháo gỡ?

Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ giải quyết những khó khăn về cơ chế tài chính, công tác đấu thầu, giá khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.

 

Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ 1/1/2024. Dù Luật được kỳ vọng sẽ giải quyết được những khó khăn về cơ chế tài chính, công tác đấu thầu, giá khám bệnh, chữa bệnh (KBCB) tại các cơ sở y tế công lập song trên thực tế triển khai đang cho thấy những điều cần tháo gỡ để Luật đi vào cuộc sống.

Phóng viên VOV trao đổi về vấn đề này với TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế.

TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế.

Thưa ông, Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) với 12 chương và 121 điều có hiệu lực từ đầu năm 2024 với nhiều nội dung quan trọng thể hiện các giải pháp là lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ KBCB. Ông có thể thông tin những điểm nổi bật của Luật này?

Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) có một số điểm mới như sau: Thứ nhất, khi đã lấy người bệnh làm trung tâm thì chúng ta phải khẳng định mối quan hệ hữu cơ, biện chứng giữa quyền và nghĩa vụ của người bệnh - quyền và nghĩa vụ của người hành nghề - quyền và trách nhiệm của các cơ sở KBCB. Trong Luật đã khẳng định rất rõ về quyền của người bệnh phải gắn với nghĩa vụ của người hành nghề, gắn với trách nhiệm của các cơ sở KBCB. Tuy nhiên, người bệnh không chỉ có quyền mà còn phải có các nghĩa vụ, và muốn thực hiện được các nghĩa vụ đó thì phải trên cơ sở phải đảm bảo được quyền của người hành nghề và quyền của cơ sở KBCB.

Thứ hai, người hành nghề phải nâng cao được kỹ năng về thực hành y khoa. Trước đây, chúng ta lấy người hành nghề theo các y bác sĩ, điều dưỡng viên, nhưng bây giờ chúng ta cũng làm rõ được những chức danh này. Ví dụ bác sĩ thì phải là bác sĩ chuyên khoa, đa khoa; y sĩ thì phải chuyên khoa, đa khoa; kỹ thuật viên bao gồm các cử nhân sinh học, kỹ sư công nghệ sinh học,… đều được quy nạp và theo các chức danh hành nghề chuyên môn và như vậy, đáp ứng được yêu cầu đa dạng của cuộc sống, tức là từ nhiều nguồn đào tạo khác nhau nhưng đều phục vụ cho chuyên môn y tế.

Thứ ba, thay chứng chỉ hành nghề bằng giấy phép hành nghề. Thứ tư, trước đây giá trị của chứng chỉ hành nghề là vô thời hạn, nhưng bây giờ quy định thời hạn là 5 năm, và hết thời hạn này thì mặc nhiên gia hạn nếu đáp ứng được yêu cầu của cập nhật kiến thức y khoa liên tục. Quy định như vậy để bảo đảm được người hành nghề luôn luôn phải học tập, trau dồi các kiến thức mới, kỹ thuật mới, phương pháp mới về KBCB và hạn chế được các rủi ro, sự cố y khoa.

Thứ năm, về thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề. Hiện nay, ngoài Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Sở Y tế thì Bộ Công an cũng được cấp giấy phép hành nghề cho những người hành nghề trong lực lượng công an nhân dân. Thứ sáu, các cơ sở khám chữa bệnh phải đáp ứng được yêu cầu về ngôn ngữ trong KBCB. Đáp ứng yêu cầu về ngôn ngữ không chỉ với người Kinh mà còn với người DTTS, người nước ngoài đến Việt Nam, người khiếm thính muốn thăm khám chữa bệnh.

Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) có nhiều điểm mới, được kỳ vọng tháo gỡ khó khăn cho ngành y tế.

Thứ bảy, liên quan đến các cơ sở KBCB, Luật quy định rất rõ về hình thức của các cơ sở KBCB, trong đó có bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa, các viện nghiên cứu có giường bệnh, các cơ sở KBCB theo hệ thống từ Trung ương đến địa phương, trạm y tế xã đến cả các cơ sở KBCB gắn trực tiếp với dân - đó là phòng khám gia đình. Luật cũng có các quy định mới liên quan đến cấp cứu ngoại viện - tức là phải cung cấp các dịch vụ cấp cứu rất nhanh để có được thời gian vàng cứu sống được người bệnh và hạn chế các rủi ro nếu như cứu được người bệnh. Thời gian vàng chỉ trong vòng 20 - 30 phút, nếu không cấp cứu ngoại viện kịp thời thì người bệnh có thể bị tổn thương suốt đời hoặc bị tử vong.

Đặc biệt, lần đầu tiên trong Luật Khám chữa bệnh, chúng ta có cả một chương quy định về các cơ chế tài chính đối với vấn đề này để đảm bảo cung ứng được các dịch vụ KBCB chất lượng cho người dân. Bên cạnh đó, còn có quy định thể chế hóa các quy định liên quan đến KBCB. Trong điều kiện xảy ra đại dịch như Covid-19 thì cũng đã có các thể chế hóa cụ thể.

Hiện nay, người dân đang lo lắng về tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ người bệnh. Theo ông, làm thế nào để tháo gỡ các khó khăn, chấm dứt được tình trạng này?

Vấn đề về thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế, trong đó có các vật tư tiêu hao đã tồn tại từ trước thời điểm Luật Khám bệnh chữa bệnh có hiệu lực. Và vấn đề này còn phụ thuộc cả vào những luật khác, trong đó có Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Quản lý và Sử dụng tài sản công, Luật Quảng cáo và một số luật khác. Luật Khám bệnh chữa bệnh đã cố gắng đưa ra các cơ chế pháp lý để đồng nhất với các quy định của Luật Đấu thầu, Luật Giá và một số quy định khác. Bộ Y tế cũng đã ban hành Thông tư số 14 để tháo gỡ các khó khăn trong việc mua sắm thuốc, vật tư y tế và đã tạo ra các cơ chế về mặt pháp lý tương đối đầy đủ để các cơ sở KBCB có được nền thể chế đủ rộng, đủ toàn diện và đủ an toàn cho việc mua sắm thuốc, các vật tư y tế để phục vụ cho những người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế. Với nền thể chế hiện nay, Quốc hội đã thông qua Luật Khám bệnh chữa bệnh, Chính phủ đã ban hành Nghị định 96, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 32, trong đó có quy định liên quan đến giá dịch vụ KBCB, liên quan đến tự chủ về mặt tài chính, liên quan đến xã hội hóa, công tác y tế. Hy vọng các cơ sở y tế KBCB sẽ sớm triển khai để có đấu thầu và mua sắm được thuốc trong danh mục thuốc Bảo hiểm y tế cũng như mua sắm được các trang thiết bị y tế để đáp ứng yêu cầu của người bệnh.

Ông có kỳ vọng gì với Luật Khám chữa bệnh sửa đổi trong việc tháo gỡ nhóm vấn đề như xã hội hóa trong KBCB, huy động các nguồn lực phục vụ cho công tác KBCB, hợp tác công tư đối với nước ngoài, với các cơ quan tổ chức, vì tất cả những điều đó sẽ tháo gỡ cho ngành y tế có đường hướng để phát triển?

Khi chúng ta đang có những vấn đề liên quan đến tự chủ bệnh viện, liên quan đến giá dịch vụ KBCB, chúng ta có những khó khăn, vướng mắc liên quan đến xã hội hóa và chính vướng mắc này khiến thời gian qua, ngành y tế có nhiều cán bộ y tế cũng đã vướng vào vòng lao lý liên quan đến đấu thầu, liên danh, liên kết, mà do các quy định chưa được làm rõ, về mặt hành lang pháp lý không bảo đảm được an toàn khi người ta làm đúng luật mà cũng không biết là có đúng hay không thì Luật KBCB sửa đổi đã có các quy định khá cụ thể, trong đó có vấn đề về cơ chế tài chính, trong cơ chế tài chính có các quy định liên quan đến vấn đề về tự chủ bệnh viện, công tác xã hội hóa, y tế, giá dịch vụ KBCB, thì toàn bộ các vấn đề này đã được cụ thể hóa. Và các quy định này khá tương thích, tương đồng, nhưng có các đặc trưng liên quan đến công tác KBCB với Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Quản lý và Sử dụng tài sản công.

Luật cũng đã quy định cơ sở KBCB được vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, thiết bị y tế, thuê - cho thuê tài sản, dịch vụ lâm sàng, cận lâm sàng, dịch vụ y tế, dịch vụ nhà thuốc, quản lý vận hành cơ sở KBCB,… Vậy theo ông, những quy định này khi triển khai vào thực tế sẽ tháo gỡ được vấn đề gì trong xã hội hóa (XHH) đầu tư trang thiết bị y tế trong các bệnh viện công?

Hiện nay, chúng ta đang hiểu XHH nghiêng về các vấn đề liên quan đến cơ chế tài chính, tức là huy động các nguồn lực trong xã hội để tham gia vào các hoạt động KBCB, nhưng chúng ta cũng phải hiểu bản chất nội hàm của XHH. Đầu tiên, chúng ta phải tự chăm lo cho sức khỏe của mình. XHH còn phải tham gia cấp cứu, phòng chống các tai nạn thương tích trong cộng đồng, tham gia KBCB khi có sự huy động của các cơ quan y tế có thẩm quyền, như trong đại dịch Covid-19. Chúng ta phải đa dạng hóa các loại hình dịch vụ KBCB, thu hút các nguồn lực xã hội trong các hoạt động KBCB. Với vấn đề trong Luật đề cập, trong đó có 7 hình thức thu hút các nguồn lực xã hội thì rõ ràng nguồn ngân sách nhà nước cung cấp cho các cơ sở KBCB còn có hạn nên chúng ta mới có chủ trương về XXH y tế để huy động, thu hút các nguồn lực trong xã hội trên cơ sở của Luật Đầu tư công, Luật Quản lý và Sử dụng tài sản công, Luật Đấu thầu, Luật Giá.

Một điểm mới của Luật cũng được quan tâm đó là quy định về giấy phép hành nghề khi cho phép giảng viên trường đại học y được làm trưởng - phó khoa tại các cơ sở y tế, rồi trạm trưởng trạm y tế được phép mở phòng khám tại nhà, bác sĩ tại một bệnh viện được làm việc tại nhiều cơ sở. Theo ông, những quy định mới này có ảnh hưởng đến chất lượng KBCB và nhân lực của các cơ sở y tế công lập hay không?

Có thể nói quy định này rất tiến bộ, phù hợp với thực tiễn. Việc KBCB phải gắn với thực hành liên tục, cho nên các bác sĩ vừa là người cung ứng các dịch vụ nhưng cũng là người giảng dạy cho các sinh viên thực tập nên gắn với với vấn đề thực hành rất lớn. Trên tinh thần như vậy, chúng ta tận dụng được các nguồn lực và lại có cơ chế để bảo đảm được các vấn đề thực hành của các đối tượng mà chúng ta đào tạo. Còn trạm trưởng trạm y tế xã mà được hành nghề, về nguyên tắc, đã là viên chức (người đứng đầu) thì không được hành nghề tư ngoài giờ vì sợ liên quan đến vấn đề phòng chống tham nhũng. Nhưng đối với trạm y tế xã ở vùng sâu vùng xa, thu nhập không được bảo đảm thì chúng ta cũng cho phép họ được KBCB ngoài giờ để có thêm thu nhập, gia đình ổn định, cuộc sống tốt hơn và người ta sẽ yên tâm thực hiện nhiệm vụ của mình.

Xin cảm ơn ông!

Minh Khánh thực hiện

 

Bình luận

    Chưa có bình luận