Sáng 19/1, Bộ Quốc phòng, Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam đã tổ chức trọng thể Lễ viếng, Lễ truy điệu và Lễ an táng liệt sĩ, Trung tá Đỗ Anh tại Nhà tang lễ Quốc gia (Trần Thánh Tông, Hà Nội).
Trung tá Đỗ Anh (SN 1983, xã Xuân Hồng, Xuân Trường, Nam Định) hi sinh khi làm nhiệm vụ tại Phái bộ Gìn giữ Hòa bình của Liên Hợp Quốc tại Trung Phi. Sau đó, đồng chí Đỗ Anh đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận liệt sĩ và cấp Bằng Tổ quốc ghi công; Bộ Quốc phòng đã truy thăng quân hàm từ Thiếu tá lên Trung tá cho đồng chí Đỗ Anh. Anh là sĩ quan đầu tiên của Cục Gìn giữ Hòa bình hi sinh khi đang làm nhiệm vụ quốc tế.
Trưởng Ban Tổ chức lễ tang là Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã có những chia sẻ liên quan đến quá trình công tác và hy sinh của Trung tá Đỗ Anh.
PV: Ông đánh giá thế nào về phẩm chất và quá trình công tác của đồng chí Đỗ Anh?
Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng: Trung tá Đỗ Anh là một cán bộ xuất sắc của Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam. Đồng chí có thời gian chuẩn bị và được huấn luyện đào tạo rất cơ bản. Sự mất mát của đồng chí là một tổn thất rất to lớn, khi chúng ta đang triển khai thêm các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình.
Đây có thể nói, đây là tổn thất lớn nhất trong 8 năm qua, kể từ khi chúng ta tham gia các lực lượng Gìn giữ Hòa Bình của Liên Hợp Quốc. Sự mất mát này là tổn thất của quân đội, của cục, của gia đình, đồng thời cũng là một sự tổn thất của đất nước chúng ta. Khi chúng ta đang có những người con ưu tú, tham gia vào các hoạt động Gìn giữ Hòa bình mang tính nhân đạo, nhân văn cao cả.
Sự đóng góp này của Việt Nam tiếp tục được thế giới ghi nhận và đánh giá rất cao.
PV: Chúng ta đã tham gia phái bộ của LHQ từ khi nào và các cán bộ chiến sĩ của chúng ta đã đóng góp ra sao vào công cuộc gìn giữ hòa bình chung của thế giới?
Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng: Suốt từ năm 1948 đến nay, Liên Hợp Quốc đã thành lập nhiều phái bộ. Dù mới chỉ tham gia được 8 năm, nhưng Việt Nam đã để lại những dấu ấn mạnh mẽ về hình ảnh bộ đội cụ Hồ.
Thời điểm này, chúng ta đang mở rộng các hoạt động tại các phái bộ ở Trung Phi, ở Nam Sudan. Chúng ta chuẩn bị đưa đội ngũ công binh đi các phái bộ, bên cạnh các bệnh viện. Sự hy sinh của Trung tá Đỗ Anh cũng là một đóng góp to lớn nữa của đất nước chúng ta với mục tiêu lớn của Liên Hợp Quốc là duy trì nền ổn định, hòa bình của các nước châu Phi.
Trung tá Đỗ Anh rất trẻ, đã làm việc hết mình và đã hy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Chúng tôi rất ấn tượng khi ngài Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đã trực tiếp có thư gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quân đội để bày tỏ sự tiếc thương với sự hi sinh của đồng chí Đỗ Anh. Lãnh đạo Phái bộ và Liên Hợp Quốc cũng đã có những sự quan tâm rất chu đáo trong quá trình cứu chữa, bảo quản thi hài và đưa thi hài đồng chí Đỗ Anh về đất mẹ Việt Nam.
Việc này thôi thúc chúng tôi tiếp tục sự nghiệp mà Trung tá Đỗ Anh còn đang dang dở, tiếp tục đóng góp hơn nữa cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Chúng ta sẽ tiếp tục mở rộng các hoạt động gìn giữ Hòa bình hơn nữa, để thể hiện Việt Nam là quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc, có trách nhiệm đóng góp trong các nhiệm vụ chung.
PV: Ông có thể cho biết môi trường làm việc - nơi Trung tá Đỗ Anh công tác là như thế nào?
Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng: Các Phái bộ của Liên Hợp Quốc tại Trung Phi đều có những khó khăn riêng. Đầu tiên phải nói đến khó khăn về khí hậu, thời tiết, bệnh dịch.
Như bạn đã biết, biến chủng Omicron xuất phát từ châu Phi. HIV, một số các dịch bệnh khác như vàng da... đều tràn lan ở châu Phi. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng về y tế tương đối kém cỏi. Điều kiện sinh hoạt của cán bộ sĩ quan của chúng ta ở bên đó hoàn toàn khác biệt với điều kiện sinh hoạt ở trong nước, luôn luôn có những trở ngại.
Ở khu vực đó không còn chiến sự nữa, bởi đã có các thỏa ước hòa bình giữa các phe phái. Nhưng những sự thù hận và xung độ nhỏ lẻ, kể cả xung đột vũ trang vẫn còn.
Trung tá Đỗ Anh hi sinh trong quá trình làm nhiệm vụ mang tính nhân đạo của Liên Hợp Quốc, chứ không phải hoạt động tác chiến.
PV: Chế độ chính sách với liệt sĩ Đỗ Anh và gia đình là như thế nào, thưa ông?
Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng: Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng luôn quan tâm đến chế độ chính sách với cán bộ chiến sĩ, đặc biệt là các đồng chí liệt sĩ. Trung tá Đỗ Anh là liệt sĩ trong thời bình và hy sinh trong khi triển khai một nhiệm vụ đặc biệt, được Quân ủy Trung ương, Chủ tịch nước ra quyết định. Do đó, sự hy sinh của đồng chí được sự quan tâm rất lớn.
Đồng chí Đỗ Anh khi mất đi là Thiếu tá. Ngay sau đó, lãnh đạo Bộ Quốc phòng đã truy phong Trung tá cho đồng chí. Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận liệt sỹ cho đồng chí Đỗ Anh. Chủ tịch nước ký quyết định tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng 3 cho đồng chí. Bên cạnh đó là hàng loạt chính sách khác để đảm bảo cho hậu phương, gia đình.
Ngoài ra, chúng ta cũng nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Phái bộ, Liên Hợp Quốc với sự hy sinh trong quá trình làm nhiệm vụ của đồng chí Đỗ Anh. Tôi cho rằng, chính sách đãi ngộ với trường hợp hy sinh của Trung tá Đỗ Anh là rất lớn. Tuy nhiên, phải nói rằng, sự mất mát về con người, mất đi một cán bộ quả cảm như đồng chí Đỗ Anh là một thiệt thòi rất lớn với Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam và quân đội chúng ta.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông./.
Trọng Phú/VOV.VN