MỘT ĐỊA CHỈ ĐỎ ĐANG BỊ BỎ QUÊN

Hành trình đi tìm tấm biển 'Di tích lịch sử' của gia đình vẫn gặp khó khăn bởi sự thờ ơ, đùn đẩy của những người có trách nhiệm.

 

Những ngày cuối Tháng Tám mùa Thu lịch sử, chúng tôi về xóm An Chinh, xã Yên Lộ, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (cũ), nay là Tổ dân phố số 12, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội- nơi có ngôi nhà của cụ Trịnh Bá Vỹ, một Nhà nho, một chí sĩ đã nêu cao tinh thần yêu nước, tích cực đấu tranh chống đế quốc và bảo vệ cách mạng, góp phần vào thắng lợi của cuộc cách mạng Tháng Tám. Gia đình cụ còn có 7 người con, cháu đều là lão thành cách mạng, đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng ký tặng Bảng vàng CÓ CÔNG VỚI NƯỚC và nhiều Huân chương, Huy chương kháng chiến.

Bằng CÓ CÔNG VỚI NƯỚC tặng gia đình cụ Trịnh Bá Vỹ

Là người học rộng, tài cao, chí lớn lại có khí phách cương cường, tính tình đức độ, thương dân nghèo, dám xả thân vì nghĩa lớn, vậy nên cuối thế kỷ 19, cụ Vỹ đã xin từ chức Phó Tổng để về mở hiệu thuốc chữa bệnh cứu dân nghèo. Danh tiếng cụ Tổng Vỹ nức vùng từ thuở ấy. Cụ Trịnh Bá Vỹ sớm tham gia phong trào yêu nước và làm Chi hội Trưởng Đông Kinh Nghĩa Thục của tỉnh Hà Đông lúc bấy giờ. Cụ còn động viên cả anh, em, vợ, con, cháu cùng tham gia vào phong trào yêu nước, dấn thân làm cách mạng. Năm 1935, con trai cả của cụ là Trịnh Bá Bổng bị địch bắt giam tại Hỏa Lò. Không nản lòng, Cụ Vỹ lại tiếp tục động viên, thúc giục 3 người con trai thứ noi gương anh Bổng dấn thân làm cách mạng. Cụ còn cho các con nhiều tiền của để thuận lợi trong hoạt động.

Đầu năm 1936, Chiến sĩ Cộng sản Nguyễn Trọng Cảnh (Trần Quốc Hoàn) nghe được danh tính của Cụ qua câu vè của dân chúng: “tiền Tổng Kiên, quyền Tổng Vỹ”. Bằng thiên tài bẩm sinh của nghề công an, Nguyễn Trọng Cảnh đã tìm đến cụ Vỹ xây dựng cơ sở và gia đình đã trở thành cơ sở bí mật của đồng chí Cảnh và của Đảng từ đó. Ngôi nhà của cụ Trịnh Bá Vỹ ở xóm An Chinh, xã Yên Lộ đã trở thành “An toàn khu” của Đảng. Một sự trùng hợp thật thú vị, đó là vào ngày 29 tháng 9 năm 1936, khi đồng chí Nguyễn Trọng Cảnh được giao nhiệm vụ đón hai đồng chí Trường Chinh và Trịnh Bá Bổng từ Hỏa Lò đưa về cơ sở bí mật của mình. Đó chính là ngôi nhà của cụ Trịnh Bá Vỹ, cha của đồng chí Trịnh Bá Bổng. Ngay sau đó, ngày 03 tháng 10 năm 1936, tại nhà cụ Vỹ, chi bộ Đảng đầu tiên đã được thành lập. Đến cuối năm 1939, theo chỉ đạo của các đồng chí Hoàng Văn Thụ và Hoàng Quốc Việt, một chi bộ Đảng mới được thành lập, đó là “Chi bộ Cơ quan Văn phòng Xứ ủy” do Đồng chí Trịnh Bá Bổng làm Bí thư kiêm Đội trưởng Đội Tự vệ. Lúc này, con cháu của cụ Trịnh Bá Vỹ đã có gần chục người là đảng viên. Và cũng từ đấy, ngôi nhà của cụ Trịnh Bá Vỹ, một đại gia đình có quyền thế nhất vùng, đủ để bảo đảm bí mật và an toàn tuyệt đối cho Trụ sở Cơ quan “Văn phòng Bí mật của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương và Xứ ủy Bắc Kỳ” giai đoạn 1936-1945, được Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn đặt mật danh là ATK- tức là “An toàn khu”.

Đồng chí Trường Chinh về thăm đồng chí Trịnh Bá Bổng tại nhà riêng- là cơ sở bí mật của TW Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ từ năm 1936 đến năm 1945.

Nhiều nhà cách mạng tiền bối lỗi lạc của Đảng đã ăn ở và làm việc tại đây như các đồng chí Trường Chinh, Trần Quốc Hoàn, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh, Hoàng Ngân… Đến năm 1944 có thêm đồng chí Đội Tố - tức là Đại tướng Lê Trọng Tấn và nhiều nhà cách mạng khác.

Đồng chí Lê Trọng Tấn về thăm đồng chí Trịnh Bá Bổng tại nhà riêng đồng chí Bổng.Cũng tại đây, nhiều Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng đã ra đời, nhiều tờ báo, tài liệu cách mạng đã được in ấn.

Giấy chứng nhận của đồng chí Hoàng Quốc Việt

Để có tiền ủng hộ Cách mạng, cụ Vỹ đã bán cả hiệu thuốc Nam gia truyền của gia đình ở mặt phố Hà Đông, bán cả ruộng vườn và dốc toàn bộ vàng bạc tích cóp từ nhiều đời, đồng thời vận động bà con ruột thịt góp thêm gần 3 lạng vàng để đưa cho Đồng chí Trần Đăng Ninh đi mua máy in, giấy, mực về in sách báo, in tài liệu phục vụ hội nghị Trung ương 7 tháng 11 năm 1940 và Hội nghị Trung ương 8 tháng 5 năm 1941. Xin trích nguyên văn lời xác nhận của Đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh ngày 15/5/1988: “Tôi xác nhận, khoảng tháng 7 năm 1940 đến tháng 2, tháng 3 năm 1941, Tôi đã về ở và làm việc tại nhà Đồng chí Trịnh Bá Bổng (con trai Cụ Trịnh Bá Vỹ) thôn Yên Lộ, xã Yên Nghĩa, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông, nay thuộc Hà Nội. Đây là cơ sở của Xứ ủy Bắc Kỳ. Lúc này Đồng chí Bổng là Bí thư Chi bộ kiêm Đội trưởng Đội Tự vệ. Trước khi tôi về, các Đồng chí Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh, Trần Quốc Hoàn… đều đã ở đây. Trong thời gian nói trên, cả gia đình đồng chí Bổng, từ cha là đồng chí Trịnh Bá Vỹ, mẹ là Nguyễn Thị Là, vợ là Nguyễn Thị Tụy đến các con, cháu đều là Đoàn Thanh niên Cứu quốc, đã ủng hộ Cách mạng về vật chất, thường xuyên chăm lo cho chúng tôi về ăn ở; đưa đón cán bộ, canh gác các cuộc họp của chúng tôi được chu đáo; cất giấu và chuyển giao tài liệu bí mật được an toàn; theo dõi hoạt động của địch để báo cho chúng tôi… Cháu Trịnh Lê Doanh, lúc đó là Đội viên Đội nhi đồng, cũng đã tham gia vào một số việc như canh gác, chuyển giao tài liệu mật, theo dõi hoạt động của địch…Tóm lại, cả gia đình đồng chí Bổng đều một lòng theo Đảng. Tôi chứng nhận thành tích nói trên để các cơ quan Đảng và Chính quyền giải quyết quyền lợi cho gia đình đồng chí Bổng theo đúng chính sách và chế độ đã ban hành”,

Xác nhận của đồng chí Trường Chinh

Ông Trịnh Bá Uy, đang làm việc tại Đài TNVN, là chắt nội của cụ Trịnh Bá Vỹ, cháu nội của nhà cách mạng lão thành Trịnh Bá Bổng và là con của lão thành cách mạng Trịnh Lê Doanh, cho biết: “Hiện gia đình còn gìn giữ khá nhiều hiện vật quý, như: Phản gỗ và ghế ngồi làm việc của các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, tủ đựng quần áo và tư trang của Đồng chí Hoàng Văn Thụ; Ống nhòm của đồng chí Trần Quốc Hoàn và Trịnh Bá Bổng dùng để theo dõi địch; Đoản kiếm của Đội trưởng Đội tự vệ; 02 Tấm gỗ là nóc hầm bí mật và nhiều tư liệu có bút tích của các đồng chí lãnh tụ, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng,… Đấy là chưa kể hàng chục hiện vật có giá trị đã được gia đình hiến tặng Nhà nước, hiện đang được Bảo tàng Lịch sử Cách mạng trưng bày, như: Zulo, Khuôn in báo và tài liệu, 3 Chĩnh sành dùng để cất giấu tài liệu, xe đạp của Đồng chí Trần Đăng Ninh…. Vậy nhưng đã hơn ba chục năm nay, hành trình đi tìm tấm biển “Di tích lịch sử” của gia đình vẫn gặp khó khăn bởi sự thờ ơ, đùn đẩy, vô trách nhiệm của những người có trách nhiệm!

Mãi đến tháng 4 năm 2020, sau nhiều lá đơn đề nghị, gia đình đã nhận được một Quyết định của UBND Thành phố Hà Nội về việc gắn biển lưu niệm (Biển lưu niệm, chứ không phải Biển Di tích Lịch sử Cách mạng). Với kinh phí 130 triệu để xây dựng biển, nhưng Thành phố chưa có trong kế hoạch ngân sách năm 2020… nếu gia đình muốn xây dựng ngay thì tự bỏ tiền ra xây dựng với hình thức “Xã hội hóa”… Vậy là gia đình cụ Trịnh Bá Vỹ và gia đình cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã chủ động bỏ tiền ra xây dựng Tấm biển Lưu niệm theo tiêu chuẩn, hình thức của Thành phố phê duyệt…

Quyết định của Thành phố Hà Nội với điều 3 khó hiểu.

Một điều khó hiểu là tại Điều 3 trong Quyết định của UBND Thành phố Hà Nội ghi rõ: “UBND quận Hà Đông, UBND phường Yên Nghĩa, có trách nhiệm tổ chức quản lý, bảo vệ, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa chống xuống cấp và tuyên truyền phát huy giá trị biển lưu niệm trên”!   Chỉ quản lý, bảo vệ, tuyên truyền và phát huy giá trị của cái biển thôi sao, còn cả một Di tích Lịch sử đồ sộ thì thế nào? Cả một đại gia đình- một địa chỉ đỏ, một ATK của Trung ương và Xứ ủy thì ai lo, ai bảo vệ?

Đồng chí Trường Chinh, đồng chí Trịnh Bá Bổng và đồng Trịnh Lê Doanh ôn lại chuyện hoạt động ngày xưa.

Ngay sau ngày hòa bình lập lại, các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Trần Quốc Hoàn, Lê Trọng Tấn, Dương Nhật Đại, Đào Duy Kỳ… vẫn thường xuyên về lại nơi này để thăm hỏi, tri ân những người đã nhường cơm sẻ áo, đùm bọc giúp đỡ cách mạng. Vậy nhưng, lãnh đạo Đảng, Chính quyền Thành phố Hà Nội, quận Hà Đông và phường sở tại chưa một lần biết đến nơi này! Vì vậy mà đạo lý uống nước nhớ nguồn, chính sách đối với người có công vẫn chưa được thực hiện đối với gia đình cụ Trịnh Bá Vỹ.

Để xứng tầm với vị trí lịch sử, thiết nghĩ Đảng bộ và Chính quyền quận Hà Đông, Đảng bộ và Chính quyền Thành phố Hà Nội và các cơ quan chức năng cần có trách nhiệm để địa chỉ gia đình cụ Trịnh Bá Vỹ sớm được gắn biển “Di tích Lịch sử Cách mạng”, để một địa chỉ đỏ ngời sáng không còn bị bỏ quên!

Phan Sáu, Trần Hiệp & Hoàng Lưu

 

Bình luận

    Chưa có bình luận