Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát: Sáng tạo không ngừng để khơi dậy sức sống làng cổ

22 năm trên hành trình gắn bó với nghệ thuật sơn mài, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đã góp phần giữ gìn, phát huy nghệ thuật của làng nghề truyền thống của Thủ đô.

 

 

Lớp học mỹ thuật, điêu khắc sơn mài hoàn toàn miễn phí thu hút nhiều người dân đến trải nghiệmKết hợp nghề truyền thống với di sản văn hóa bản địa

Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát (sinh năm 1983) là tấm gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt đã và đang có những cống hiến cho sự phát triển của Thủ đô Hà Nội. Anh đã có 22 năm tự khám phá và thực hành nghệ thuật sơn mài. Có những giai đoạn anh tìm về tận các làng nghề tiếp thu tinh hoa từ nghệ nhân kỳ cựu và việc giao lưu, học hỏi vẫn ngày một được bồi đắp ở biên độ rộng hơn. 14 năm nay, anh là người khởi xướng lớp học mỹ thuật, điêu khắc sơn mài hoàn toàn miễn phí thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia trải nghiệm. Lớp học này đã truyền nghề cho nhiều người dân, giúp họ gắn bó làng nghề truyền thống và tạo sinh kế cho người dân địa phương. Từ đó đã giúp quảng bá nghề sơn mài cũng như các nghề truyền thống tại Hà Nội, cùng với đó giới thiệu văn hóa bản địa vùng đất Sơn Tây - vùng đất địa linh nhân kiệt, trở thành điểm nhấn văn hóa, không gian trải nghiệm đặc sắc tại làng cổ Đường Lâm thu hút nhiều du khách quốc tế tham gia, tạo dấu ấn trong cộng đồng.

 Nguyễn Tấn Phát chia sẻ: “Tôi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp và may mắn được học hỏi, giao lưu với những nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề Hà Nội. Chính vì thế, với tâm huyết của một người trẻ mong muốn giữ gìn, bảo tồn những sản phẩm tinh túy của làng nghề Hà Nội, năm 2010, tôi quyết định trở về quê hương để khởi nghiệp. Thị xã Sơn Tây là vùng đất địa linh nhân kiệt, vùng đất 2 vua, nhằm phát huy giá trị di sản địa phương như Thành cổ Sơn Tây, chùa Mía, tôi xây dựng mô hình Phát Studio, nơi trưng bày sản phẩm khảm trai, sơn mài trên nền gỗ thu hút đông đảo du khách trong nước và nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu, chiêm ngưỡng...”. Bên cạnh đó, những lớp dạy nghề mỹ thuật miễn phí và lớp trải nghiệm nghề truyền thống tại làng cổ Đường Lâm, tạo cho các bạn trẻ cảm hứng và hiểu biết hơn nữa sản phẩm văn hóa truyền thống. Hiệu ứng lớp học lan tỏa tới nhiều bạn trẻ, đặc biệt là nhóm sinh viên các khối ngành báo chí, văn hóa đang thực hiện các đề tài về số hóa di sản văn hóa trên nền tảng số. Nghệ nhân Phát cho rằng, việc số hóa di sản trên nền tảng số góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống, quảng bá văn hóa nghìn năm văn hiến của Thủ đô đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Nắm bắt được phát triển du lịch văn hóa, du lịch làng nghề đang là một xu hướng được đón nhận, nhiều làng nghề đã thành công theo hướng đi này và Phát đã có nhiều đóng góp ý tưởng, tổ chức thực hiện các hoạt động “Đêm làng cổ” - tour đêm ngoại thành đặc sắc tại Thủ đô hiện nay được tổ chức vào thứ Bảy hằng tuần. Đây là sản phẩm du lịch mới do Ban quản lý Di tích làng cổ Đường Lâm phối hợp cùng UBND xã Đường Lâm và người dân làng cổ Đường Lâm tổ chức. Đều đặn mỗi tối thứ Bảy, tại địa điểm tổ chức chính là cổng làng Mông Phụ, các sản vật địa phương được chính người dân trong làng tự tay mang đến giới thiệu, bày bán phục vụ nhu cầu khám phá ẩm thực làng cổ Đường Lâm của du khách. Bên cạnh đó, người dân và du khách còn được xem trình diễn các loại hình dân gian truyền thống như: múa rồng, hát chầu văn, thổi sáo, hát quan họ, nhảy sạp… do các CLB trong làng biểu diễn. Tại các không gian sáng tạo, người dân và du khách trải nghiệm làm tò he, tranh khắc gỗ, cùng hòa mình với điệu nhảy sạp truyền thống... Trải qua 5 tháng tổ chức, hoạt động này đã mang về lợi ích “kép” đó là vừa bảo tồn, khơi dậy những giá trị văn hóa làng cổ, đồng thời phát triển kinh tế đêm Hà Nội. “Đêm làng cổ” tạo dấu ấn đặc biệt cho du khách. Không dừng lại sản phẩm du lịch mới, hoạt động “Đêm làng cổ” mang nhiều giá trị văn hóa khi giới thiệu quảng bá đẹp làng quê đồng bằng Bắc Bộ, vừa mang lại giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho nhiều hộ dân kéo theo nhiều nhóm ngành khác phát triển…

Với mong muốn kết hợp nghề truyền thống với các di sản văn hóa tại địa phương để tạo ra những sản phẩm mới, từ những cọng rơm thường người nông dân sau gặt hái thường thu về để dùng hoặc bỏ đi thì anh Phát đã tạo thành những con vật như trâu, ngựa… trong dân gian gây ấn tượng. Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát cho biết, sáng kiến này không chỉ giúp bảo tồn văn hoá dân gian mà còn trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, biến nó trở thành một trò chơi dân gian cho trẻ em, đồng thời là cầu nối thu hút du khách quốc tế tới tham quan khu du lịch làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây và trải nghiệm các sản phẩm dân gian truyền thống, từ đó giúp người nông dân có thêm thu nhập và phát huy được hết giá trị văn hóa dân gian đặc trưng từ làng quê Việt Nam.

 Phát Studio là nơi trưng bày sản phẩm khảm trai, sơn mài trên nền gỗ thu hút nhiều du khách đến tham quan, tìm hiểu, chiêm ngưỡngMong có thêm chính sách hỗ trợ để nghệ nhân được cống hiến

Với những hiệu quả đạt được từ những hoạt động trên, anh Nguyễn Tấn Phát chia sẻ: “Là một một nghệ nhân, chúng tôi hiểu rõ trách nhiệm của người trẻ trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống tại Thủ đô. Những hoạt động nghệ thuật này chính là cách để duy trì, phát triển bản sắc văn hóa của Thủ đô nghìn năm văn hiến”. Những hoạt động nói trên đã thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy kinh tế đêm của làng cổ Đường Lâm và quảng bá hình ảnh của địa phương. Qua thực tế, anh Phát thấy rằng mô hình kết hợp phát triển du lịch và văn hóa làng nghề là một hướng đi tốt và đã được áp dụng thành công tại làng nghề Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc... Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay khi tổ chức các hoạt động cộng đồng đó là thiếu cơ chế và chính sách hỗ trợ cụ thể từ chính quyền địa phương.

Trong tương lai gần, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát ấp ủ dự định có thể xâu chuỗi di sản sơn mài thành những hoạt động văn hóa nghệ thuật xuyên suốt với hành trình từ chùa Mía - dấu ấn thiêng liêng với di sản tượng sơn mài - để kết nối với câu chuyện hôm nay một cách bài bản, lôi cuốn, tạo được sức lan tỏa sâu rộng.

Thành phố Hà Nội cần mở cơ chế về việc tổ chức nhiều sự kiện, hội chợ, hội nghị trong nước và quốc tế để quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề cho du khách; đồng thời là cơ hội để các nghệ nhân, thợ giỏi trong làng nghề có điều kiện giao lưu, hợp tác và phát triển; tạo ra nhiều hoạt động để các bạn trẻ có thể giao lưu, trình diễn sản phẩm mới và có cơ hội kiếm thu nhập từ đó. Như vậy sẽ giúp các hoạt động này trở nên bền vững hơn.

Mong rằng tinh thần và những đóng góp của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát sẽ tiếp tục được nhân rộng, lan tỏa, để vườn hoa “người tốt - việc tốt” của Thủ đô ngày càng rực rỡ, góp phần tô thắm thêm hình ảnh Thủ đô Hà Nội – thành phố vì hòa bình, một Thủ đô phát triển, văn minh, hiện đại giàu nhân văn./.

Những cọng rơm được Phát tạo thành những con vật như trâu, ngựa trong dân gian gây ấn tượng với du khách

“Là một nghệ nhân trẻ, qua những trải nghiệm của cá nhân, tôi mong muốn thành phố Hà Nội có những chính sách hỗ trợ để thu hút giới trẻ tham gia vào lĩnh vực nghệ thuật, thủ công truyền thống, gìn giữ, bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống - một trong những yếu tố làm nên bản sắc văn hóa Hà Nội”. Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát (phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây) đã đạt được nhiều thành tích góp phần giữ gìn, phát huy nghệ thuật của làng nghề truyền thống. Năm 2017, anh được UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội, ngành nghề khảm trai, sơn mài. Năm 2023, anh được UBND thị xã Sơn Tây tặng giấy khen đã có thành tích trong hoạt động phát triển văn hóa, nghệ thuật và kinh tế du lịch năm 2023...

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận