Tự nguyện đến làm sạch khu được chọn cách ly, làm bánh, nấu nước gửi tặng các y bác sĩ, cán bộ y tế tham gia chống dịch hay may khẩu trang vải tặng người đi đường... là cách mà nhiều cá nhân, tổ chức tại TP.HCM chọn làm để san sẻ bớt khó khăn trong mùa Covid-19.
Giọt mồ hôi thầm lặng
Ngày nhận lệnh khẩn trương dọn dẹp khu B, Ký túc xá (KTX) ĐHQG TP.HCM chuẩn bị cho công tác cách ly phòng, chống dịch Covid-19, ông Phùng Quán - Phó Chủ tịch Công đoàn ĐHQG cùng hơn 100 đồng nghiệp, sinh viên không khỏi bối rối vì chưa biết bắt đầu từ đâu.
Khu KTX nhiều tháng trời không ai ở, bụi phủ khắp nơi, mở cửa đã thấy ngộp thở. Rồi cơ man đồ đạc, biết cái nào của ai, phải làm sao để không thất lạc, ảnh hưởng đến tài sản của sinh viên. Chẳng nói chẳng rằng, mỗi tình nguyện viên (TNV) chọn một góc ngồi suy nghĩ. Mấy phút sau, các nhóm đưa ra hướng tối ưu nhất để dọn dẹp, đóng thùng đồ đạc cho mỗi phòng, mỗi lầu.
Khó khăn khác tiếp tục kéo đến. Làm sao có đủ thùng giấy, túi nhựa để phân chia đồ đạc của hơn 34.000 sinh viên trước khi đưa vào kho cất giữ? Không ngần ngại, ông Phùng Quán cùng nhiều giảng viên, cán bộ của ĐHQG gọi điện nhờ bạn bè, lên facebook cá nhân kêu gọi mọi người chung tay. “Ngay sau đó, hàng ngàn thùng giấy, khẩu trang, dung dịch rửa tay, băng keo và nhiều vật dụng cần thiết khác được bạn bè, mạnh thường quân gửi về. Ngày đầu tiên chúng tôi phải dùng đến ba xe tải đưa đồ tiếp tế về KTX. Cực nhưng vui lắm”, ông Phùng Quán nhớ lại.
Khu B ĐHQG TP.HCM rộng mênh mông, hơn 20 tòa nhà với khoảng 5.000 phòng. Chỉ trong ngày đầu tiên, các TNV đã làm sạch, thu dọn hết đồ đạc, trả lại không gian trống cho 4 tòa nhà. Với sự giúp sức của đội ngũ TNV, đến nay, ĐHQG đã hỗ trợ gần 6.000 chỗ ở cách ly phòng, chống dịch bệnh Covid -19 theo chủ trương của TP.HCM. Trong vài ngày tới, đơn vị này sẽ nỗ lực đáp ứng thêm khoảng 12.000 chỗ cách ly và tùy tình hình thực tiễn có thể bố trí tối đa khoảng 20.000 chỗ ở.
Mồ hôi ướt áo, chân tay mỏi nhừ nhưng không ai dừng lại bởi các TNV biết rằng công việc ý nghĩa này đang rất cần khẩn trương, nghiêm túc. Ngồi tại chỗ ăn vội mấy hộp cơm bình dân, uống ngụm nước, rồi các nhóm lại chia nhau làm tiếp các phần việc đã thống nhất. Sau 5 ngày nỗ lực, toàn bộ khu vực này đã được dọn dẹp sạch, sẵn sàng cho công tác cách ly theo lệnh của thành phố.
Nhớ lại gần một tuần sáng nào cũng dậy sớm, bắt xe buýt từ quận Tân Bình về Làng đại học Thủ Đức dọn dẹp cùng mọi người, Lương Duy Hưng (sinh viên năm nhất Trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TP.HCM) vẫn háo hức: “Lần đầu tiên tham gia nhưng em không bỡ ngỡ mà thấy rất vui vì mình làm được điều có ích trong mùa dịch. Bưng vác đồ liên tục, tay chân rã rời, tối về đặt lưng là ngủ luôn. Mọi người làm việc rất hăng say, chạy tới chạy lui như không biết mệt là gì dù trời oi bức vô cùng”.
Hơn cả sự sẻ chia
Đầu mùa dịch, khi thấy bà con nông dân miền Tây “khóc ròng” vì thanh long đổ đống, ông Kao Siêu Lực, Tổng Giám đốc Công ty ABC Bakery đã tìm tòi và ra công thức mới: bánh mỳ thanh long. Ngay sau đó, những chiếc bánh mỳ màu hồng, giòn thơm được đông đảo người dân TP.HCM tìm mua như một cách chung tay giải cứu nông sản mùa dịch. Mới đây, “vua bánh mỳ” Kao Siêu Lực lại tiếp tục nghiên cứu công thức bánh mỳ dinh dưỡng mới và dành tặng 3.000 ổ đầu tiên cho các y sĩ, bác sĩ, nhân viên y tế phục vụ công tác phòng dịch. Ông cho biết sẽ lắng nghe ý kiến phản hồi của các y, bác sĩ để điều chỉnh công thức trước khi làm tặng 10.000 bánh trong các đợt tiếp theo.
Một nhóm TNV khác mấy ngày gần đây cũng cùng nhau vắt cam tươi, đóng chai gửi tặng đội ngũ y, bác sĩ tại Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM, những người đang căng mình chống dịch. Hàng trăm chai nước bổ sung vitamine được chuyển đi kèm theo mong muốn duy nhất: các bác sĩ, cán bộ y tế khỏe mạnh để chống dịch đến cùng.
Trong khi đó, nhận thấy thị trường khan hiếm khẩu trang y tế, từ đầu tháng 3 đến nay, nhiều tổ chức, cá nhân đã tự nguyện may khẩu trang vải kháng khuẩn dành tặng người dân, người nghèo. Cả tuần nay, Trung tâm Công tác xã hội Thanh niên TP.HCM trở thành điểm hẹn của nhiều TNV. Họ chia nhau đến đây may khẩu trang đem tặng. Hơn 12.000 khẩu trang vải đã may xong, chuẩn bị dành tặng người vô gia cư, người có hoàn cảnh khó khăn, công nhân dọn vệ sinh và những người bán hàng rong trên địa bàn thành phố. Ông Dương Ngọc Tuấn - Giám đốc Trung tâm rất cảm động khi vừa phát động chương trình, bên cạnh các bạn trẻ thuộc trung tâm, có rất nhiều người dân tìm đến mong được chung tay làm điều tốt. Nhờ vậy mà số khẩu trang may được nhiều và nhanh hơn dự kiến.
Tại các hội liên hiệp phụ nữ cấp phường, quận, các cô, các chị cũng cùng nhau may khẩu trang vải tặng mọi người. Như ở Hội Liên hiệp Phụ nữ quận 11, nhiều chị em tình nguyện không nghỉ trưa, tăng ca giờ tối để may khẩu trang tặng người đi đường. Mỗi ngày khoảng 100 cái, gom 2 - 3 ngày, các chị lại đem ra đường trao tận tay cho ai cần mà chưa mua được.
Chị Trần Thị Cẩm Hà, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Quận 11 cho biết, sau khi vận động nguồn lực mua vải kháng khuẩn, các chị tìm đến các tiệm may tại địa phương nhờ cắt khuôn sẵn về ráp cho nhanh. Nhưng rồi nghe tin, nhiều chị em biết cắt may xung phong đến tham gia, có người còn chở cả máy may cho mượn, vậy nên mọi thứ trở nên nhẹ nhàng hơn. Còn ở phường Cầu Kho, quận 1, các thành viên hội liên hiệp phụ nữ nơi đây đã may khẩu trang, đóng túi zip ra tận chợ, đến tận nhà tặng cho người dân. Các cô, các chị còn hướng dẫn cách đeo khẩu trang, rửa tay đúng cách với mong muốn mọi người thật khỏe mạnh bước qua mùa dịch.
Mỗi người một tay, họ cùng nhau làm những việc có ích để san sẻ gánh nặng chống dịch của địa phương, đất nước. Gạt mồ hôi trên trán, họ - những TNV năng nổ, những mạnh thường quân hết lòng - chung nhau một mong muốn giản đơn, dịch qua mau và mọi người bình an, khỏe mạnh. Trong mùa dịch, ấm lòng khi thấy tình người đong đầy, lan tỏa./.