Sinh ra lớn lên ở huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk nhưng anh Nông Văn Tân có quê ở tỉnh Cao Bằng. Nơi anh sinh sống cũng có đông người cùng quê vào lập nghiệp, anh lớn lên vẫn được chìm đắm trong làn điệu hát then, đàn tính của quê hương, chính vì vậy dù lập nghiệp ở vùng Tây Nguyên nhưng anh luôn say mê và lập ra câu lạc bộ đàn tính, hát then để gìn giữ và lan tỏa làn điệu truyền thống của dân tộc mình trên quê hương mới.
Từ nhiều năm nay, tiếng đàn tính, điệu hát then từ các thành viên của Câu lạc bộ Tiếng Tính quê hương đã trở nên quen thuộc với mỗi người dân thôn Ea Kanh, xã Dliê Ya, huyện Krông Năng, tỉnh Đăk Lăk. Câu lạc bộ ra đời từ năm 2012, hiện có 20 thành viên tham gia. Đây là một hạt nhân trong phong trào văn hóa văn nghệ của địa phương, tham gia thi nhiều sân khấu lớn trong và ngoài tỉnh, gặt hái nhiều giải thưởng.
Anh Hoàng Văn Quyết, thành viên câu lạc bộ Tiếng Tính quê hương, thôn Ea Kanh, xã Dliê Ya, huyện Krông Năng cho biết: “Mình tham gia câu lạc bộ đến nay cũng được 4 năm. Từ nhỏ cũng nghe những lời then lời hát thì cũng thấy đam mê. Được sự giúp đỡ chỉ dạy nhiệt tình của anh Tân thì dần cũng biết, thứ nhất là được giao lưu, thứ 2 là thế hệ trẻ thì cũng mong muốn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Tày, Nùng từ quê hương”.
Chủ nhiệm câu lạc bộ này là anh Nông Văn Tân, dân tộc Tày, sinh năm 1987. Theo gia đình vào Đắk Lắk sinh sống đã hơn 30 năm, dù chưa một lần về thăm quê Cao Bằng, nhưng từ khi còn nhỏ, anh luôn được đắm mình trong điệu tính, câu then của bố và chú. Lớn lên, anh thường nghe đài, thu băng cát-sét những làn điệu tính tẩu và hát then để học theo. Dần dần, những làn điệu ấy ngấm vào tâm trí, trở thành niềm đam mê. Anh thành lập Câu lạc bộ Tiếng tính quê hương, tập hợp những người cùng đam mê ở địa phương, luyện tập, giữ gìn, truyền dạy những làn điệu đàn tính, hát then.
Mỗi lúc nông nhàn, anh Nông Văn Tân đi khắp nơi sưu tầm những làn điệu then cổ, then hay. Vào dịp hè, anh thường xuyên mở các lớp miễn phí truyền dạy đàn tính, hát then cho tất cả những người yêu thích. Không chỉ ở trong thôn, xã mà nhiều bạn trẻ, anh chị, cô chú ở những huyện xa, thậm chí từ Đắk Nông cũng sang theo học.
Chưa thỏa chí, anh Tân còn học hỏi và mày mò chế tác đàn tính. Hầu hết những cây đàn sử dụng trong câu lạc bộ đều do anh tự làm. Anh đã cải tiến cây đàn, có thể gắn micro giúp việc biểu diễn trên sân khấu được thuận lợi. Bên cạnh đó, anh Tân còn chế tác được cây đàn tính 6 dây và 12 dây, là đàn tính cổ của dân tộc Tày, Nùng.
Anh Nông Văn Tân tâm sự: “Từ lúc thành lập câu lạc bộ, mở lớp truyền dạy đến giờ thì bà con trong thôn trong xã rất khuyến khích con cháu mình tham gia để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Bản thân mình cũng từ đam mê để làm ra được cây đàn này, cũng chỉnh đi chỉnh lại rất nhiều, thậm chí có những đêm 11-12 giờ chưa cần ngủ đâu, cầm cái máy mài mài đến khi nào ra được âm thanh cảm thấy chuẩn nhất. Vì đàn mình làm ở đây khác với đàn ngoài Bắc ở chỗ mình có gắn micoro đầy đủ, thuận lợi cho việc đi trình diễn nên khách hàng trải dài khắp đất nước”.
Người bạn đời, cũng là người bạn đồng hành với anh Nông Văn Tân trong hành trình giữ lửa tiếng tính, điệu then, chị Trần Thị Thuyết, chia sẻ, sau những giờ bận bịu mưu sinh, cả gia đình lại ngân vang tiếng đàn điệu hát, như một sợi dây kết nối tình cảm gia đình thêm gắn bó hạnh phúc.
“Trước khi quen chồng, tôi đã biết anh có niềm đam mê ca hát và yêu nhạc cụ dân tộc rồi. Sau khi cưới thì tôi cũng ủng hộ và làm hậu phương vững chắc cho anh thôi. Anh có thành lập câu lạc bộ hát then đàn tính thì tôi cũng tham gia học cùng các chị em, đấy cũng là một niềm vui, tuổi trẻ bây giờ cũng mong phát huy truyền thống bản sắc dân tộc mình”, chị Trần Thị Thuyết tâm sự.
Hơn 30 năm gắn bó với vùng quê mới, điệu then, tiếng tính là món ăn tinh thần không thể thiếu, là hồi ức về quê cũ Cao Bằng của người Tày, Nùng ở thôn Ea Kanh, xã Dliê Ya, huyện Krông Năng. Ông Nông Văn Páo, trưởng thôn Ea Kanh cho biết, nhờ có sự tích cực vận động của anh Nông Văn Tân, vượt qua những thiếu thốn ban đầu, câu lạc bộ Tiếng Tính quê hương ngày càng phát triển, số thành viên ngày càng đông. Thêm vào đó, số thanh thiếu niên biết hát then, chơi đàn tính ngày càng nhiều.
“Anh Tân rất là nhiệt huyết trong bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Hiện tại anh cũng vừa sáng tác vừa sản xuất đạo cụ là cây đàn tính được bà con Tày Nùng các xã trong huyện Krông Năng mà thậm chí các nơi khác còn đến đặt hàng”, ông Nông Văn Páo cho hay.
Những tâm huyết của anh Nông Văn Tân đang được tiếp lửa khi câu lạc bộ Tiếng tính quê hương ngày càng thu hút nhiều người tham gia. Không chỉ gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của loại hình nghệ thuật này trên quê hương mới, tiếng tính, hát then còn góp phần làm phong phú thêm sắc màu văn hóa sống động của vùng đất cao nguyên Đắk Lắk./.
H Xíu/VOV-Tây Nguyên