Hội thảo khoa học quốc tế '75 năm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà: Hồi tưởng lịch sử'

Các học giả nêu bật chiến lược cách mạng đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản VN là những nhân tố quyết định thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám.

 

Trong hai ngày 21 và 22/10, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN (thuộc Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga) phối hợp Viện Nghiên cứu châu Âu (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) tổ chức trực tuyến Hội thảo khoa học quốc tế “75 năm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: Hồi tưởng lịch sử”, với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, giới chuyên môn từ các viện, trung tâm học thuật và các trường đại học của Liên bang Nga và Việt Nam.

Hội thảo được tổ chức nhân kỷ niệm 75 năm thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám, mang lại độc lập và khai sinh ra nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Trong lời phát biểu chào mừng từ các đầu cầu tại Nga và Việt Nam, Viện trưởng Viện Viễn Đông (Viện Hàn lâm khoa học Nga), Giáo Sư A. Maslov; Đại sứ Việt Nam tại LB Nga Ngô Đức Mạnh và Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Âu (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), PGS.TS Nguyễn Chiến Thắng đều đánh giá cao ý nghĩa của hội thảo, cho rằng dù đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song cũng không thể ngăn cản sức lao động, nghiên cứu khoa học, giao lưu, trao đổi của giới chuyên môn hai nước.

Ngoài phiên họp toàn thể (phiên khai mạc), Hội thảo trực tuyến được chia thành 5 phần chính liên quan trực tiếp đến chặng đường 75 năm xây dựng nhà nước Việt Nam gồm: Chính sách đối ngoại; Tình hình phát triển kinh tế - xã hội; Những hiện thực lịch sử ở thời đại mới; Các giá trị văn hóa; Ngôn ngữ và văn học.

Giáo Sư A. Maslov-Viện trưởng Viện Viễn Đông khai mạc hội thảo.

Trong 2 ngày hội thảo với gần 30 tham luận, các học giả đã nêu bật chiến lược cách mạng đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam là những nhân tố quyết định mang đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám. Các chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam đã vẽ nên một bức tranh tổng thể về chặng đường 75 năm xây dựng, bảo vệ và phát triển từ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến nước CHXHCN Việt Nam; phân tích, đánh giá, dự báo và đưa ra những đề xuất có giá trị cho con đường phát triển của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Đề cập chủ đề lựa chọn đối tác, các tham luận tại hội thảo khẳng định, Việt Nam chủ trương hội nhập quốc tế từ rất sớm, coi đây là một trong những quá trình chính trị quan trọng nhất, và với những thành tựu đạt được trong 25 năm qua, dù phải đương đầu không ít khó khăn, thách thức, song Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục đường hướng này trong những năm tới.

PGS-TS Nguyễn Chiến Thắng -Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Âu (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) phát biểu từ đầu cầu Hà Nội.Việt Nam sẽ nỗ lực cân bằng quan hệ với các nước lớn, trong đó coi trọng mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với LB Nga. Hội thảo cũng phân tích, đánh giá về vị thế của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Mỹ giai đoạn 2017-2020; phân tích mối quan hệ giữa Việt Nam và Thái Lan, trong tổng thể quan hệ hợp tác khu vực và trong khuôn khổ ASEAN; nhận định về mối quan hệ đối tác chiến lược Pháp - Việt từ năm 2013 đến nay.

Các nhà Việt Nam học của Nga đánh giá cao chính sách tôn giáo, dân tộc của Việt Nam và khẳng định chính sách tôn giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã góp phần vào sự ổn định và gắn kết của toàn xã hội Việt Nam. Lãnh đạo Việt Nam, không giống như nhiều quốc gia láng giềng, đã tránh được xung đột nghiêm trọng về lợi ích sắc tộc và sau khi bắt đầu chính sách đổi mới, đã bình ổn được quan hệ giữa các dân tộc trong nước.

Các tham luận của các học giả về các vấn đề văn hóa, ngôn ngữ, văn học, lịch sử Việt Nam đã thể hiện sự hiểu biết sâu sắc của các học giả Nga, những người nghiên cứu Việt Nam. Chính điều này đã góp phần rất quan trọng vào việc giữ vững ngọn lửa của tình hữu nghị nồng ấm giữa nhân dân hai nước trong suốt 75 năm qua.

Hội thảo cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về khoảng trống thế hệ các nhà Việt Nam học của Nga. Để lấp đầy khoảng trống này cần có sự nỗ lực của cả hai bên, việc xuất hiện thêm nhiều trung tâm đào tạo các sinh viên Nga học tiếng Việt trong thời gian qua là một tín hiệu lạc quan giúp chúng ta tự tin hơn nhìn về tương lai của ngành Việt Nam học tại Nga.

Bên cạnh đó, các học giả cũng đề cập, phân tích, đánh giá những thách thức hiện nay đối với vấn đề an ninh môi trường biển; hướng phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế; so sánh sự phát triển kinh tế Việt Nam trước và sau thống nhất đất nước; cho rằng “cuộc chiến” phòng, chống đại dịch Covid-19 tại Việt Nam giống như một phép thử tính hiệu quả của hệ thống nhà nước.

Sau khi kết thúc Hội thảo, Ban tổ chức dự kiến sẽ xuất bản Kỷ yếu với chủ đề: “Nước Việt Nam độc lập: con đường tiến tới sự tiến bộ và giữ gìn bản sắc” trong quý I/2021./.

Anh Tú/VOV-Moscow

 

Bình luận

    Chưa có bình luận