38 tản văn là 38 cung bậc cảm xúc mà tác giả ghi lại sau mỗi chuyến đi, là những vùng ký ức thẳm sâu mà chỉ cần chạm vào là bung ra thành những khắc khoải.
Từng con chữ được vắt ra như những giọt nước trong veo, nhỏ xuống vùng ký ức xa xôi, miền quá vãng của tuổi thơ Hà Nội, của những năm tháng nghèo khó mà thương mến. Một Hà Nội cũ, thanh đạm của những năm 70 thế kỷ trước lưu dấu trong nỗi nhớ của tác giả là hàng phố sâu hun hút trong đêm đông giá rét, là những căn nhà mái ngói âm dương, là phố Lãn Ông, Thuốc Bắc, Lò Rèn…, là gánh hàng rong “tiếng rao như phận người, ám ảnh những đêm đông giá rét. Những hàng “nước vối nóng, điếu cày kêu” khắc khoải sân ga Hàng Cỏ. Những hàng phở gánh lấp ló lửa hồng, xuýt xoa niềm vui giản dị…” (Bình dị Hà Nội). Ta gặp lại phở Hà Nội không phải trên trang văn của Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Tú Mỡ,… nhà báo Trần Nhật Minh với sự quan sát tỉ mỉ, cả sự trải nghiệm suốt tuổi thơ về món ăn xa xỉ của người nghèo thì phở trở thành nỗi nhớ dai dẳng “cô bé hàng xóm tóc bím dễ thương cứ mỗi dịp đi qua hàng phở là phải đeo khẩu trang vì sợ… nước miếng rỉ ra. Thương thế!... thời gian chờ đợi mới run rẩy làm sao. Mùi vị nước dùng, hình ảnh đám thịt bò chín lủng lẳng, dòng người xếp hàng ngày một đông, tiếng thái thịt, lanh canh thìa bát làm xao xuyến những tâm hồn chờ trực” (Phở Hà Nội). Nhớ thương là thế, vấn vít là thế nên mới ví von, dí dỏm, phở trở thành một khái niệm trừu tượng mà đọc lên ta cứ cười thầm, à ra thế.
Sẽ ngẫm ngợi thật lâu khi dừng lại nếp nhà cũ xưa, một Hà Nội khiêm nhường, cổ kính mà nghèo khó phía sau cánh cửa… những hôm mưa dầm gió bấc, mất điện, mái ngói thẫm buồn, căn gác như trôi ngoài bờ gió. Từng giọt nước mưa đọng trên vì kèo tí tách nhỏ xuống, tong tỏng gõ nhịp vào chiếc xô thủng. Cả nhà quây quần bên chiếc đèn dầu mong manh. Bên ngoài mưa lạnh, tiếng rao đêm hắt qua khe cửa, đơn côi như chủ nhân của nó” (Mùa đông thương nhớ).
Một Hà Nội với những gì gần gũi, quen thân trong “Bia đầu ô”: “Nghe Hà Nội thở/ trong vại bia chiều”… cồn cào nhớ bia hơi đầu ô. Nó không phải là thứ men say thông thường nữa rồi. Nó là “hương vị” riêng không lẫn được của Hà Nội”. Một Hà Nội với mùa sen hồ Tây ngát thơm trong ký ức “Hà Nội của tôi ơi, tôi nhớ một hồ sen tĩnh lặng, từ lúc sen non nhu nhú cho đến khi lá tàn khô, nâu hoang hoải. Tôi đi qua những đám đông loay hoay kiếm tìm sự tao nhã. Hà Nội sẽ ra sao nếu thiếu vắng những mùa sen. Hà Nội rộng thênh của tôi ơi” (Đi qua mùa sen ồn ã). Đó là những thổn thức về làng quê, bồ thóc, hạt gạo, khói bếp, rạ rơm, thức gợi ta về miền tuổi thơ xa thẳm trong Làng, Mồ hôi làng, Mang mang mùi khói.
Mỗi miền đất, mỗi chuyến đi, những hành trình nối tiếp trong suốt quãng đời làm báo từ Bắc vào Nam của nhà báo Trần Nhật Minh đều lưu lại bằng những trang viết sinh động, hấp dẫn và thấm đẫm tình đời, tình người. Ta bắt gặp một thầy giáo kiêm xe ôm, một nữ đồng nghiệp đài huyện, một sinh viên văn khoa người Tày… họ chọn núi cao để trở về, để dâng hiến cuộc đời thầm lặng, những con người mà khi chia tay rồi vẫn còn luyến lưu, bịn rịn: “Buổi chia tay em mặc một chiếc áo đỏ như để chúng tôi khỏi quên buổi gặp gỡ giữa những đồng nghiệp nhà Đài. Màu áo đỏ giữa thị trấn nghèo, màu hoa mía dọc triền sông Đà, không dễ gì gặp lại. Và cả những dòng trích dẫn của Thi “Con chỉ cười trước nỗi khổ của con thôi”. Khi đã có thể cười thì ai bảo lên non là khổ”. (Lên non). Những rẻo đất, bản làng, địa danh như Hang Kia, Pà Cò, Bản Lác, Bản Văn, Mường Cang, Púng Bánh, Mường Lèo, Mường Toong… đã được gọi tên thao thiết, nhắc nhớ với những dòng cảm xúc đong đầy. Tiếp tục hành trình với những địa danh ở miền Tây Nam bộ, là đất mũi Cà Mau, là Cần Thơ với “Con đường “Ba khía”, là những chuyến xe đò ngược xuôi mà mỗi khi nhớ về là cay cay nơi sống mũi “…nghe lại trong ký ức những âm thanh bến xe với tiếng ca cổ rỉ ra từ đôi loa cũ, lòng lại nao nao nhớ những ngày lang bang đất lạ” (Những chuyến xe đò).
Đi là trở về, về với hoài niệm, với những âm vang trong trẻo của tuổi thơ, của năm tháng đã qua… Đó là những cái Tết xa, lòng lại cuộn lên nỗi buồn sâu thẳm về cái nghèo khó mà thương mến “…củi lửa mùa đông đi nhanh hơn trong cái mùi hăng hắc cay xè mắt mũi. Nồi bánh chưng sẽ ngập ngừng sôi, nồi lá thơm, lá mùi tắm tất niên sẽ nao nao tỏa vào không gian hương vị thật dễ chịu…” (Mùi của Tết). Đó còn là nỗi cô đơn khi ngồi một mình mà ngẫm ngợi những gì đã qua, để biết trân quý hơn “…có những điều đọc mãi không hết, nghe mãi không hết, cảm mãi không hết. Đành cứ phải thong dong tháng ngày. Chầm chậm vòng quay, kệ ngoài kia, con phố ngùn ngụt dòng xe. Kệ để sống bình thản với mọi tốc độ. Và mỉm cười với chính lòng mình… Một âm thanh. Một hình ảnh. Một ngày cũ. Một… thao thiết bên mình”( Thao thiết tháng năm).
38 lát cắt về nỗi nhớ, chia nhỏ những riết róng, những thổn thức, những trào dâng, vì thế mà ta được thức gợi và đồng cảm. Giọng văn trầm buồn, câu văn chắc nịch, sắc ngọt. Cả thiên tản văn khoác một màu không khí hoài niệm, đầy thương mến. Ta nghe như thủ thỉ tâm tình, lúc lại gợi nên sự hoang hoải, xót xa về những mảnh đời… để một lúc nào đó, lòng chợt lắng lại, để cảm nhận thật sâu nỗi nhớ, về những năm tháng buồn vui và đong đầy thương yêu./.
Vân Khánh