Sân khấu tư nhân: Người em sinh sau
Sân khấu tư nhân “ra đời” từ năm 1997, phát triển khá sôi động tại TP HCM trong vòng hơn 10 năm qua với những cái tên như: Sân khấu Idecaf, kịch Hồng Vân, Hoàng Thái Thanh... Khi sân khấu công lập rơi vào khủng hoảng thì sàn diễn tư nhân luôn sáng đèn, mang đến một làn gió lạ cho đời sống kịch trường với các vở diễn đa dạng về đề tài.
Từ vị trí độc tôn, sân khấu công lập của nhà nước có thêm một người anh em là sân khấu tư nhân. Đây có thể coi là một đối trọng. Tuy nhiên, hai khu vực sân khấu này giữ vị trí khác nhau, có các mục tiêu hoạt động riêng biệt, hầu như không có cạnh tranh. Sân khấu công lập dựng vở và biểu diễn theo đặt hàng của Bộ VH-TT&DL để chào mừng các ngày lễ lớn trong năm, phục vụ cán bộ, nhân dân theo hình thức vé mời.
Tác phẩm của sân khấu công lập thường khai thác đề tài về chiến tranh cách mạng, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, ý chí vươn lên, vượt qua khó khăn của con người. Trong khi đó, sân khấu tư nhân ưu tiên các đề tài về tâm lý xã hội, tình yêu, tình cảm gia đình. Về nghệ thuật, điểm chung của hai dòng kịch này là dàn dựng theo phương pháp hiện thực tâm lý (thể hệ Stanilapski của Nga) do phần lớn các nghệ sĩ sân khấu thời kỳ đầu được gửi theo học chuyên ngành sân khấu tại Liên Xô cũ, khi về nước họ làm việc và truyền dạy cho thế hệ sau. Cũng có đôi khi sân khấu tư nhân và sân khấu công lập có sự chuyển đổi trong lựa chọn đề tài, thể loại. Ví dụ nhà hát công lập, tiêu biểu Nhà hát Tuổi Trẻ (Hà Nội) dựng hài kịch để bán vé hay sân khấu Idecaf TP.HCM) làm kịch chính luận trong các dịp đặc biệt...
Các sàn diễn sân khấu công lập thường sở hữu nhà hát bề thế. Với các vở diễn về đề tài chính luận, họ dựng thể loại chính kịch, có quy mô lớn quy tụ nhiều diễn viên và sử dụng lối diễn xuất mang tính biểu tượng, ít có những cảnh sinh hoạt, nhạy cảm. Dòng kịch này phù hợp với các khán giả là cán bộ lão thành, công chức và cư dân thành thị. Ngược lại, các đơn vị sân khấu tư nhân do cơ sở vật chất phải đi thuê nên chủ yếu sử dụng mô hình sân khấu nhỏ có ba mặt gần với hàng ghế khán giả; sử dụng các thể loại kịch gần với thị hiếu người dân như hài kịch, kịch ma, lãng mạn, viễn tưởng với lối diễn tả thực, gần với thực tế cuộc sống (vì vậy có người gọi là kịch sinh hoạt).
Dàn dựng những trào lưu kịch thịnh hành của thế giới
Sân khấu hiện chưa bước qua giai đoạn khó khăn nhưng khán giả cũ đang quay lại, thậm chí còn có thêm lớp khán giả mới, hứa hẹn chặng đường về sau. Chỉ trong vòng 5 năm qua, những trào lưu kịch từng thịnh hành nhất của thế giới đã được dàn dựng tại Việt Nam trên cơ sở tìm tòi, sáng tạo về mặt nghệ thuật. Những tìm tòi này nhận được phản hồi tích cực từ phía khán giả và những người làm chuyên môn.
Trước hết có thể kể đến kịch hình thể. Đây là một phong cách kịch không mới. Đoàn kịch hình thể (Nhà hát Tuổi trẻ) đã cho ra mắt nhiều vở diễn thể loại này. Tuy vậy, khi Nhà hát Kịch Việt Nam và Nhà hát Không Tường (Nhật Bản) kết hợp để dựng vở Sự sống mới thực sự thu hút khán giả. Lâu nay, những vở diễn của ta chủ yếu được dàn dựng theo phong cách hiện thực tâm lý, nhiều thoại, ít hành động và chưa khai thác được ngôn ngữ cơ thể của diễn viên.
Với vở kịch Sự sống, khán giả được thưởng thức bữa tiệc nghệ thuật tuyệt vời, trải nghiệm những cảm xúc đáng giá. Nó còn xóa đi quan niệm rằng, Việt Nam chưa thể làm được những vở kịch xuất sắc bằng thứ ngôn ngữ của chuyển động hình thể và âm nhạc.
Còn kịch phi lý đến với khán giả Việt Nam qua bàn tay phù phép của Luc Team. Đây là dòng kịch ra đời tại Pháp, rất được yêu thích vào những năm 50 - 60 của thế kỷ trước. Đạo diễn Trần Lực và các nghệ sĩ trẻ đã đưa kịch phi lý đến với khán giả Thủ đô qua vở diễn Nữ ca sĩ hói đầu (kịch bản gốc từ Pháp). Khán giả Hà Nội từng chú ý đến Luc Team với tính ước lệ, có cả yếu tố trào phúng qua tác phẩm Quẫn và cơn ghen của Lọ Lem, nhưng phải đến khi xem Nữ ca sĩ hói đầu mới thực sự bị hấp dẫn. Những tiếng trầm trồ, sự phấn khích, cả những tiếng cười sau từng cảnh diễn chứng tỏ một phong cách kịch từng được ưa chuộng sẽ là lựa chọn thông minh để sân khấu thay đổi thực đơn cho khán giả.
Để sân khấu sôi động và thêm sức cuốn hút, một số sân khấu tư nhân tại TP. HCM đã lồng ca khúc và âm nhạc vào vở diễn. Có ai đó lầm tưởng đã gọi nó là nhạc kịch, nhưng thực chất không phải như vậy. Ca khúc nếu không được sử dụng như một đặc trưng để nhân vật giãi bày thay cho lời thoại, đi theo kết cấu riêng của thể loại thì chỉ được gọi là kịch ca nhạc mà thôi. Nhạc kịch ra đời tại Mỹ, thịnh hành tại sân khấu Broadway và người Việt hóa nó dành tặng khán giả Thủ đô là đạo diễn trẻ Nguyễn Phi Phi Anh. Với chuỗi 3 vở nhạc kịch trong chùm kịch Mộng ước, vị đạo diễn trẻ đã chinh phục khán giả nhiều lứa tuổi. Theo học chuyên ngành đạo diễn sân khấu điện ảnh tại Mỹ, Phi Anh về nước với mong ước tạo ra những tác phẩm hấp dẫn công chúng. Sau Góc phố danh vọng ra mắt vô cùng ấn tượng, các tác phẩm tiếp theo của anh vẫn giữ được phong độ, thậm chí xuất sắc hơn các vở diễn trước đó. Anh đảm nhận cả hai vai trò quan trọng là biên kịch và đạo diễn.
Sân khấu kịch vẫn là một mảnh đất cần khai phá. Người xem ngày nay không quay lưng với sàn diễn mà họ đang chờ đợi những vở diễn thực sự hấp dẫn./.
Vũ Nga