Thị trường điện ảnh Việt: Cạnh tranh không lành mạnh

Mặt trái của mở cửa, hội nhập trong lĩnh vực điện ảnh là sự xuất hiện của tập đoàn nước ngoài vốn lớn, có nguy cơ 'giết chết' những DN vừa và nhỏ trong nước.

Năm 2005, một sự kiện bản lề làm thay đổi bộ mặt nền điện ảnh VN: Công ty Megastar Media, một nhà phát hành phim từ Mỹ thâm nhập thị trường VN. Với sự xuất hiện của Megastar, khán giả Việt được xem các bộ phim bom tấn Holywood cùng thời điểm với Bắc Mỹ chứ không phải sau 3,4 tháng như trước kia.

Thị trường điện ảnh Việt bắt đầu được xuất hiện trong thị trường chung toàn cầu như một nơi có sức mua lớn, có qui mô tăng trưởng tiềm năng. Bà Ngô Thị Bích Hạnh, phó TGĐ công ty BHD nêu số liệu: “Doanh thu phòng vé điện ảnh VN giai đoạn 2005 - 2006 cỡ khoảng 50 tỉ đồng/ năm. Đến 2019 tăng lên cỡ độ 4.100 tỉ đồng. Những người làm điện ảnh chúng tôi tin tưởng rằng, trong 10 năm tới, con số này sẽ tăng lên cỡ hơn 20.000 - 30.000 tỉ”.

Thế nhưng, mặt trái của mở cửa, hội nhập trong lĩnh vực điện ảnh là sự xuất hiện của những tập đoàn nước ngoài vốn lớn, có nguy cơ “giết chết” những doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước để độc chiếm thị trường. Năm 2014, CJ - gã khổng lồ Hàn Quốc - chi 74 triệu USD, tức gần 1800 tỉ đồng - mua lại Megastar chỉ trong 1 thương vụ độc lập. Con số này gấp gần 4 lần doanh thu Megastar thời điểm đó (20 triệu USD).

Và sau đó là một loạt hành vi để độc chiếm dần thị trường điện ảnh Việt Nam với qui mô gần 100 triệu dân. Bà Hạnh phân tích tiếp: “Báo chí cũng đưa rất nhiều là, các phòng chiếu nước ngoài không chiếu phim VN, vì họ muốn chiếu phim của họ nhập vào, thu được nhiều tiền hơn. Họ đại diện cho Holywood, đại diện cho Hàn Quốc thì họ chiếu phim của họ. Họ vừa thu được doanh thu rạp chiếu vừa thu được doanh thu bán hàng các sản phẩm phim của họ. Làm thế nào để bảo vệ các bộ phim Việt khi ra rạp?”

Nhà nước thì dần rút khỏi lĩnh vực làm phim, các công ty điện ảnh trong nước thì non trẻ, chưa kịp xác lập thị trường và có doanh thu đã lập tức phải đương đầu với một “gã khổng lồ” có kinh nghiệm, tài chính vượt trội… chẳng trách rơi vào cảnh “ốm đau, què quặt”.

BHD, Thiên Ngân là 2 trong số những công ty như thế. Đến bây giờ, 6 năm sau vụ thâu tóm, các doanh nghiệp nội địa tuy chưa “chết hẳn” nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn: “Điện ảnh có mặt vật chất nhưng lại có mặt tinh thần, vì đây là công nghiệp văn hóa”, bà Ngô Thị Bích Hạnh nói. “Làm sao Luật Điện ảnh hỗ trợ được các giá trị tinh thần của Việt Nam dựa trên các doanh nghiệp phát triển. Để nền công nghiệp văn hóa này phát triển, luật nên tập trung vào người tiêu dùng. Nhưng nếu để cho người dân định đoạt thị trường thì doanh số 23 nghìn tỉ đấy sẽ dành chủ yếu cho các phim thương mại hoặc những doanh nghiệp nước ngoài có rất nhiều tiền đầu tư”.

Đồng tình với bà Ngô Thị Bích Hạnh, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân chỉ ra cái gọi là “mặt trái của số liệu” ở nền điện ảnh VN: “Phát triển có nhiều khía cạnh, ko chỉ là vấn đề con số: có bao nhiêu phòng chiếu, thu được bao nhiêu tiền? Nếu chỉ dựa trên con số thì rất phấn khởi. Rõ ràng doanh thu tăng vọt, số phòng chiếu tăng lên rất nhiều. Nhưng tiền vào túi ai? Số rạp chiếu tăng lên thì tiền vào túi Lotte, CJ… chứ không vào nền điện ảnh Việt để tái phát triển. Đấy là mặt trái của số liệu”.

Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân, người đầu tiên dám chi tới 1 triệu USD để làm phim “Tấm Cám - Chuyện chưa kể” nhưng khi đương đầu với các doanh nghiệp nước ngoài sở hữu hệ thống hơn 100 rạp chiếu khắp nước, cũng chỉ biết “tấm tức khóc” khi đứa con tinh thần của mình bị chèn ép đủ đường ngoài rạp: nào là sắp xếp giờ chiếu không phải giờ vàng, số suất chiếu ít, thời gian trụ rạp ngắn. Ngô Thanh Vân từng bộc bạch: “Chúng tôi không hề đưa ra bất kỳ yêu cầu nào quá cao hay quá đáng. Chúng tôi chỉ xin được đối xử như những phim Việt trước đây. Tôi làm phim cho người Việt xem, tôi muốn người Việt được xem thì việc gì tôi phải đòi hỏi quá quắt để không được chiếu”./.

Nguyễn Anh Tuấn/VOV.VN
 

Bình luận

    Chưa có bình luận