Ngày 30/12, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Văn học phối hợp với Ban Văn học - Nghệ thuật (VOV6), Đài Tiếng nói Việt Nam và Công ty Văn hóa & Truyền thông Liên Việt tổ chức buổi giới thiệu, ra mắt cuốn tiểu thuyết “Hừng đông” của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương.
Tiểu thuyết “Hừng đông” là cuốn tiểu thuyết thứ 2 trong sự nghiệp sáng tác của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ sau “Chuyện tình Khau Vai”. Đến nay, ông đã có 2 cuốn sách về lý luận, phê bình văn hóa, văn nghệ; 8 kịch bản sân khấu; 2 tập thơ cùng nhiều cuốn sách nghiên cứu về văn hóa nghệ thuật và báo chí.
“Hừng đông” là cuốn tiểu thuyết tư liệu về nhà cách mạng tiền bối Phan Đăng Lưu (5/5/1902 - 28/8/1941) - một trí thức tiêu biểu xuất sắc của Đảng và nhân dân ta đã sống, chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng cách mạng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc nhân dân.
Nhà cách mạng Phan Đăng Lưu quê ở thôn Đông, xã Hoa Thành (trước là Tràng Thành), huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An trong một gia đình nông dân có truyền thống nho học, yêu nước, yêu lao động, nhân ái, nghĩa tình. Ông sớm bộc lộ tư chất thông minh, hiếu học, can đảm, khí khái; giỏi về tiếng Hán, tiếng Pháp, văn học, nông học, chính trị học, xã hội học... Những năm tháng tuổi trẻ, Phan Đăng Lưu ấp ủ hoài bão giải phóng đất nước, đưa nước ta theo con đường độc lập, tự do, dân chủ, tiến bộ.
Phan Đăng Lưu từng tham gia các tổ chức yêu nước có xu hướng cộng sản như hội Phục Việt, hội Hưng Nam, đảng Tân Việt, Đông dương Cộng sản Liên đoàn và Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông từng được giao trọng trách là Ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ (Từ 1936), Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ (3-1937), Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (1937), Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (1938-1940). Ông có công lớn trong phong trào Đông Dương Đại hội (cuối năm 1936); đưa người của Đảng vào Viện Dân biểu Trung Kỳ; sử dụng linh hoạt cuộc đấu tranh “giành ghế” ở nghị trường, kết hợp tài tình diễn đàn đấu tranh công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí và văn học nghệ thuật. Đặc biệt, ông là người có công tái lập Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữa tháng 11 năm 1940 tại Hội nghị lần thứ 7.
Tấm gương người cộng sản ưu tú Phan Đăng Lưu đã trở thành mạch nguồn sáng tạo của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ. May mắn và tự hào được sinh ra, lớn lên ở Yên Thành - quê hương của người cộng sản trí thức Phan Đăng Lưu, từ nhỏ PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ đã được ông bà, cha mẹ kể cho nghe nhiều câu chuyện về Phan Đăng Lưu và những người yêu nước thời kỳ đấu tranh cách mạng thập niên hai mươi đến thập niên bốn mươi của thế kỷ 20.
Những câu chuyện đó đã thôi thúc tác giả dày công thu thập, tra cứu tư liệu, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử với tâm huyết xây dựng một hình tượng nghệ thuật đầy cảm xúc về người cộng sản ưu tú Phan Đăng Lưu và các đồng chí của ông. Sau nhiều tháng ngày thu thập tài liệu, nhiều đêm trăn trở, suy tư, tác giả Nguyễn Thế Kỷ đã cho ra đời kịch bản văn học mang tên “Hừng đông” viết về cuộc đời bi tráng của người cộng sản kiệt xuất Phan Đăng Lưu.
Kịch bản văn học “Hừng đông” ra mắt rất thành công năm 2016 với hai phiên bản nghệ thuật: Phiên bản sân khấu cải lương do Nhà hát Cải lương Việt Nam, Đạo diễn NSND Triệu Trung Kiên dàn dựng và phiên bản kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh do Đạo diễn, NSND Lê Hùng cùng Trung tâm bảo tồn và phát huy Di sản dân ca Xứ Nghệ, tỉnh Nghệ An dàn dựng.
Từ thành công của vở diễn “Hừng đông” ở hai loại hình Sân khấu cải lương và Sân khấu Dân ca Nghệ Tĩnh, tác giả Nguyễn Thế Kỷ tiếp tục tìm tòi, thử sức mình ở loại hình tiểu thuyết, mà theo như ông nói, muốn xem vở diễn thì phải đến sân khấu, phải ngồi trước màn hình hay cần phải có điện thoại thông minh, còn với một cuốn sách, có thể đọc và cảm nhận nó ở nhiều nơi, mọi lúc, người đọc có thể đồng cảm, đồng điệu, đồng sáng tạo với người viết.
Tiểu thuyết “Hừng đông” không phải là sự nối dài hay nhân rộng đời sống tiếp nhận của vở diễn cùng tên mà có một sức hấp dẫn riêng. Với gần 300 trang sách, tác giả Nguyễn Thế Kỷ đã khắc họa cuộc đời và sự nghiệp cao cả, hy sinh đời mình của người cộng sản kiệt xuất Phan Đăng Lưu từ lúc ông tốt nghiệp trường Canh nông của Pháp; quyết tâm từ bỏ cuộc sống của một viên chức trong bộ máy thực dân, tham gia Hội Phục Việt, sau đó hội này chuyển thành Hội Hưng Nam rồi Đảng Tân Việt và trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của đảng này. PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh tính chất tư liệu của tác phẩm, đồng thời khẳng định đây là tác phẩm có độ chính xác cao về cuộc đời và sự nghiệp của nhà chí sĩ cách mạng Phan Đăng Lưu.
Bên cạnh đó, dưới góc nhìn và thi pháp tiểu thuyết, tác giả đi sâu vào đời sống nội tâm của nhân vật và tính hệ thống, lớp lang của các sự kiện, nhân vật. Không cần tới những ngôn từ hoa mỹ, bằng chính sự dung dị của mình PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ đã khiến nhân vật trở nên thân thuộc, gần gũi. Những hồi ức của nhân vật chính Phan Đăng Lưu trên hành trình đi tới pháp trường: những hình ảnh về gia đình, về những người đồng chí, về những nơi đã từng sống, và nhất là quê hương Yên Thành khắc hoạ rõ nét trong từng trang viết.
Trong buổi ra mắt cuốn sách, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ: “Tiểu thuyết Hừng đông viết về con người đã đi vào lịch sử, tên tuổi của nhà cách mạng Phan Đăng Lưu mọi người đều biết, cuộc đời sự nghiệp gia cảnh như thế nào. Cái khó của người viết, một là những nhân vật, những sự kiện lịch sử không được hư cấu nhưng nhà văn có quyền đi vào nội tâm nhân vật. Điều này lịch sử không viết được nhưng văn học có quyền và một số nhân vật phụ thì có quyền hư cấu. Có lẽ đồng chí Phan Đăng Lưu là một nhà cách mạng tiền bối sử dụng vũ khí báo chí xuất bản văn học nghệ thuật để đấu tranh rất thành công”.
Tiểu thuyết “Hừng đông” viết về phong trào cách mạng Việt Nam những năm trước thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930) và sau đó khoảng 10 năm đến cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ nhưng tác giả Nguyễn Thế Kỷ không viết theo sự kiện, biến cố mà hướng tới con người cụ thể với tư cách một nhân vật văn học – người chiến sỹ cộng sản Phan Đăng Lưu. Hình tượng nhà cách mạng Phan Đăng Lưu hiện lên như một tấm gương sáng chói, tài trí, bản lĩnh, sáng tạo, kiên trung; tự nguyện, tự giác bảo vệ, tôn vinh đồng chí của mình và chủ động, thanh thản nhận về mình mọi hiểm nguy, gian khó, kể cả cái chết; một người con của quê hương bởi “nhiều khi người ta sống chết hy sinh vì một nếp nhà rất bình dị”.
Nhà văn, nhà phê bình văn học, Bùi Việt Thắng nhận định: “Viết “Hừng đông”, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, theo tôi, đã vượt ra ngoài phên giậu của thi pháp tiểu thuyết Việt Nam (1945-1985) lấy nhân vật nhân dân/tập thể/đám đông làm trung tâm. Ở đây nhà văn phải giải quyết mối tương quan giữa nhân vật “tập thể” và “cá thể” theo yêu cầu điển hình hóa (con người này như Heghen đã nhấn mạnh). Phan Đăng Lưu không thể thoát lý ra khỏi gia đình (bố mẹ, vợ con), bạn bè, đồng nghiệp, đồng chí, quê hương làng xóm. Nhưng đây là nhân vật văn học Phan Đăng Lưu, nên phải có cá tính, số phận như một điển hình nghệ thuật. Nhân vật này đã đi suốt tác phẩm từ trang đầu đến trang cuối. Trong nhân vật này riêng, chung hài hòa, bện chặt, tương hỗ,... Tôi thích cách tác giả cá thể hóa nhân vật qua chuyện riêng tư, đời thường, qua thế giới nội tâm phong phú của một con người kết hợp trong mình các phẩm tính của một trí thức - chiến sỹ cộng sản - một nhân cách có căn cốt văn hóa trong ứng xử với gia đình, vợ con, bạn bè, với tự nhiên…
Là một trong những độc giả đọc cuốn sách đầu tiên, nhà văn Nguyễn Văn Thọ chia sẻ cuốn sách hấp dẫn ông ngay từ những trang viết đầu tiên: “Một nhân vật lịch sử như Phan Đăng Lưu chúng ta có rất ít tài liệu về ông. Đây là nhân vật lịch sử đã được đóng đinh ở một số vấn đề lớn rồi. Tạo dựng lên thành một nhân vật tiểu thuyết là một thách đố. Thế nhưng tác giả Nguyễn Thế Kỷ đã thành công trong lĩnh vực này. Nguyễn Thế Kỷ đã làm được một cuốn sách rất hấp dẫn, hấp dẫn từ cấu trúc, tuyến xây dựng nhân vật, cách giao đãi và đưa đẩy câu chuyện rất tốt”.
Buổi ra mắt giới thiệu sách còn có sự tham dự của đại diện gia đình Nhà cách mạng Phan Đăng Lưu. Anh Trần Công Lý, cháu ngoại của nhà cách mạng Phan Đăng Lưu không giấu được niềm xúc động trước tình cảm của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ dành cho Phan Đăng Lưu: “Thơ chở khát vọng còn tiểu thuyết chở đạo. Tiểu thuyết “Hừng đông” chở đạo Phan Đăng Lưu. Ra mắt tiểu thuyết “Hừng đông”, tấm gương, đạo đức, cống hiến của nhà cách mạng Phan Đăng Lưu được các thế hệ mai sau đời đời trân trọng, ghi nhớ, ra sức học tập, noi theo…”.
Mặc dù bận rộn với công việc quản lý nhưng PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ vẫn luôn dành thời gian cho văn chương. Nhà văn, nhà phê bình Bùi Việt Thắng khâm phục sức sáng tác, tình yêu đối với những thân phận, những cuộc đời mà PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ ấn tượng: “Người ta nói, tiểu thuyết là tiêu chí đo “sức khỏe” của một nền văn chương phát triển và một nhà văn có nội lực, trữ lượng sáng tác. Một ngòi bút trải rộng trên nhiều lĩnh vực sáng tác thơ, văn xuôi, kịch, nghiên cứu văn hóa chứng tỏ niềm đam mê và một sức viết sung mãn. Tiểu thuyết “Hừng đông” là một đóng góp của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, góp vào kho tàng văn chương viết về các lãnh tụ của Đảng từ Hồ Chí Minh đến các học trò xuất sắc của Người trong sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc thời kỳ hiện đại”./.
Hạnh Lê - Vũ Toàn/VOV.VN