Thị Hến chuyển tải cái nhìn phê phán về hiện thực tiêu cực của việc tranh kiện trong đời sống làng - xã xưa. Khi ông Huyện, ông Xã, ông Đề để cho lòng tham và dục vọng dẫn lối rất có thể họ sẽ bị rơi vào bẫy khôn ngoan và đáo để của Thị Hến. Cái cười trong vở diễn sâu cay, hóm hỉnh nhưng cũng đầy sảng khoái, vì đó là một sự trả đũa thông minh của người bị áp bức dám đấu tranh theo cách của mình. Việc khai thác mâu thuẫn này trong các tác phẩm văn học nghệ thuật sẽ không bao giờ là cũ dù trong bất kỳ chế độ xã hội nào.
Dựa vào tích truyện cổ, các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam, đứng đầu là đạo diễn Thanh Tùng, đã rất nhạy bén khi đưa những lớp diễn hài trở thành xuyên suốt cho tác phẩm. Đó là cách làm hữu hiệu để nhẹ bớt tính phê phán của câu chuyện về lòng tham và hám gái của đám quan lại địa phương thời phong kiến. Những lời chửi đổng hay nét bông đùa tếu táo của hai anh Hề với thầy bói mù tên Nghêu làm cho câu chuyện mất trộm, xử kiện được nhìn nhận ở góc độ cảm thông cho anh Ốc nhiều hơn là trách tội. Đặc biệt, tiếng cười được đan lồng trong nhiều nét nghĩa khác nhau. Tiếng cười trong những lớp diễn hề của chèo cổ vốn đã thâm thúy nay được khai thác và làm tròn đầy hơn mang lại giá trị cao hơn tạo được không khí, màu sắc riêng cho vở diễn. Người xem có thể cười vì cái vẻ ngờ nghệch của Nghêu vì cái sự đáo để của Hến nhưng cũng là cười cho cái xấu, cái kệch cỡm đang bị phanh phui mà đôi khi người xấu tự biến mình thành kẻ ngốc.
Có tên trong nhiều suất diễn định kỳ vào tối thứ bảy tuần cuối cùng trong tháng của Nhà hát chèo Việt Nam, Thị Hến là vở diễn có danh thu cao và được khán giả quan tâm nhiều nhất. Nếu vở diễn được quảng bá tốt hơn sẽ lôi kéo được sự quan tâm của khán giả.