Khán giả ngày một vơi
Khán giả phía Nam vẫn rất yêu thích những làn điệu đàn ca tài tử, những bản vọng cổ... nhưng nhìn chung với số đông công chúng, đặc biệt là lớp trẻ thì việc dành thời gian để đến với một đêm diễn cải lương là không nhiều. Lớp khán giả coi cải lương như món ăn tinh thần nay đã ở lứa tuổi cao niên. Tuy nhiên người thì vướng bận mưu sinh, người lo chăm nom cháu nhỏ, người do tuổi cao không thể tự đến các nhà hát... khiến cho sàn diễn cải lương ngày càng thiếu vắng khán giả. Như hệ lụy tất yếu, thiếu vắng khán giả dẫn tới việc cải lương không thể đều đặn sáng đèn ở các rạp diễn. Ngày trước, khi các bầu show đầu tư cho một vở diễn thì có thể biểu diễn được vài ba tháng mới vãn trò. Giờ thì chỉ diễn tới đêm thứ 2, thứ 3 là khán giả đã vơi đi.
Nghệ sĩ vẫn gắng giữ lửa
Hiện trạng đó khiến cho những nghệ sĩ tâm huyết với cải lương buồn lòng. Nhưng họ không thể từ bỏ tình yêu với bộ môn nghệ thuật mà họ đã trót mang. Vào dịp lễ, Tết, khi một số người dân có nhu cầu đi xem hay có những nghệ sĩ có khả năng tài chính tổ chức những live show nhỏ... thì họ lại tập luyện để được tiếp tục bước lên sân khấu với tất cả tình yêu nghệ thuật của mình. Chính vì vậy, sàn diễn cải lương xã hội hóa vẫn tiếp tục tồn tại, dù không bùng nổ như những thời kỳ vàng son trước đây.
Nhà báo Thanh Hiệp, người theo dõi sàn diễn phía Nam, khẳng định: Thời điểm này ai đầu tư cho cải lươnglà rất liều lĩnh... Tuy vậy, có nhiều nhóm như sân khấu Lê Hoàng, sân khấu Sen Việt, nhóm của Chí Linh - Vân Hà, nhóm của NSƯT Kim Tử Long, nhóm của Diễm Thanh, nhóm của Vũ Luân... vẫn gắng gỏi để mỗi tháng diễn được một vở.
Cải lương phương Nam đang nỗ lực tìm hướng đi. Ảnh internet
Do là vở diễn xã hội hóa, phải tính toán đầu tư cân đối với doanh thu nên các nhóm này thường phải tìm tòi dàn dựng vở diễn sao cho hấp dẫn, có tính thương mại để có thể bán được vé. Họ đưa tính giải trí vào nhiều, nhưng đôi khi vì quá nghiêng về giải trí mà có nghệ sĩ đã diễn hài, đùa cợt một cách quá lố. Ví dụ vở Hồn của đá của nhóm Vũ Luân đã để diễn viên Gia Bảo có những lời chọc cười ngoài kịch bản làm cho vở diễn kém hay. Cũng diễn viên này khi tham gia vở Thái hậu Dương Vân Nga tái đã diễn cách làm này, đưa những lời gây cười thái quá khiến khán giả phản ứng. Vì vậy, các nhóm diễn cần biết tiết chế hơn, thắt chặt hơn để điều tiết lời thoại.
Làm gì để hỗ trợ cải lương?
Bộn bề khó khăn đang bủa vây các nhóm cải lương xã hội hóa (XHH). Đầu tư gặp nhiều khó khăn vì các rạp hiện cho thuê với giá quá cao, ví như rạp Bến Thành có mức thuê từ 40 - 70 triệu đồng/buổi diễn... Giá cao như vậy đã đẩy mức vé lên đến 800.000 -1.000.000 đồng /vé, khiến người xem khó chấp nhận.
Tuy nhiên, các đêm diễn cải lương, đặc biệt là những vở cải lương từng làm nức lòng công chúng một thời như Bên cầu dệt lụa, Tấm lòng của mẹ, Chung Vô Diệm… vẫn có lượng công chúng nhất định nhờ vào tình cảm đối với các tích truyện hay, đậm chất cải lương. Những đêm sáng đèn của sân khấu cải lương Nhà hát Trần Hữu Trang, sân khấu của nghệ sĩ Vũ Luân, sân khấu Sen Việt của đạo diễn Lê Nguyên Đạt… đang là điểm đến cho những ai yêu thích cải lương.
Nhưng nói như đạo diễn Lê Nguyên Đạt, sự giữ gìn này cũng chỉ mang tính tự phát, chưa thực sự là xu hướng tốt nếu không có sự tài trợ và chính sách thích hợp của nhà nước. Nên chăng, Nhà nước hỗ trợ xây dựng một điểm diễn có thể cho thuê với mức giá phù hợp, đầu tư cho những tác phẩm được nhà nước đặt hàng… Có như thế mới giúp cải lương vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay./.
"Cần trân trọng những nhóm sân khấu hoạt động vì sự đam mê, vì tình yêu với nghệ thuật dân tộc. Không ít vở diễn được anh chị em bỏ tiền dàn dựng có sự sáng tạo trong nghệ thuật và nội dung khá sâu sắc, có những sáng tạo riêng mang phong cách vùng, miền, địa phương... Sự đa dạng sắc màu của tác phẩm đem lại cho khán giả nhiều lựa chọn thì nghệ thuật mới phát triển một cách bền vững” - NSND Giang Mạnh. |