Phim trăm tỷ có làm điện ảnh Việt sáng danh?

Những phim nghệ thuật doanh thu có phim cực thấp, trong khi phim thị trường nhiều phim có lời, thậm chí lời cực khủng.

Đã có rất nhiều tranh cãi về phim điện ảnh nghệ thuật - thị trường trong những dự án chiến lược xây dựng và phát triển nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam trong tương lai, khi rõ ràng những phim nghệ thuật doanh thu có phim cực thấp, có phim không thể trụ rạp tới 3 ngày, trong khi các phim thị trường, ít phim bị lỗ, mà từ hòa vốn cho đến lời ít – lời nhiều - lời cực khủng.

Mà một nền công nghiệp điện ảnh chỉ phát triển phim thị trường thì rất khó có thể có vị trí trong nền điện ảnh thế giới, có thể lọt vào các Liên hoan phim Quốc tế danh giá và có được sự công nhận của thế giới với ngành nghệ thuật thứ bảy này.

Có nhiều nhà sản xuất thường lấy lý do, làm phim thị trường để tích lũy làm phim nghệ thuật- vì biết làm phim nghệ thuật là chấp nhận lỗ? Cũng có nhà sản xuất thì tính dung hòa làm phim nửa nghệ thuật- nửa thị trường, để vừa kinh doanh, vừa tạo những cơ hội cho điện ảnh Việt sánh vai điện ảnh quốc tế, nhưng mô hình này xem ra để đạt trăm tỉ cực kỳ phiêu, và để an toàn cho nhà sản xuất, thì lại thiên về thị trường, phần nghệ thuật chỉ thoáng qua, nủa vời.

Rất ít phim có cả hai yếu tố mà “thắng” ở phòng vé, điểm lại có lẽ “thắng” nhất là phim “Mắt biếc” (2019)- 172 tỷ và “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (2015)- 77,8 tỷ, mà những phim này “thắng” có lẽ cũng nhờ một phần vào kịch bản dựa vào tác phẩm văn học đã quá nổi tiếng của nhà văn cũng rất nổi tiếng của văn học đương đại.

Ngay cả với phim “Bố già” hiện đang làm mưa làm gió các rạp chiếu toàn quốc, và có thể sẽ dạt doanh thu lên con số 300 tỷ, một kỷ lục có thể sẽ đứng vững nhiều năm với phim Việt trong tương lai, thì đây cũng không phải là một phim nghệ thuật, thậm chí còn mấp mé của ranh giới giữa phim điện ảnh - phim truyền hình - sân khấu kịch,

Tổng thể diễn xuất của các diễn viên nhiều đoạn vẫn bị sa vào lối diễn "kịch" của sân khấu, thoại quá nhiều, sử dụng nhiều thủ pháp hài sân khấu, rồi người trẻ đóng vai già hóa trang như kiểu diễn kịch, nếu không phải diễn viên giỏi thì vai bị “gãy” bởi hóa trang ước lệ như sân khấu. Chưa kể mang rất nhiều câu châm ngôn, triết lý gây bão mạng đã từng viết trên facebook cá nhân nhà sản xuất, kịch bản vẫn còn lan man, lỏng lẻo.

 

Với các phim trăm tỷ khác cũng vậy, cho dù các phim vẫn thường cho là đưa thông điệp chân - thiện - mỹ để phim dù giải trí vẫn có ý nghĩa giào dục, để cho khán giả xem phim suy ngẫm về thiện - ác trong cuộc sống, nhưng thật sự phim đã làm được điều đó không thì xem ra rất khiên cưỡng, bởi các “chiêu”, “trò” trong phim đã lấn át hết.

Ví dụ như series phim “Gái già lắm chiêu”, với nội dung đưa cuộc sống xa hoa phủ vàng bạc lộng lẫy và vật phẩm xa xỉ của những nhà giàu, hay những thủ đoạn chiếm đoạt gia tài mà ruột thịt tương tàn, người trẻ thay vì sống nhân nghĩa thì cũng toa rập những âm mưu của người lớn, rồi những màn lừa dối đánh lừa thật - giả…, xem rồi không biết phim làm ra để chuyển tài giá trị ý nghĩa gì…

Phim đạt doanh thu trăm tỷ, ở khía cạnh thị trường là thành công, nhưng nếu cứ chỉ vì cái mốc trăm tỷ để làm phim thị trường, mà quên lãng phim nghệ thuật, thì điện ảnh Việt vẫn còn thật xa mới có thể gọi là có nền công nghiệp điện ảnh thật sự để có một vị trí trong nền điện ảnh thế giới./.

CTV Hoài Hương/VOV.VN

Bình luận

    Chưa có bình luận