Giới trẻ ngày nay có thờ ơ với sách?

Công nghệ thông tin, giải trí phát triển, văn hoá nghe - nhìn lấn át văn hoá đọc, nhiều người trẻ hiện nay xa dần với thói quen 'sách gối đầu giường'.

 

Thế nhưng họ có thực sự thờ ơ với việc đọc sách?

Theo nhà văn - nhà báo Phong Điệp, báo Nhân dân, câu trả lời là không. Bởi, minh chứng là qua 8 kỳ Ngày sách Việt Nam, lực lượng tham gia chủ yếu vào các hoạt động nhân ngày hội sách ở khắp nơi là các bạn trẻ. Ngày sách Việt Nam lần thứ 8 năm nay, ngoài hội sách trực tuyến quốc gia, còn có rất nhiều cuộc trình diễn, trưng bày phố sách, đường sách, xe buýt sách… các cuộc hội thảo về sách tại các địa phương trong cả nước.

“Có thể nói rằng trong suốt 8 kỳ ngày sách Việt Nam đã qua, tôi đều theo rất sát với tư cách là một người viết và với tư cách là một độc giả, tôi thấy ngày sách Việt Nam càng ngày càng được tổ chức một cách thiết thực. Không chỉ các ngành chức năng như văn hóa, thông tin, xuất bản mà các trường học cũng vào cuộc hết sức sôi nổi. Đặc biệt giới trẻ tham gia rất đông. Đây là những tín hiệu rất tích cực cho thấy hiệu quả của ngày sách đã được phát huy trong đời sống cộng đồng” – nhà văn Phong Điệp bày tỏ.

Mô hình cà phê sách hiện nay cũng đang rất phát triển ở những thành phố lớn, thu hút khá đông độc giả trẻ. Đây được xem là một xu hướng đọc mới của giới trẻ. Nhiều quán cà phê sách tổ chức những buổi giao lưu định kỳ để khách hàng có thể trao đổi những quyển sách hay, sách hiếm, sách quý. Từ đó tạo nên những diễn đàn, hội, nhóm lan toả tình yêu đọc sách một cách thực chất.

Đáp lại định kiến “giới trẻ ngày nay lười đọc”, nhiều bạn trẻ cho rằng, không phải cứ cầm quyển sách lên mới là đọc. Giờ phương tiện thay đổi có thể đọc bằng nhiều cách. Đọc sách online cũng là một lựa chọn không tồi. Thay vì cầm một quyển sách nặng trịch trên tay, bạn có thể có cả một tủ sách khổng lồ trong 1 chiếc điện thoại thông minh. Vấn đề là đọc nội dung gì và đọng lại điều gì.

Tuy nhiên, theo một khảo sát gần đây, Việt Nam chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng đọc. Thời gian dành cho việc đọc sách của người Việt cũng thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới. Bên cạnh đó, theo số liệu khảo sát của Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường, khi được hỏi dùng thời gian rảnh để làm việc gì thì chỉ có 15% bạn trẻ đưa ra đáp án là dành để đọc sách. Và đâu đó việc đọc vẫn là “đu trend”, hờ hững.

Quán cà phê sách là địa chỉ quen thuộc của nhiều bạn trẻ (ảnh: Internet)

Theo nhà văn Phong Điệp, một lý do khiến nhiều bạn trẻ chưa mặn mà với việc đọc sách đó là do thị trường chưa có nhiều những cuốn sách đủ hay, đủ hấp dẫn họ. Nhiều cuốn sách được xuất bản có nội dung chưa thực sự là sách. Bên cạnh đó chương trình học trong nhà trường còn nặng, chiếm quá nhiều thời gian, tâm sức của các em. Và một nguyên nhân quan trọng nữa đó là từ nếp sống gia đình.

“Tôi nghĩ rằng cái gốc văn hóa ứng xử của mỗi cá nhân được hình thành rất rõ ràng trong môi trường sống của mỗi cá nhân đó, trong gia đình mình. Chuyện đọc sách cũng vậy, nếu bố mẹ đọc sách thường xuyên sẽ làm gương một cách hữu hiệu cho con cái” - nhà văn Phong Điệp nhấn mạnh.

“Trước hết, bản thân người lớn phải thay đổi. Thay bằng việc cuối mỗi ngày bố mẹ ngồi ôm điện thoại hoặc xem ti vi thì hãy ngồi trên ghế đọc sách và hãy mua những cuốn sách để ở những nơi thuận tiện nhất. Khi đó, tự những đứa con sẽ quan tâm, sẽ tò mò, sẽ cầm cuốn sách đó lên. Và sự lan toả một cách tự nhiên trong chính gia đình dần dần con cái sẽ ham thích sách. Việc đọc sách phải ngay từ trong môi trường gia đình, hình thành ngay từ nhỏ. Sự hiện diện của tủ sách, giá sách trong mỗi gia đình cần được “phủ sóng” nhiều hơn ti vi, điện thoại hay tủ rượu. Mỗi người nên ý thức là mỗi ngày dành ra một chút thời gian để đọc một số trang sách nhất định” – nhà văn, nhà báo Phong Điệp gợi ý.

Bên cạnh đó, để xây dựng và phát triển văn hoá đọc trong nhà trường cần đưa tiết đọc sách vào chương trình học thường xuyên, thay đổi cách dạy văn học. Và đặc biệt giáo viên cũng cần được khuyến khích đọc sách nhiều hơn ngoài các cuốn sách giáo khoa, sách tham khảo phục vụ luyện thi hay thiết kế bài giảng.

Cần làm gì để giới trẻ hứng thú với việc đọc sách?

Ở tầm vĩ mô, Việt Nam chúng ta cần có chiến lược quốc gia về phát triển văn hoá đọc. Nó cần đến sự cố gắng, chung tay của cả nhà nước và các công dân. Theo một số chuyên gia, nhà nước cần phải sớm có bộ luật phát triển văn hóa đọc để tạo cơ sở pháp lý cũng như ràng buộc nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên có liên quan trong phát triển văn hóa đọc.

Triết gia Thomas Carlyle (Scotland) từng nói: “Tất cả những gì con người đã làm, đã nghĩ hoặc trở thành đều được bảo tồn một cách kỳ diệu trên những trang sách”. Quả thật, sách là kho tàng tri thức của nhân loại. Mỗi trang sách là một động lực phát triển văn minh xã hội. Đọc sách không bao giờ là quá muộn và tạo dựng thói quen đọc sách sẽ giúp chúng ta mở ra thế giới rộng lớn hơn. Bước những bước đi vững chắc trên con đường đời dù có gập ghềnh./.

Thu Hà/VOV2

 

Bình luận

    Chưa có bình luận