Hãy hành động, đừng ngần ngại
Là người chuyên viết cho mảng kịch hát dân tộc, nhà viết kịch Lê Thế Song đã viết khá nhiều bài hát nhạc cổ hoặc dân ca ca ngợi tinh thần trách nhiệm và công lao của các chiến sĩ ở tuyến đầu chống dịch Covid-19 như đội ngũ các y bác sĩ, công an, bộ đội. Nhà viết kịch Lê Thế Song cho biết: “Trong mấy đợt dịch vừa qua, ai cũng thấy tấm gương của lực lượng chống dịch trên khắp cả nước. Giống như những nghệ sĩ khác để phòng dịch, tôi phải làm việc ở nhà. Tôi muốn góp một phần nhỏ bé của mình vào công tác phòng chống dịch Covid -19 bằng việc sáng tác và thu âm ca khúc nhạc cổ viết về những tấm gương chống dịch Covid-19 rồi chia sẻ trên youtube và mạng xã hội. Tôi mong rằng khán giả khi nghe sẽ hiểu thêm về sự cống hiến của các y bác sĩ, các anh bộ đội, công an để chúng ta chung sức phòng dịch tốt hơn”. Hiện, tác giả Lê Thế Song viết được 15 ca khúc và đang trong giai đoạn hoàn thành 1 kịch bản sân khấu cũng về đề tài phòng chống dịch Covid -19.
Để chia sẻ những khó khăn với vùng dịch, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, đứng đầu là NSND Thúy Mùi đã kêu gọi các hội viên ủng hộ, quyên góp từ nhiều nguồn để tổ chức một chuyến đi đến 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh hỗ trợ cho cán bộ, chiến sĩ và bà con thuộc 2 tỉnh này tiền và nhu yếu phẩm. Đã tham gia một chuyến đi vào vùng tâm dịch với những người bạn và vẫn dang tiếp tục đồng hành trong chuyến đi của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, NSƯT Xuân Bắc bày tỏ: “Sống trong vùng dịch, cuộc sống khó khăn như thế nào chúng ta đã biết rồi, phải cách ly, phải dừng tất cả các công việc, không có thu nhập, không được gặp người thân… Vất vả nhất là đội ngũ y bác sĩ, họ phải làm việc trong điều kiện thời tiết nắng nóng mùa hè. Tôi mong qua việc làm của chúng tôi, các bạn trẻ nếu có điều kiện thì hãy hành động, hãy hướng về vùng dịch, đừng ngần ngại điều gì”.
Nghỉ dịch không quên nghề
Ở phía Nam, khi tham gia trong đội tình nguyện viên cùng các văn nghệ sĩ trẻ của Nhà Văn hóa thanh niên TP. HCM hỗ trợ các y bác sĩ lấy mẫu xét nghiệm tại các khu dân cư có dịch, đạo diễn Thái Kim Tùng chia sẻ, việc góp sức của mình nhằm lan tỏa tinh thần phòng chống dịch cho người dân và bày tỏ sự biết ơn với các “chiến sĩ áo trắng” trong cuộc chiến chống dịch Covid - 19. Anh Tùng tâm sự: “Tham gia trong đội hình tình nguyện viên, nhiều người hỏi tôi không sợ à? Dịch bệnh thì làm sao mà không sợ, nhưng tôi không thể ở mãi trong nhà khi các y bác sĩ đang vất vả vì thiếu nhân lực. Chúng ta nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng dịch chứ không nên hoang mang”.
Sân khấu truyền thống vốn đã gặp khó vì khán giả thưa vắng cộng thêm việc nghệ sĩ phải nghỉ không rõ thời hạn vì dịch Covid-19 khiến không ít nghệ sĩ đứng trước nguy cơ phải bỏ nghề. Những nghệ sĩ đứng đầu các đơn vị, nhà hát tại Hà Nội cùng với đại diện các cơ quan chủ quản mới đây đã thực hiện 2 cuộc họp trực tuyến nhằm tìm hướng khắc phục khó khăn để nghệ sĩ ở bộ môn nghệ thuật truyền thống có thể theo nghề. NSND Thanh Ngoan đề xuất việc hỗ trợ tài chính và tập luyện cho nghệ sĩ trong tình hình mới. Chị bảy tỏ: “Tôi cho rằng phải có sự hỗ trợ để nghệ sĩ đảm bảo được đời sống. Khác với trước đây trong tình dịch bệnh như thế này, lãnh đạo đơn vị không thể đi tìm các hợp đồng biểu diễn để tạo việc làm và thu nhập cho diễn viên. Để các em phải bỏ nghề tôi không cam tâm vì đào tạo được một nghệ sĩ truyền thống rất khó”. Ý kiến của NSND Thanh Ngoan nói thay mong ước của rất nhiều người nên đã nhận được sự nhất trí của mọi người trong cuộc họp. Bộ VH-TT&DL đang phối hợp với Cục Nghệ thuật biểu diễn xem xét để có kế hoạch triển khai cụ thể.
Với tinh thần nghỉ dịch nhưng không quên nghề, NSND Nguyễn Tiến Dũng cùng êkip của chương trình sân khấu truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam giới thiệu tác phẩm rối Trăng đất Việt đến khán giả cả nước qua màn ảnh nhỏ trong thời gian Nhà hát Múa rối Việt Nam phải tạm dừng các suất diễn trên sân khấu. Trong nhiều năm qua, NSND Nguyễn Tiến Dũng đã có nhiều tìm tòi sáng tạo với nghệ thuật múa rối nên khi tác phẩm được lựa chọn phát trên truyền hình anh rất vui: “Vở rối Trăng đất Việt hoàn thiện từ cuối năm 2020 nhưng công diễn chưa nhiều do ảnh hưởng liên tiếp của các đợt dịch Covid - 19. Dịp này, tác phẩm được chọn giới thiệu trên sóng truyền hình sau vở rối Kiều khiến cho chúng tôi rất phấn chấn. Hy vọng sau khi xem, khán giả biết đến vẻ đẹp của nghệ thuật múa rối nhiều hơn”.
Đây có lẽ là hướng mở cho các bộ môn nghệ thuật trong tình trạng nhà hát phải đóng cửa vì dịch bệnh Covid -19.
Cứ thế mỗi người mỗi việc làm khác nhau nhưng mong muốn chung của nghệ sĩ lúc này là được chuyển đến người dân thông điệp cùng chung tay phòng chống dịch. Hy vọng khi tình hình ổn định, khán giả sẽ đến với họ để thưởng thức những tiết mục mang thông điệp của vẻ đẹp và tình yêu thương!