Những dấu ấn đáng ghi nhận của các cây bút nhí

Thời gian gần đây, mảng đề tài thiếu nhi và việc phát hiện, bồi dưỡng các cây bút nhí đã được quan tâm hơn.

 

Từ năm nay trở đi Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) sẽ khởi động đề án Trao giải Quốc gia về văn học nghệ thuật dành cho trẻ em. Ngoài giải thưởng này còn có nhiều giải thưởng uy tín khác: giải thưởng Dế Mèn, giải Đóa hoa đồng thoại, giải Sách hay thường niên… ghi dấu ấn ở mảng văn học thiếu nhi.

Mới đây, Báo Thể thao và Văn hóa vừa công bố kết quả giải thưởng Dế Mèn lần thứ hai. Cây bút nhí Cao Khải An (sinh năm 2009) đã đoạt giải đồng hạng Khát vọng Dế Mèn.

Qua hai mùa thi, giải thưởng Dế Mèn thu hút đáng kể lực lượng người viết cho thiếu nhi và các cây bút ở độ tuổi thiếu nhi. Ban giám khảo cuộc thi nhận định, có những tác phẩm của cây bút tuổi thiếu nhi tuy chưa đoạt giải, song hoàn toàn có thể in ấn thành sách, chất lượng tốt, nội dung phong phú, sinh động. Nhà thơ Đỗ Doãn Phương, Phó tổng biên tập báo Thể thao và Văn hóa, thành viên Ban giám khảo nhận xét: “Cuộc thi thu hút sự tham gia của các cây viết thiếu nhi, độ tuổi từ 6 đến 16, đây là một tín hiệu đáng mừng. Các em đã viết bằng nhiều thể loại như truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết và phong phú về nội dung, chủ đề. Các em rất sáng tạo, văn phong sinh động, đáng yêu đầy tính nhân văn, triết lý”.                                    

Cuộc thi Đóa hoa đồng thoại do Nhà xuất bản Kim Đồng phối hợp Báo Điện tử Tổ quốc tổ chức từ năm 2018 cũng thu hút nhiều cây bút nhí từ độ tuổi tiểu học. Năm 2020, giải Nhất hạng mục Tiểu học được trao cho em Phan Ngọc Đại Ngọc, học sinh lớp ba, trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, TP. Đà Lạt. Nằm trong khuôn khổ hoạt động bên lề của giải thưởng, nhiều buổi giao lưu, tọa đàm, thực hành sáng tác… đã được tổ chức tạo sân chơi bổ ích cho thiếu nhi.

Mảng văn học thiếu nhi đang sôi nổi trở lại.

Các cuộc thi, giải thưởng góp phần phát hiện các cây bút mới để sau đó có thêm nhiều tựa sách thiếu nhi do chính các cây bút nhí sáng tác. Truyện ngắn, truyện vừa hay tiểu thuyết mà các em viết đã có những khởi sắc đáng mừng, phong phú về nội dung, chủ đề và quan trọng nhất là các em đã nỗ lực hết mình, không ngừng sáng tạo. Văn phong, ngôn ngữ, giọng điệu, cách quan sát về cuộc sống trong những trang văn của các em rất trong sáng, tinh tế, đáng yêu. Là một người đọc, theo dõi và khuyến khích các cây bút nhí sáng tác, nhà thơ Lữ Mai nhận xét: “Các em có một tâm hồn trong sáng, nhìn mọi thứ trong veo, tươi mới. Chính các em đã khơi lại những ký ức về tuổi thơ trong chúng tôi bằng trang những văn thật đẹp. Hy vọng các em sẽ là những mầm xanh mãi xanh như thế, đáng yêu như thế”.       Theo đánh giá của các nhà xuất bản, vài năm gần đây, việc xuất hiện những cây bút nhí với sáng tác cho lứa tuổi của mình đã tạo nhiều hiệu ứng tốt. Ở độ tuổi thiếu niên, các cây bút nhí đã biết quan tâm, thể hiện được ngôn ngữ, bản sắc quê hương, con người tạo nên nét độc đáo trong tác phẩm. Ví dụ, tác phẩm “Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Ðồi Rơm” của tác giả Cao Khải An từng đoạt giải Khát vọng Dế Mèn lần thứ nhất, năm 2020. Tác phẩm cuốn hút bởi sự hồn nhiên, linh hoạt, sử dụng ngôn ngữ miền Tây mộc mạc, duyên dáng. Các yếu tố này sẽ không thể nào tìm thấy trong tác phẩm văn học thiếu nhi được dịch từ nước ngoài. Hay, tác giả Cao Việt Quỳnh (sinh năm 2008) với tác phẩm “Người Sao Chổi” khai thác được các góc nhìn mới của giới trẻ, cập nhật xu hướng hiện đại, kết cấu thông minh, bắt kịp xu hướng sáng tác mới.

Bên cạnh mảng sách văn học với các tác phẩm được viết ở thể loại quen thuộc, như: truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài, tiểu thuyết,… các cây bút nhí còn quan tâm, thử sức dòng sách về văn hóa, lịch sử, khám phá, du lịch, sách tranh kỹ năng, truyện cực ngắn... Với lợi thế sáng tác cho cho bạn đọc ở độ tuổi như mình, các cây bút nhí đủ điều kiện phát huy năng lực quan sát, sáng tạo nên những câu chuyện gần gũi, gắn liền với cuộc sống, tuổi thơ.

Từ những tín hiệu trên, có thể thấy, mảng văn học thiếu nhi đang sôi nổi trở lại với những bước chuyển động phù hợp xu hướng thời đại.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận