Chuyện đào tạo nghệ sĩ thời Covid-19

Đào tạo ra những lứa nghệ sĩ tài năng chưa bao giờ là chuyện dễ đối với các trường nghệ thuật và đơn vị sân khấu.

 

Vẫn đào tạo theo cách truyền nghề

Với hình thức đào tạo phổ biến ở tất cả các đơn vị hiện nay là đào tạo tại chỗ hoặc truyền nghề, các diễn viên trẻ được cảm thụ thông qua tác phẩm, trích đoạn và chỉ dẫn từ các nghệ sĩ thành danh đi trước. Vì vậy, sự trưởng thành của họ cũng mang theo phong cách, đặc trưng riêng của nơi họ được học và rèn nghề. NSND Tự Long, Phó Giám đốc Nhà hát chèo Quân đội chia sẻ: “Dù cùng là nghệ thuật chèo nhưng mỗi nhà hát, mỗi đơn vị sẽ mang dáng dấp khác nhau. Đơn cử như chèo quân đội sẽ khác với chèo Thái Bình, chèo Hà Nội sẽ khác với chèo Hà Nam... Nói như vậy để thấy nhà hát nào cũng muốn có các nghệ sĩ tài năng đi đến đâu cũng mang theo “màu cờ sắc áo” của mình. Muốn như thế thì chúng ta phải tích cực đào tạo thôi”.

Để các nghệ sĩ có kỹ năng thuần thục, tự tin trên sân khấu, ngoài luyện tập, diễn tập tại nhà hát, việc tạo điều kiện để họ được tham gia các sự kiện, các cuộc thi, hội diễn cũng quan trọng không kém. Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay, thật khó có thể có những sân chơi bổ ích như thế. Nhiều nghệ sĩ không khỏi bùi ngùi khi liên tiếp phải hoãn tập, hoãn diễn rồi hoãn luôn cả các hội thi khi gần đến ngày diễn ra.

Việc tìm những hình thức dạy và học mới thích ứng với tình hình chung cũng đang là yêu cầu đặt ra đối với nhiều đơn vị đào tạo hiện nay. NSƯT Tạ Tuấn Minh băn khoăn: “Tôi đang giảng dạy cho các diễn viên tại trường ĐH Văn hóa - Nghệ thuật Hà Nội, lớp chúng tôi phải nghỉ dịch khi các em còn chưa thi. Hiện nay, tôi cũng đã đề xuất các hình thức thi qua video hoặc chuyển sang dạng bài viết để tạo điều kiện cho các em. Tuy nhiên, về lâu về dài nên có các hình thức học khác để thích ứng hơn với những thay đổi”.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tổ chức các đêm diễn, cuộc thi hay công việc giảng dạy tại trường, truyền nghề ở các đơn vị đều phải tạm dừng hoặc gián đoạn. Đáng lo hơn khi số lượng thí sinh đăng ký dự thi của hầu hết các trường đều sụt giảm nên khâu tuyển chọn lại càng khó hơn. Thầy Phan Trí Thành, Trưởng khoa Kịch hát dân tộc - ĐH Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội lo ngại: “Việc phải nghỉ phòng dịch Covid-19 rồi việc tinh giản biên chế gây ảnh hưởng đến đời sống của nghệ sĩ. Từ thực tế đó đã tạo ra tâm lý e dè khi chọn trường của các em. Số học sinh đăng ký vào trường năm nay giảm hẳn. Đó là một khó khăn lớn đối với chúng tôi”.

      Đào tạo ra những lứa nghệ sĩ tài năng chưa bao giờ là chuyện dễ đối với các trường nghệ thuật và đơn vị sân khấu.

Sức hút đầu vào chưa cao nay lại suy giảm

Vốn chưa thu hút được nhiều tài năng trẻ trong điều kiện làm nghề còn vất vả mà vẫn chưa có được chính sách ưu tiên, ưu đãi như hiện nay, khiến nhiều trường và cơ sở đào tạo lo lắng trong mỗi mùa tuyển sinh. Với đặc thù tuổi làm nghề ngắn cộng với cường độ tập luyện cao tiềm ẩn nguy cơ rủi ro,  lại thêm ảnh hưởng của dịch Covid-19 từ năm ngoái đến năm nay, ngành xiếc đứng trước nhiều thách thức trong việc tìm kiếm và đào tạo nguồn nhân lực có tố chất và kỹ năng nổi trội để hội nhập. NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ: “Với cường độ tập luyện rất vất vả mà các chính sách ưu tiên lại chưa có bao nhiêu, lại thêm ảnh hưởng từ dịch Covid 19, việc tuyển sinh và đào tạo diễn viên xiếc đã khó nay càng khó hơn”.

Hiểu rõ những bất cập này, vừa qua khi trình lên Chính phủ về việc hỗ trợ cho các nghệ sĩ có mức lương thấp (hạng IV) trong mùa dịch Covid-19, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Tạ Quang Đông cũng đã đưa ra một sự đối chiếu về sự mất cân đối giữa công sức và thù lao dành cho diễn viên hiện nay. Đồng thời, ông cũng nêu ra việc đào tạo thành tài một diễn viên là vô cùng khó, vì vậy, nếu không hỗ trợ khiến họ bỏ nghề sẽ lại là một sự đáng tiếc nữa.

Để giữ chân các diễn viên trẻ cho đơn vị, trước khi có được khoản trợ cấp nho nhỏ của nhà nước, nhiều đơn vị đã dùng nguồn quỹ riêng nhằm động viên nghệ sĩ trẻ để họ có thể trang trải cuộc sống. Bởi nếu không có lịch tập, lịch diễn trong khi chưa được tuyển dụng và ký hợp đồng thì những nghệ sĩ trẻ này không có khoản thù lao gì để đảm bảo cuộc sống. NSƯT Minh Hiếu, Phó Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam cho biết: “Bắt đầu từ tháng 5 vừa qua, Nhà hát chúng tôi đã dùng ngân quỹ của đơn vị để hỗ trợ các bạn diễn viên mới mỗi người 1.500.000 đồng/tháng. Chúng tôi hy vọng đây là món quà tinh thần nhưng cũng có thể giúp các em vượt qua giai đoạn khó khăn này, ở lại với nhà hát để học nghề, tiếp tục công việc với chúng tôi”./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận