Vụ kiện của Scarlet Johansson có thể làm thay đổi việc phát hành phim

Các hãng phát hành phim bom tấn trên nền tảng trực tuyến song song với rạp đã nảy sinh xung đột quyền lợi với các diễn viên, dẫn đến vụ kiện của Scarlet Johanss

 

Trong cuốn sách “Bức tranh toàn cảnh” về những câu chuyện hậu trường ở kinh đô điện ảnh Holywood, tác giả Ben Fritz viết rằng, công thức cơ bản của việc phát hành phim xưa nay là: Một bộ phim trước hết sẽ phát hành tại rạp. Sau khoảng 3 tháng, khi đã rời rạp chiếu, phim sẽ phát hành trên băng, đĩa. Sau 6 tháng, phim mới bắt đầu xuất hiện trên các nền tảng trực tuyến như Disney+, Netflix hay AmazonPrime. Tiếp đó mới đến lượt các kênh truyền hình như HBO, Starmax. Đó là cách kéo dài vòng đời cho các sản phẩm điện ảnh của Holywood.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 càn quét toàn thế giới đã khiến các hãng phim buộc phải thay đổi chiến lược. Theo đó, để đối mặt với việc các rạp chiếu tại nhiều nơi trên thế giới đóng cửa, nhiều nhà sản xuất đã quyết định phát hành gần như song song các phim bom tấn trên các nền tảng trực tuyến. “Black Widow”, “Cruella”, “The Fast 9”, “Jungle Cruise” là những bộ phim ra mắt khán giả thời gian qua theo cách này. Tuy nhiên, điều đó đã khiến các hãng phim xung đột quyền lợi với các diễn viên.

Vừa qua, nữ diễn viên Scarlett Johansson đã nộp đơn lên tòa án Los Angeles tố cáo hãng Disney vi phạm điều khoản hợp đồng với cô khi phát hành Black Widow trên nền tảng trực tuyến Disney+ song song với rạp. Với các diễn viên hạng A, khi phim chiếu rạp đạt đến mốc doanh thu nào đó, thường họ sẽ được cộng thêm một khoản thưởng thêm ngoài tiền thù lao ban đầu. Nhưng với việc phim phát hành trực tuyến song song với rạp khiến doanh thu tại rạp chiếu bị giảm, ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của Scarlet Johansson. Mặt khác, theo nữ diễn viên, Disney đã vi phạm các điều khoản trong hợp đồng kí kết ban đầu (thời điểm chưa bùng phát đại dịch Covid-19).

Việc các hãng phát hành các phim bom tấn trên nền tảng trực tuyến song song với rạp đã nảy sinh xung đột quyền lợi với các diễn viên, dẫn đến vụ kiện của Scarlet Johansson với hãng Disney.

Phim “Black Widow” khởi chiếu ở rạp vào ngày 9/7, nhanh chóng thu về 80 triệu USD trong tuần đầu, cao nhất trong tất cả phim phát hành từ mùa dịch. Cùng với đó là phát hành song song ở Disney+ thu được 60 triệu USD. Bất chấp những con số ấn tượng đó, doanh thu bán vé sụt giảm nghiêm trọng trong những tuần tiếp theo và tổng doanh thu của phim hiện ở mức 319 triệu USD toàn cầu, thấp hơn nhiều bom tấn trước đây (thường có mức doanh thu quanh con số 1 tỷ USD. “Black Widow” đang trên đà trở thành một trong những phim Marvel có doanh thu thấp nhất của vũ trụ điện ảnh này.

Đáp lại, đại diện Disney cho biết rất "buồn và đau khổ", đồng thời cho rằng Scarlet và luật sư đã không có tình người khi "nhẫn tâm coi thường những ảnh hưởng khủng khiếp và kéo dài trên toàn cầu của đại dịch Covid-19".

Xưa nay, các nhà sản xuất thường phải “làm đẹp lòng” các hệ thống rạp chiếu để được xếp lịch phát hành phim. Nếu phim muốn chiếu giờ đẹp, nhiều suất,... thì nhà sản xuất không còn cách nào khác phải qụy lụy các cụm rạp. Tại Việt Nam đã từng xảy ra những câu chuyện tương tự của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân liên quan đến việc xếp lịch chiếu phim.

Đại dịch Covid-19 thực ra chỉ là một chất xúc tác thúc đẩy việc thay đổi trong cách thức tiếp cận điện ảnh. Thế độc tôn của rạp chiếu phim đã lung lay và quyền lực của các rạp, các đơn vị phát hành sẽ chuyển dịch dần sang những đơn vị sản xuất nội dung. Netflix, HBO Max, Disney+, Amazon Prime,... giờ có thể phát hành phim trên các hệ thống trực tuyến của mình mà không phải phụ thuộc bất kỳ cụm rạp nào.

Với xu hướng giải trí trong lòng bàn tay như hiện nay, thế giới phim ảnh bắt buộc phải chuyển dịch cho phù hợp, ai chậm chân là thất thế. Chính vì vậy, các dịch vụ trực tuyến phải đua nhau thu hút người dùng và không có con bài nào hiệu quả hơn "độc quyền". Cùng với đó "chiếu song song với rạp" cũng là một chiêu thu hút người dùng, được nằm nhà xem cùng lúc với những người ra rạp mua vé thì ai chẳng thấy sướng.

Tuy nhiên, với vụ kiện của Scarlett Johansson (và có thể của Emma Stone và nhiều diễn viên khác), câu chuyện có thể sớm rẽ sang hướng khác. Ngành điện ảnh có thể phải quay lại các giai đoạn phát hành tuần tự như trước đây. Hoặc làm giống như hãng Warner Bros! Hãng này từng phải trả thêm cho Gal Gadot 10 triệu USD để họ phát hành Wonder Woman 1984 trên nền tảng HBO Max song song với chiếu rạp./.

BOX: Đại dịch Covid-19 thực ra chỉ là một chất xúc tác thúc đẩy việc thay đổi trong cách thức tiếp cận điện ảnh./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận