Gần đây, giới chơi sách bắt đầu làm quen với những phiên đấu giá sách. Trong một phiên đấu giá do fanpage Đông A Gallery tổ chức, 2 bản S100 của các tác phẩm “Anh em nhà Karamazov” và “Kiêu hãnh và định kiến” được bán với mức giá lần lượt là 39 triệu đồng và 30 triệu đồng. Trước đó, vào nửa đầu tháng 7, bản S100 của “Bố già” được bán với giá 85 triệu đồng, trong khi ấn bản chữ A “siêu đặc biệt” của ấn phẩm này được bán với mức giá... 260 triệu đồng sau gần 100 lượt trả giá.
Chế tác thủ công
Về cơ bản, những bản sách đặc biệt này có nội dung không khác gì những bản phổ thông. Nhưng về hình thức, những cuốn sách đặc biệt được đầu tư hết sức tỉ mỉ, gia công kỹ lưỡng bằng những chất liệu quý. Các bản sách S100 của Đông A có phần bìa được làm bằng da thật hoặc da nhân tạo, được nghệ nhân Nguyễn Đức Khuynh chế tác hoàn toàn thủ công. Trên bìa chạm trổ những hoa văn đẹp mắt. Phần logo tên sách được thiết kế riêng mạ vàng. Ruột in 2 màu trên giấy đẹp, có đóng dấu đỏ của Đông A và đánh số thứ tự từ 1 tới 100.
Theo ông Nguyễn Việt Thắng, đại diện Công ty cổ phần Văn hóa Đông A, để có được những bản sách đặc biệt này, công ty đã phải trải qua một quá trình học hỏi, tìm tòi, mày mò thử nghiệm khá tốn kém. “Trong những năm gần đây, sau khi Đông A Gallery được thành lập, chúng tôi cũng có cơ hội đi tìm hiểu về thị trường sách cổ và sách sưu tầm trên thế giới, tham quan các bảo tàng sách, công nghệ làm sách. Chúng tôi mong muốn Việt Nam cũng có những ấn phẩm, những bản sách đẹp như vậy. Đó là lý do chúng tôi nghiên cứu cho ra đời các ấn bản sách đặc biệt”, ông Thắng cho biết.
Thái Hà Books từng sản xuất 3 bản giới hạn cuốn “Hồi ức về kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX” bằng trúc chỉ, loại giấy đặc biệt có nguồn gốc từ chính mảnh đất Cố đô. “Cuốn sách tôi đang cầm đây là sơn mài bìa cứng, 100 bản bán trong 5 phút hết sạch. Chúng tôi còn 3 cuốn nữa làm bằng trúc chỉ, bán ở Hà Nội 2 cuốn và 1 cuốn ở Huế", TS Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Thái Hà Books hào hứng chia sẻ. Theo ông Hùng, từ “trúc chỉ”do giáo sư Bửu Ý đặt tên đã được đưa vào từ điển, được thế giới công nhận. Đấy là niềm tự hào của chúng ta, giống như từ “phở” và từ “bánh mì”vậy.
Theo họa sĩ Trần Đại Thắng, Giám đốc Đông A và cũng là một nhà thiết kế sách có tiếng, vì làm thủ công nên những bản sách đặc biệt mất rất nhiều thời gian mới có thể hoàn thành. Chẳng hạn như những bản sách đánh chữ “S” làm theo lối châu Âu cổ điển, khâu sách từng tép, xiết tay những chiếc gân trên gáy sách và để nguyên trong 24 giờ để định hình, sau đó mạ nhũ vàng trên da. Một số ấn bản có tờ gác thủy ấn phải đặt các chuyên gia làm thủ công từng tờ, mỗi tờ gác được tạo ra đều là duy nhất.
Sôi động cuộc chơi “sách đặc biệt”
Khởi xướng từ Đông A, hiện nay cuộc chơi “sách đặc biệt” thu hút rất nhiều nhà xuất bản và công ty sách tham gia. Đơn vị nào cũng đầu tư nhiều công sức, tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm thế giới để cho ra đời những ấn bản sách “có một không hai”. Chẳng hạn như Omega Plus có bản đặc biệt mạ vàng các cuốn “Leonardo Da Vinci”, “Napoleon Đại Đế”. Một số thương hiệu khác lại có thêm những sáng tạo riêng: Tri thức trẻ chỉ in 180 bản đặc biệt “Tam quốc diễn nghĩa, mỗi bản lại tặng kèm độc giả một tượng Quan Công. Thương hiệu Sống (thuộc Alpha Books) khi thực hiện 500 bản sách đặc biệt “Hà Nội quán xá phố phường” thiết kế kèm tranh pop-up để tạo hiệu ứng khi mở sách.
Ông Nguyễn Ngọc Quân, Giám đốc truyền thông Công ty cổ phần sách Thái Hà chia sẻ: “Dựa vào nội dung cuốn sách, sau đó chúng tôi sẽ tìm những chất liệu phù hợp với nó. Ví dụ như cuốn “Người thầy đầu tiên”, chúng tôi dùng lụa tơ tằm kết hợp với thêu tay. Hay là cuốn “Truyện cổ Andersen”, chúng tôi dùng giấy xoắn, nghệ nhân uốn những tờ giấy nhỏ thành bức tranh lớn, nhắm tới đối tượng các bạn nhỏ”.
Khi thị trường phát triển tới giai đoạn nhất định, sự đa dạng và hấp dẫn về nội dung không còn là tiêu chí duy nhất. Bởi thế, những bản sách đặc biệt nở rộ tại Việt Nam là điều tất yếu, bởi chúng vừa đáp ứng nhu cầu cao về thẩm mỹ của một số độc giả, vừa là cách nâng cao thương hiệu của một số đơn vị xuất bản lớn. Chịu chơi, dám đầu tư, các nhà xuất bản và công ty sách đang tạo ra một xu thế “sách đặc biệt - phiên bản giới hạn” đáng chú ý hiện nay./.
BOX: “Khi sở hữu những ấn bản đặc biệt, người mua thường hướng tới mấy giá trị: Thứ nhất, đó là những ấn phẩm có giá trị về mặt nội dung đã được công nhận qua thời gian, qua các bảng xếp hạng hay của chính bạn đọc; Thứ hai, khi sở hữu những tác phẩm như thế không chỉ là giá trị về mặt nội dung mà có thể gọi là một tác phẩm mỹ thuật cũng được, một tác phẩm nghệ thuật cũng được”. Nhà báo, nhà sưu tập sách Yên Ba. |