Nhà làm phim hoang mang vì những ngăn cấm mơ hồ của 'chiếc lưới' kiểm duyệt

Một số đạo diễn, nhà sản xuất, phát hành phim hàng đầu VN đã có những chia sẻ thẳng thắn về Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi đang được Quốc hội thảo luận.

 

Chiều 26/9, tọa đàm "Ai góp ý giơ tay lên" được giới làm phim tổ chức trực tuyến nhằm góp ý cho dự thảo Luật điện ảnh (sửa đổi). Dự thảo sẽ được trình Quốc hội vào tháng 10.

Sự kiện quy tụ các nhà làm phim: Phan Đăng Di, Phan Gia Nhật Linh, Nguyễn Hoàng Điệp, Nguyễn Hữu Tuấn, Charlie Nguyễn, Hồng Ánh, Nguyễn Vinh Sơn, Nguyễn Quang Huy, Trần Thanh Huy, Tạ Nguyên Hiệp...

Nhà làm phim không rõ đúng gì, sai gì...

Chủ đề nhức nhối được mang ra mổ xẻ tại sự kiện là quy chuẩn và sự minh bạch trong vấn đề kiểm duyệt tác phẩm điện ảnh.

Là thành viên Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện (gọi tắt là hội đồng duyệt phim), đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ về số phận khác biệt của 2 bộ phim "Miền ký ức" (đạo diễn Bùi Kim Quy) và "Vị" (Lê Bảo). Theo đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, 2 bộ phim đều là những tác phẩm tốt của điện ảnh Việt Nam đương đại. Nhưng "Miền ký ức" được cấp phép để tranh giải tại Liên hoan phim (LHP) quốc tế Busan (Hàn Quốc), còn "Vị" không còn cơ hội trình chiếu tại LHP này bởi lệnh cấm phổ biến với lý do có cảnh khỏa thân kéo dài. “Với tôi là vừa đủ, còn với người khác lại không. Sự đong đếm chỉ dựa trên cảm tính”, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp bày tỏ.

“Tôi xin khẳng định, phim "Vị" không hề có cảnh thô tục như lời một số cơ quan truyền thông đánh giá. Chúng tôi biết rằng ngôn ngữ điện ảnh của "Vị" và Lê Bảo là một ngôn ngữ điện ảnh khác biệt nhưng không hề dị biệt và thô tục. Sẽ không có 1 ai bỏ ra 7 năm cuộc đời để làm một bộ phim dung tục và sẽ không có một quỹ điện ảnh nào đầu tư cho một bộ phim như vậy. Lệnh cấm phát hành đã không hề dựa trên góc độ xem xét tính nghệ thuật của bộ phim", nhà sản xuất Đồng Thị Phương Thảo rưng rưng chia sẻ.

Là người có hành trình gần 10 năm lăn lộn cùng tác phẩm, Trần Thanh Huy - đạo diễn phim “Ròm” chia sẻ trải nghiệm đau đớn của mình trong quá trình kiểm duyệt phim. Anh được mời đến văn phòng Cục Điện ảnh Việt Nam tại Hà Nội để hội đồng cho cơ hội trình bày ý kiến của mình, không gian riêng tư không công khai và không thể biện luận và đấu tranh thêm. “Tôi nói ra tất cả những quan điểm của mình trong lần đó nhưng tất cả đều bị từ chối. Giống như toà án vậy đó".

Các đạo diễn, nhà sản xuất, phát hành phim hàng đầu Việt Nam hiện nay đã có những chia sẻ thẳng thắn về Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi đang được Quốc hội thảo luận những ngày qua.

Chia sẻ về việc các đề tài như chiến tranh, đời sống tâm linh… bị kiểm duyệt nhiều và không được phát hành, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho biết: Cần có một định nghĩa rõ ràng về “gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước”. Ví dụ trong trường hợp phim lịch sử nói về những cuộc xâm lược của kẻ thù với dân tộc ta có bị xem là gây hận thù giữa các dân tộc hay không?

Anh cũng cho rằng Luật Điện ảnh cần có quy định rõ ràng để phân biệt giữa mê tín dị đoan và vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo và văn hóa tâm linh. Quy định cấm “làm phim trái tự nhiên” đồng thời cũng tước đi một công cụ quan trọng của người sáng tạo, chính là đi ngược với tự nhiên để mở ra những chân trời mới trong kể chuyện. Hay với phim tiểu sử thì có phải xin phép các nhân vật, thậm chí chí là nhân vật trùng tên? Phan Gia Nhật Linh kể về tình huống "dở khóc dở cười" với việc xin phép nhân vật khi làm phim "Tiệc trăng máu": “Trong khi có câu thoại nói đùa: “Ủa, Ngô Thanh Vân nhắn tin cho anh hả?” hay “Đẹp như Ngọc Trinh!”, hội đồng duyệt cũng yêu cầu chúng tôi phải xin phép diễn viên Ngô Thanh Vân, hay xin chữ ký đồng ý của Ngọc Trinh”.

Không chỉ các nhà làm phim trẻ, những đạo diễn kỳ cựu của điện ảnh Việt cũng chia sẻ chung nỗi băn khoăn và bất lực trước kiểm duyệt. Đạo diễn Charlie Nguyễn- người từng trải nghiệm việc nhận án cấm phát hành với bộ phim “Bụi đời chợ Lớn” đau đáu với câu hỏi suốt nhiều năm làm nghề anh cũng không thể tự lý giải: “Nhiều khi tôi hoang mang về tính hợp lý khi kiểm duyệt, mình không biết nó hợp lý chỗ nào? Tôi bị nhìn như một người phản động, đem lại những điều xấu xa qua bộ phim của mình. Chúng tôi không hề nhận một văn bản cụ thể về việc sẽ sửa gì, chúng tôi sai gì, ở đâu để chúng tôi có thể chỉnh sửa bộ phim. Đến giờ này, tôi vẫn không biết cảnh nào trong “Bụi đời chợ Lớn” bị cho cổ súy bạo lực khi đây là một phim thuộc thể loại hành động võ thuật”. Đồng thời, theo anh, một nền võ thuật Việt Nam lâu đời nhưng lại không được khai thác, một cơ hội đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới đã bị hủy hoại.

Tất cả những ngăn cấm mơ hồ của chiếc lưới kiểm duyệt đã đẩy các nhà làm phim nhiều thế hệ vào thế “đúng cũng không biết mình đúng cái gì và sai cũng không biết là mình sai cái gì?” như nhà sản xuất Quang Huy nhấn mạnh.

Những đề xuất tha thiết và quyết liệt

Là thành viên trẻ nhất của Hội đồng kiểm duyệt phim quốc gia, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho biết nên bỏ tiền kiểm – tức là việc kiểm duyệt cho phim chưa có kế hoạch phát hành ở Việt Nam, đợi khi tham gia liên hoan phim quốc tế xong mang về chiếu thì chịu sự kiểm duyệt sau. Điều này nằm trong Công ước của UNESCO mà Việt Nam đã ký năm 2005, trong đó có điều là xoá bỏ tiền kiểm. “Đây là cơ hội giúp Việt Nam trả lời với thế giới.” – chị cho biết.

Từ chính tác phẩm “Vị” của mình gặp nhiều trắc trở trong quá trình phát hành, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn đề xuất việc cần có thêm mức phân loại độ tuổi, cụ thể là tạo thêm một hoặc vài phân loại độ tuổi cao hơn trần C18 hiện có trong dự thảo. Theo anh, phân loại độ tuổi là một công cụ văn minh và đã được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới, Việt Nam nên vận dụng nó sao cho hiệu quả cao nhất.

Nhà sản xuất Trần Bích Ngọc cho rằng, việc đơn giản hoá thủ tục thẩm định cấp phép, cân nhắc loại bỏ việc thẩm định kịch bản sẽ là bước tháo gỡ nút thắt đầu tiên quan trọng giúp điện ảnh Việt chủ động hơn trong việc hội nhập và hấp dẫn các đoàn phim quốc tế.

Các diễn giả có mặt cũng cùng ký chữ ký tượng trưng cho một bản kiến nghị chính thức sẽ được tổng hợp và biên soạn để gửi tới Quốc hội trong thời gian sớm nhất.

Nhà sản xuất Nguyễn Quang Huy có nhiều đề nghị với giới làm luật tại Việt Nam: Có một hội đồng duyệt phim tại thành phố Hồ Chí Minh, và Hội đồng cần có tiếng nói của nhà làm phim hoạt động thường xuyên trên thị trường phim thương mại. Cơ cấu hội đồng duyệt phim phải am hiểu văn hoá địa phương vùng miền, hoặc có đủ thành viên từ các địa phương. Nhìn vào luật có thể thấy đặc thù của điện ảnh luôn là hư cấu, nên cần có cơ chế linh hoạt hơn nữa cho các tác phẩm…

Tất cả để điện ảnh Việt Nam có một nền công nghiệp thật sự. “Với điều luật nặng cảm tính như các bạn đồng nghiệp vừa nêu thì thật khó để chuyên môn hoá, tự động hoá để có thể công nghiệp hoá” - nhà sản xuất cho biết.

Trong sự kiện, các diễn giả có mặt cũng cùng ký chữ ký tượng trưng cho một bản kiến nghị chính thức sẽ được tổng hợp và biên soạn để gửi tới Quốc hội trong thời gian sớm nhất./.

Hà Phương/VOV.VN
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận