Luật Điện ảnh: Làm khó các nhà làm phim

Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi đang làm 'nóng' dư luận, đặc biệt thu hút sự quan tâm của các nhà làm phim.

 

Tuy nhiên sự mơ hồ, thiếu rõ ràng trong Luật Điện ảnh và việc viện dẫn luật một cách tùy tiện từ Hội đồng Kiểm duyệt đã khiến các nhà làm phim Việt rơi vào thế "bị bắt chẹt".

Những quy định mơ hồ

Nhiều nhà làm phim cho rằng, hiện nay đang có quá nhiều quy định mơ hồ trong Luật Điện ảnh. Chẳng hạn, điều C - cấm tuyên truyền kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù kỳ thị giữa các dân tộc và nhân dân các nước. Theo đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, cần làm rõ thế nào là “gây hận thù giữa nhân dân các nước”. Đạo diễn nêu một ví dụ “cười ra nước mắt” cho thấy sự nhạy cảm quá mức của hội đồng duyệt phim. Bộ phim hoạt hình Minions suýt nữa không được chiếu ở Việt Nam, bởi vì trong phim đó có chi tiết các con Minions đi ăn cắp vương miện của Nữ hoàng Anh. Hội đồng duyệt cho là cảnh đó gây ảnh hưởng đến mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Anh, mặc dù đó là một bộ phim Mỹ. Và để phim được phát hành tại Việt Nam thì phải cắt cảnh đó đi”.

Một điều khác trong luật là “cấm tuyên truyền mê tín dị đoan”, nhưng thế nào là mê tín dị đoan thì lại không nói rõ. Một ví dụ hài hước khác, trong phim “Thưa mẹ con đi” có cảnh trong một đám giỗ xảy ra ẩu đả khiến con gà cúng bị rớt xuống đất. Hội đồng duyệt bắt bỏ chi tiết đó đi bởi cho rằng như vậy là đi ngược với truyền thống tôn giáo của dân tộc ta vì “gà cúng thì phải nằm trên bàn thờ chứ ai lại để dưới đất”!

Thêm một sự mù mờ, không rõ ràng nữa của Luật Điện ảnh nằm ở quy định “cấm tiết lộ bí mật đời tư cá nhân”. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho biết, anh đang làm bộ phim tiểu sử về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trong đó có rất nhiều nhân vật có thật, chẳng lẽ lại phải đi xin phép từng người được đề cập đến trong phim? Ở Mỹ có luật, những người nổi tiếng thì chấp nhận từ bỏ quyền riêng tư, những nhà làm phim có quyền làm về họ, miễn là không sử dụng hình ảnh thật và không dùng tác phẩm họ tạo ra. “Tôi sản xuất phim “Tiệc trăng máu”, trong phim đó, nhân vật của anh Thái Hòa có một người bạn tên là Thanh Vân. Trong một cuộc trò chuyện, các nhân vật nói đùa “cái này là Ngô Thanh Vân nhắn tin cho anh hả?”. Hội đồng duyệt bắt chúng tôi đi xin phép nữ diễn viên Ngô Thanh Vân và phải được diễn viên này đồng ý cho chúng tôi sử dụng tên đó thì mới cấp phép, mặc dù ở Việt Nam có biết bao nhiêu người tên là Ngô Thanh Vân? Trong phim đó nhắc đến Ngọc Trinh, xong cũng bắt chúng tôi phải đi xin được chữ ký của cô Ngọc Trinh. Tôi thấy những chuyện này quá vô lý”, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chia sẻ.

Một cảnh trong phim Tiệc trăng máu.

Còn vênh với các luật khác

Dường như đang có dấu hiệu lạm dụng quyền lực nhà nước trong công tác kiểm duyệt phim. Xin lấy câu chuyện phim “Ròm” của đạo diễn Trần Thanh Huy làm ví dụ. Đạo diễn Trần Thanh Huy kể, sau khi gửi phim đi duyệt, anh được mời đến văn phòng Cục Điện ảnh tại Hà Nội. Trong một không gian riêng tư, một vị là thành viên Hội đồng duyệt phim thời điểm đó đưa ra những lời khuyên rất cụ thể để Thanh Huy chỉnh sửa bộ phim của mình, nhưng đó chỉ là cuộc nói chuyện mang tính cá nhân, không được ghi chép trong một biên bản cụ thể nào. “Hành vi can thiệp đòi chỉnh sửa tác phẩm đã vi phạm Công ước Berne mà Việt Nam cam kết thi hành. Chúng ta vẫn nghĩ chuyện Hội đồng đòi can thiệp vào bộ phim, cắt bỏ hay chỉnh sửa gì đó là chuyện rất bình thường. Nhưng về pháp lý thì không đơn giản như vậy!", đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn phân tích.

"Trong Luật Sở hữu Trí tuệ, khi định nghĩa về quyền tác giả có ghi: “Tác giả được quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào”. Đây cũng là một diễn giải thêm từ định nghĩa quyền tác giả trong Công ước Berne mà Việt Nam là một thành viên (trong Công ước Berne ghi tại Điều 6 bis).

Có thể thấy, Luật Điện ảnh đang có độ vênh với Luật Sở hữu Trí tuệ và Công ước Berne. Để tự bảo vệ mình, theo đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn, các nhà làm phim cần tin tưởng và tìm hiểu kỹ luật trong nước: “Luật pháp chưa hoàn hảo, nhưng những nhà làm phim phải biết cách bảo vệ tác phẩm của mình. Chẳng hạn mỗi khi hội đồng thẩm định đưa ra một quyết định hành chính, chúng ta có cơ chế khiếu nại lên Thanh tra Bộ VH-TT&DL, thậm chí kiện quyết định đó lên tòa hành chính. Chúng ta phải tin vào hệ thống pháp luật nhà nước và biết cách sử dụng các công cụ đó để bảo vệ tác phẩm của mình”.

Rõ ràng, qua 14 năm thực hiện, Luật Điện ảnh năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) không còn phù hợp với tình hình thực tế. Việc sửa đổi luật là cần thiết bởi khi môi trường pháp lý hoàn thiện sẽ tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh ở nước ta./.

Năm 2019, Bộ VH-TT&DL đã trình đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) và được Chính phủ thông qua. Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm 8 chương, 52 điều, trong đó kế thừa, chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung 25 điều, quy định mới 27 điều so với Luật điện ảnh hiện hành. Vào tháng 10/2021, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV sẽ xem xét và cho ý kiến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận