Xung đột bản quyền giữa nhạc sĩ Giáng Son và BH Media Chuyện chưa hồi kết

Câu chuyện xâm phạm bản quyền giữa nhạc sĩ Giáng Son và đơn vị bảo vệ quyền lợi cho chị là VCPMC với công ty BH Media đang diễn biến khá phức tạp.

Bị "đánh gậy bản quyền" với chính sáng tác của mình

Gần đây, việc nhạc sĩ Giáng Son bị Youtube "đánh gậy bản quyền" với chính sáng tác của mình - ca khúc "Giấc mơ trưa" rất được chú ý. Chia sẻ với VOV, Giáng Son cho biết cô mới lập kênh Youtube 'Giáng Sol Offical' để đưa tất cả các bài hát cũ và mới của mình lên chia sẻ với mọi người, nhưng khi đưa ca khúc "Giấc mơ trưa" lên cô bất ngờ bị một đơn vị là BH Media thông qua Youtube "đánh gậy bản quyền".

"Vì biết Youtube dạo này làm rất chặt về bản quyền nên tôi đưa bài 'Giấc mơ trưa' do tôi sản xuất trong album 'Giáng Son' (2007) lên trước. Tức là mọi bản phối, bản audio đều là của riêng tôi, tôi chưa hề ký hợp đồng bán hay chuyển giao ca khúc này cho bất kỳ đơn vị nào khác", Giáng Son chia sẻ.

Sau khi "Giấc mơ trưa" ra đời năm 2007, nghệ sĩ đàn nhị Dương Thùy Anh từng xin bản phối "Giấc mơ trưa" để đi diễn và làm CD, do Hồ Gươm Video Audio phát hành. CD này sau đó đã được BH Media mua lại và phát hành trên các nền tảng số.

Vấn đề là, Hồ Gươm Video Audio chỉ là đơn vị được thuê phát hành CD của Dương Thùy Anh, không có cả quyền sở hữu lẫn tác quyền với sáng tác cũng như bản phối nhạc ca khúc “Giấc mơ trưa” (2 quyền này đang hoàn toàn thuộc về nhạc sĩ Giáng Son). Hồ Gươm Video Audio không thông báo cho Dương Thùy Anh cũng như Giáng Son mà đã bán lại quyền phát hành trên các nền tảng số cho BH Media.

BH Media nói gì?

Sáng 27/10, BH Media đã tổ chức họp báo để thông tin thêm về vụ việc này. Theo đơn vị này, trên YouTube có rất nhiều bản ghi “Giấc mơ trưa” của nhiều chủ sở hữu khác nhau. Ông Nguyễn Hải Bình, Giám đốc BH Media cho biết, thực ra đây chỉ là một cảnh báo rất thông thường của YouTube và chỉ cần nhạc sĩ Giáng Son hoặc VCPMC khiếu nại là BH Media sẽ xác nhận quyền tác giả cho cô.

"Thông thường khi phát hiện một bản ghi có dấu hiệu vi phạm bản quyền, YouTube sẽ tự động gửi cảnh báo bản quyền (mà ta vẫn quen thuộc với cách gọi "đánh gậy bản quyền"). Nó giống như một dạng "thẻ vàng cảnh cáo". Sau 3 lần bị thẻ vàng cảnh cáo thì kênh mới bị khóa. YouTube có nút Khiếu nại bên cạnh. Chỉ cần nhạc sĩ Giáng Son khiếu nại, chúng tôi sẽ lập tức xác nhận quyền tác giả cho cô", ông Hải Bình chia sẻ.

 

Chuyện chưa hồi kết

Diễn biến vụ việc đang ngày càng trở nên phức tạp. Một ngày sau khi BH Media tổ chức họp báo, trên trang cá nhân, nhạc sĩ Giáng Son viết: “BH Media đổ tại công cụ quét của YouTube là sai. YouTube chỉ cung cấp công cụ, người thực thi là network thông qua công cụ đó để thực hiện các hành vi cần thiết. Nếu hành vi đó là hợp lệ thì YouTube cho phép. Nhưng nếu đó là hành vi lạm dụng (như BH Media không xác minh rõ nguồn gốc tác phẩm) thì hành vi này là không được phép”.

BH chỉ được phép bật công cụ quét khi Dương Thùy Anh là chủ sở hữu độc quyền phần phối khí đó. Về quyền tác giả: Tôi không có hợp đồng gì với Dương Thùy Anh. Quyền hòa âm phối khí: Dương Thùy Anh xin từ người phối khí của tôi.

Như vậy, BH Media không những không xin lỗi tác giả, mà còn chỉ trích tác giả, lạm dụng tính năng quản lý nội dung mà YouTube cấp để làm sai, nhận vơ bản quyền. Tôi đã làm việc với luật sư của VCPMC và mọi việc sẽ rõ”.

Câu chuyện này vẫn đang diến biến phức tạp chưa có hồi kết. VCPMC cho biết, họ đang thu thập hồ sơ những nhạc sĩ khác cũng bị BH Media “cầm nhầm” tác quyền ca khúc, và sẽ tiến hành họp báo trong tháng 11 để thông tin đến dư luận. Nhạc sĩ Giáng Son và VCPMC cũng để ngỏ khả năng sẽ tiến hành các thủ tục pháp lý nếu cần./.

Anh Tuấn

 

Bình luận

    Chưa có bình luận