Văn hóa soi đường cho quốc dân đi
Ngay từ khi ra đời, kể cả trước khi giành được độc lập cho dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã coi trọng vai trò của văn hóa như một lực lượng quan trọng trong công cuộc giành độc lập, thống nhất cho dân tộc. Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 với 3 nguyên tắc: Dân tộc hóa - khoa học hóa - đại chúng hóa đã trở thành kim chỉ nam cho việc phát triển nền văn hóa cứu quốc.
Để lắng nghe ý kiến của đội ngũ văn nghệ sĩ, những chiến sĩ tiên phong trong lĩnh vực nghệ thuật, cách đây đúng 75 năm, ngày 24/11/1946, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ I được tổ chức với 200 nhà hoạt động văn hóa do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì. Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ II (1948) với hơn 80 văn nghệ sĩ tiêu biểu do các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương chủ trì.
Qua các hội nghị này, những tư tưởng quan trọng nhất về văn hóa như: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi; Văn hóa là một mặt trận, anh chị em văn nghệ sĩ là những chiến sĩ trên mặt trận đó; Chủ nghĩa Mác và Văn hóa Việt Nam... đã truyền cảm hứng cho những người làm việc trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật phấn đấu hết mình cho sự nghiệp cách mạng, hình thành nên một nền văn hóa cứu quốc, làm nên những chiến thắng vẻ vang cho dân tộc từ sức mạnh của văn hóa.
Văn hóa đứng trước nhiều thách thức trong thời đại mới
Kể từ khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, sự phát triển của nền kinh tế thị trường, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng đã đặt ra nhiều thách thức, cũng như thời cơ cho sự phát triển đất nước nói chung, văn hóa nói riêng. Vì vậy, phát triển văn hóa kiến quốc, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước hùng cường trở thành một nhiệm vụ trọng tâm, có tính đột phá.
Gần đây, tiếp theo việc ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ V (Ban chấp hành Trung ương Khóa VIII) năm 1998 về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, việc ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ IX (Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI) năm 2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra những cách tiếp cận, quan điểm và vấn đề mới đối với sự phát triển văn hóa.
Cùng với đó, việc xây dựng một Chính phủ hành động và kiến tạo đòi hỏi một tư duy mới về quản lý văn hóa, theo đó, quản lý văn hóa cần hướng tới sự chủ động hỗ trợ hoạt động văn hóa - nghệ thuật, tiếp cận gần hơn quy luật thị trường trong sản xuất, phân phối, tiêu dùng và hưởng thụ văn hóa.
Quan điểm văn hóa là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội, xây dựng thị trường văn hóa đi đôi với phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh để văn hóa thực sự là hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội, là những tư tưởng mới cần được thảo luận rộng rãi để lấy ý kiến các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý cho định hướng cụ thể phát triển văn hóa trong những năm sắp tới.
Văn hóa là một lĩnh vực rộng lớn. Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp lâu dài của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng, cần phải được thực hiện một cách kiên trì, thận trọng. Chính vì thế, việc tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc sẽ là một hội nghị Diên Hồng để lãnh đạo Đảng, Nhà nước đưa ra những thông điệp quan trọng về văn hóa, cũng như là cơ hội để huy động trí tuệ tập thể của đội ngũ văn nghệ sĩ, hiến kế phát triển văn hóa là hết sức cần thiết. Sau Hội nghị này, chắc chắn các quan điểm chỉ đạo, định hướng lớn cũng như các ý kiến tâm huyết sẽ thể chế hóa, giúp giải quyết những vấn đề thực tiễn trong phát triển văn hóa, con người Việt Nam, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội./.