Hãng phim sẽ có tiền đồ xán lạn

Các diễn viên, nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam tin tưởng với tầm vóc, bản lĩnh của VOV sẽ khôi phục danh tiếng hãng phim.

 

Quá khứ hoàng kim dần lùi xa

Hãng phim truyện Việt Nam do Bác Hồ ký quyết định thành lập từ ngày 15/3/1953. Tuy nhiên đến năm 1959, Hãng phim mới chính thức ra đời tại số 4 phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. VFS có bề dày truyền thống, được coi là cái nôi của điện ảnh cách mạng Việt Nam.


Hãng phim truyện Việt Nam số 4 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội

VFS đã sản sinh ra nhiều thế hệ nghệ sĩ nổi tiếng, có rất nhiều tác phẩm điện ảnh kinh điển, có giá trị lịch sử và nghệ thuật được công chúng trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Mỗi khi nhắc đến VFS, công chúng yêu điện ảnh trên cả nước lại nhớ đến những tác phẩm đã được xếp vào hàng kinh điển có giá trị đến tận ngày nay như: Chung một dòng sông (1959), Vợ chồng A Phủ, Con chim vành khuyên (1961), Chị Tư Hậu (1963), Nổi gió (1966), Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1972), Đến hẹn lại lên, Em bé Hà Nội (1974), Sao Tháng Tám (1976), Mối tình đầu (1978), Mẹ vắng nhà (1979), Chị Dậu (1981), Làng Vũ Đại ngày ấy (1982), Bao giờ cho đến tháng Mười (1984), Cô gái trên sông (1987)... Trong số đó nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng quốc tế.

Quá khứ hoàng kim là vậy, song bước vào thời kỳ kinh tế thị trường, trong khi sự lên ngôi của phim truyền hình và dòng phim thị trường rất phù hợp với thị hiếu của công chúng thì phim điện ảnh Việt Nam gần như thoái trào.

Đỉnh điểm của khủng hoảng tại VFS là quá trình cổ phần hóa thiếu minh bạch mà Tổng công ty cổ phần Vận tải Thuỷ (VIVASO) là chủ đầu tư. Thanh tra Chính phủ vào cuộc và chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm và vi phạm trong quá trình cổ phần hóa, buộc VIVASO thoái vốn khỏi VFS.

“Chọn mặt gửi vàng”

Ngay khi Thủ tướng gợi ý các đơn vị liên kết thì các nghệ sĩ tại VFS không do dự đồng lòng về dưới mái nhà VOV. NSƯT Quốc Tuấn: “Tất cả anh em nghệ sĩ đều mong muốn về với VOV. Anh em nghệ sĩ yên tâm vì anh Nguyễn Thế Kỷ là người có tâm và có tầm. Bên cạnh đó, anh em nghệ sĩ thấy đấy là đơn vị liên kết mạnh. VOV có phát thanh, kênh truyền hình, báo in, báo điện tử, đội ngũ biên tập viên, phóng viên chuyên nghiệp và cơ sở vật chất tốt nên nghệ sĩ chúng tôi có cơ hội làm nghề. Và thật lòng cảm ơn anh Thế Kỷ, đã ưu ái nghệ sỹ và rất dũng cảm nhận VFS trong bối cảnh như hiện nay. NSND Nguyễn Thanh Vân bày tỏ: “Đứng ở góc độ nghệ sĩ, chúng tôi mong muốn được cống hiến, được làm việc, có sản phẩm và có dự án phim điện ảnh để thực hiện đam mê. Sau lùm xùm kéo dài tại hãng, rất mong có một cơ chế nuôi dưỡng tinh thần tốt, để có sản phẩm tốt. Các nhà quản lý cần có tâm, có tầm nhìn về hướng đi thật đúng đắn”.

Cũng theo NSND Nguyễn Thanh Vân, VOV tiếp nhận VFS không thể tách rời được sự hỗ trợ của nhà nước, bởi các chỉ số của VFS đang về gần số 0 mà dồn lên vai VOV là quá nặng trong khi quá trình hồi phục có thể rất chậm trễ, và khó khăn cho cả hai bên.

Hiểu được tâm tư của anh em nghệ sĩ,  PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương cho hay: “Không nên đánh mất thương hiệu Hãng Phim truyện Việt Nam. VFS đã từng có lịch sử oanh liệt. Những nghệ sĩ lúc đó thực sự còn hơn cả thần tượng bây giờ. Điện ảnh lúc đó với nhiều người Việt thiêng liêng lắm. Khi thương hiệu VFS bị định giá 0 đồng, tôi không dám nhận xét, nhưng tôi không tưởng tượng nổi. Bề dày truyền thống của hãng không thể đo đếm được. Đó là tài sản vô hình, nhưng thực ra nó đồng hành với hãng hàng chục năm nay. Thương hiệu đó chỉ có người trong nghề mới biết”. 

Về vấn đề con người, ông Nguyễn Thế Kỷ đánh giá: “Vốn quý nhất của VFS chính là đội ngũ nghệ sĩ giỏi, để có được những người như thế phải mất hàng chục năm đào tạo. Tôi luôn nghĩ những con người đó cần được tạo điều kiện cả vật chất và tinh thần, với một môi trường làm việc dễ chịu, được tôn trọng, để tài năng của họ được phát huy”. Hiện VOV sở hữu một trường quay 1.500 chỗ ngồi tại phố Lạc Trung, do VTC đang quản lý, và hàng chục studio thu âm, có xưởng đạo cụ bề thế. Nơi đây vẫn có chỗ cất giữ và bảo quản đạo cụ làm phim.

VOV hiện có Ban Văn nghệ, Ban Âm nhạc, Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam với dàn nhạc bán cổ điển, dàn nhạc dân tộc, đoàn ca nhạc mới, đoàn dân ca và nhạc cổ truyền… Với tài nguyên như thế hoàn toàn có thể nâng nền công nghiệp truyền thông và điện ảnh lên.

Ông Nguyễn Thế Kỷ có ý tưởng xây bảo tàng điện ảnh tại số 4 Thụy Khuê. Người dân đến hồ Tây chơi có thể đến thăm bảo tàng điện ảnh Việt Nam. Ở đây sẽ có quán cà phê cho nghệ sĩ điện ảnh, gặp gỡ giao lưu, chiếu phim. Ông Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ, sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho Hãng phim truyện giữ vững và phát huy tiềm năng vốn có.

“Anh em nghệ sĩ mong muốn được liên kết với VOV và viết tiếp khao khát làm nghệ thuật trên mảnh đất thiêng liêng số 4 Thụy Khuê”, NSND Nguyễn Thanh Vân

 

 “Theo tôi, sử dụng nghệ sĩ không khó. Họ chẳng đòi hỏi nhiều, chỉ cần cho họ làm nghề, vừa có kinh tế để tồn tại và vừa có tiếng”, NSƯT  Quốc Tuấn 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận