Nhiều phim truyện phải rời lịch chiếu, nhiều dự án không thể về đích đúng tiến độ. Song đây cũng là một năm mà đời sống điện ảnh có nhiều hoạt động, nhiều vấn đề được quan tâm, xới xáo lên. Khoảng nghỉ này dường như cũng tạo điều kiện để các nghệ sĩ, các nhà làm phim nhìn lại mình, tạo đà cho những sáng tạo tiếp theo…
Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 22: Độc đáo nhưng không bất ngờ
Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 22 (từ 18/11 - 20/11 tại cố đô Huế) diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh trên cả nước. Nhiều cuộc hội thảo, giao lưu bị hủy. Khán giả ở Huế đến rạp xem phim trực tiếp. Còn khán giả cả nước theo dõi các giờ chiếu trực tuyến trên VTV Go. Lễ khai mạc và bế mạc Liên hoan phim được thực hiện tương đối gọn gàng, đảm bảo nguyên tắc 5k. Điều này làm giảm đi tính chất “hội” vốn tưng bừng ở các kỳ liên hoan trước, nhưng không bất ngờ, bởi chúng ta đã thích nghi với bối cảnh dịch bệnh Covid-19 trong gần 2 năm qua. Cả những giải thưởng gắn với các cá nhân, các tác phẩm được xướng tên trao giải cũng không gây bất ngờ. Một “Ranh giới” của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư (Trung tâm Phim tài liệu phóng sự Đài Truyền hình Việt Nam), giải Bông sen vàng hạng mục Phim tài liệu, từng lọt vào mắt xanh của Ban giám khảo từ trước đó. Một “Mắt biếc” của đạo diễn Victor Vũ (kịch bản chuyển thể từ truyện vừa của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh), Bông sen vàng cho phim truyện điện ảnh. “Mắt biếc” đẹp từng khuôn hình, với thông điệp nhẹ nhàng, khắc khoải nỗi buồn, là sự lựa chọn an toàn, kín kẽ của Ban giám khảo. Nhưng nếu hỏi “Mắt biếc” có đột phá không, có mới mẻ sáng tạo không, chắc câu trả lời sẽ là “không”. Giải Nữ diễn viên xuất sắc trao cho NSND Lê Khanh rất thuyết phục nhưng không phải sự kiếm tìm mới mẻ. Ngay giải thưởng Đạo diễn xuất sắc nhất xướng tên Trịnh Đình Lê Minh - một đạo diễn trẻ đầy năng lượng thì cảm giác vẫn chưa “đã”, bởi bộ phim “Bằng chứng vô hình” do anh đạo diễn là phim remake.
Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 22 là sự kiện lớn nhất, có sức thu hút nhất trong đời sống điện ảnh nước ta năm nay. Từ các hạng mục giải thưởng, từ các bộ phim tham dự, có thể thấy được diện mạo điện ảnh nước nhà trong 2 năm trở lại đây, đặc biệt trong năm 2021 này, cảm nhận nhịp thở, sự vận động, đời sống của các tác phẩm cũng như những nỗ lực sáng tạo của giới làm phim trong nước, ở một giai đoạn rất khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tất nhiên, không có ai mong muốn gặp lại một liên hoan phim có 1-0-2 như vậy ở lần sau. Và tất nhiên, là đợi chờ một liên hoan phim có vị đậm đà hơn, ở đó, điện ảnh thực sự được đặt ở vị trí trung tâm, được tôn vinh với những sáng tạo, bứt phá, để hậu liên hoan phim, chúng ta có nhiều điều trao đổi với nhau một cách rôm rả, chứ không rơi vào khoảng lặng như liên hoan phim lần này, khi cụm từ “thành công tốt đẹp” vốn đã quá quen thuộc tại nhiều kỳ cuộc.
Hệ thống rạp chiếu tồn tại cầm chừng, nhiều phim trăm tỷ được gọi tên
Từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, hệ thống rạp chiếu phim trên cả nước tồn tại khá vất vả, có những thời điểm phải đóng cửa kéo dài, hoặc khi mở cửa thì cũng thưa thớt khán giả. Nhưng ở thời điểm tháng 3 và tháng 4 năm nay, khi dịch Covid-19 tạm lắng, sự xuất hiện của những phim “nội” như Bố già, Lật mặt - 48 giờ, Chị mười ba… đã thổi bùng lên bao phấn khởi, hân hoan của những nhà làm phim gia nhập “Câu lạc bộ trăm tỷ”. Đặc biệt bộ phim Bố già (Trấn Thành, Vũ Ngọc Đãng đồng đạo diễn) lập kỷ lục doanh thu chưa từng có của phim Việt. Khi rời rạp chiếu trong nước, con số được công bố là hơn 400 tỷ, và đến giờ phim vẫn tiếp tục thu về lợi nhuận từ phát hành ở nước ngoài và trên các nền tảng số.
Tất nhiên, bên cạnh sự thành công của các phim trăm tỷ là sự thất bại của các bộ phim được đầu tư hàng chục tỷ đồng, với rất nhiều tâm huyết từ đạo diễn, nhà sản xuất. Có thể kể đến đầy đắng đót như: Võ sinh đại chiến, Kiều, Cậu vàng, Sám hối… Các phim này đều được ra mắt ở khoảng thời gian an toàn, dịch bệnh tạm lắng, nhưng không đạt thành công về doanh thu như mong đợi của nhà sản xuất. Cậu vàng bị tẩy chay. Võ sinh đại chiến rút lui trong ấm ức. Sám hối thì chìm nghỉm trong làn sóng truyền thông. Phim cổ trang Kiều (đạo diễn và sản xuất Mai Thu Huyền) dù được truyền thông rất kỹ và có bao mong chờ đầy thiện cảm, khi ra rạp lại chịu không ít búa rìu dư luận.
Từ các phim thương mại thành công hay thất bại về doanh thu, có thể nhận thấy phần nào “gu” thẩm mỹ của khán giả, đặc biệt khán giả trẻ. Họ đã dành sự quan tâm cho phim nội nhiều hơn. Phim chạm đúng thị hiếu, có sức hấp dẫn lôi cuốn trong mạch kể. Kỹ thuật làm phim, sự quảng bá cho phim chuyên nghiệp hơn. Thực tế cho thấy các phim thương mại nếu không đạt doanh thu cao trong tuần đầu, có những bình luận thiếu tích cực từ khán giả thì sẽ khó tạo hiệu ứng tốt ở tuần công chiếu sau.
Dự thảo Luật Điện ảnh - còn nhiều lắm những băn khoăn
Thời gian vừa qua, trong kỳ họp Quốc hội, Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã được bàn thảo nhiều ở hội trường và ở tổ. Các nghệ sĩ, nhà quản lý cũng đóng góp ý kiến phong phú qua các phương tiện thông tin đại chúng. Nếu không có gì thay đổi, tháng 5/2022, dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ được thông qua tại nghị trường.
Song, những băn khoăn từ phía người trong cuộc thì còn rất nhiều, ví như vấn đề tiền kiểm hay hậu kiểm. Tiền kiểm khi nào, hậu kiểm khi nào? Tại cuộc họp báo Giải thưởng Ngôi sao xanh năm nay, nhà phê bình điện ảnh Đinh Trọng Tuấn (Tổng biên tập Tạp chí Thế giới điện ảnh) ủng hộ tiền kiểm với các phim chiếu trên không gian mạng và các nền tảng số, bởi sự thay đổi, phát triển của công nghệ hiện nay quá nhanh, khả năng cập nhật và bao phủ rất lớn, vì thế, chúng ta không thể “chạy theo” kịp để tiền kiểm. Còn TS Ngô Phương Lan (Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển điện ảnh Việt Nam), ủng hộ tiền kiểm với phim chiếu rạp, phim chiếu trên truyền hình, và hậu kiểm với phim chiếu trên không gian mạng. Việc tiền kiểm với phim chiếu rạp, phim chiếu trên truyền hình tuân theo thông lệ quốc tế. Hội đồng duyệt phim Quốc gia gồm hơn 10 thành viên đã phải làm việc rất vất vả với hàng trăm phim ra rạp mỗi năm. Nay nếu phải duyệt thêm một lượng phim dài, phim ngắn gấp nhiều lần hơn thế thì sức người không kham nổi. Cũng theo TS. Ngô Phương Lan, việc hậu kiểm phim chiếu trên không gian mạng và các nền tảng số có thể kết hợp sử dụng các hàng rào kỹ thuật về âm thanh hình ảnh, giúp tự kiểm duyệt đối với đơn vị sản xuất, phát hành. Và tất nhiên, quy định tiền kiểm hậu kiểm như vậy, giới làm phim ra rạp sẽ cảm thấy rất thiệt thòi.
“Tiền kiểm” hay “Hậu kiểm” cũng chỉ là một khía cạnh trong rất nhiều góp ý với Dự thảo Luật điện ảnh (sửa đổi). Suy cho cùng, giới làm phim chỉ mong được tháo gỡ những vướng mắc, những nút thắt mà họ cảm thấy không đáng có, để họ được tự do hơn trong sáng tạo, có những cơ hội hợp tác tốt hơn ở trong nước và ngoài nước. Hợp tác điện ảnh cũng là một câu chuyện dù được khởi thảo từ hàng chục năm trước, nhưng đến nay vẫn dừng một chỗ. Trong một cuộc trò chuyện của giới làm phim, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc đã đưa ra con số đầy hấp dẫn lên tới hàng trăm triệu đô la lợi nhuận, khi các nước như Thái Lan, Hungary… mở cửa đón các đoàn làm phim quốc tế. Cùng lợi nhuận về tài chính thì họ cũng có thêm cơ hội rất lớn để quảng bá hình ảnh đất nước.
Lợi ích là có thật, và đầy tiềm năng. Song về phía những nhà quản lý, những nhà làm luật, họ cũng có những lý do riêng, những sự cân nhắc riêng, trên cơ sở đại cục. Lý tưởng nhất vẫn là sự hòa hợp từ hai phía: Phía quản lý và phía nhà làm phim.
Gần đây chúng ta nhắc nhiều đến các cụm từ như “công nghiệp điện ảnh”, “công nghiệp văn hóa”. Phát ngôn thì dễ, nhưng để đạt được, thì cần một hệ sinh thái phù hợp, cần những điều kiện về thổ nhưỡng, độ ẩm, không khí, và rất nhiều điều kiện chủ quan khách quan khác, theo một lộ trình phù hợp, khuyến khích sự sáng tạo và sức mạnh nội sinh./.
“Tiền kiểm” hay “Hậu kiểm” cũng chỉ là một khía cạnh trong rất nhiều góp ý với Dự thảo Luật điện ảnh (sửa đổi). Suy cho cùng, giới làm phim chỉ mong được tháo gỡ những vướng mắc, những nút thắt mà họ cảm thấy không đáng có, để họ được tự do hơn trong sáng tạo, có những cơ hội hợp tác tốt hơn ở trong nước và ngoài nước.
|