Dành tặng cha
Đó là hai trong nhiều câu thơ cha viết về nơi chôn nhau cắt rốn. Những câu thơ chân tình mộc mạc của người thầy giáo già thấm thía ý tình tha hương. Những câu thơ được viết lúc cuối đời, viết cho cháu, viết cho mình, viết để chống lại các lãng quên đang ngày một xuất hiện nhiều hơn trên vỏ não. Và, viết để thì thầm với lòng mình, về một ngôi nhà, một dòng sông, một tuổi thơ đi cùng bóng hình người mẹ sớm rời xa dương thế. Bao ảnh hình day dứt tưởng mờ nhòa đi theo nhọc nhằn cơm áo. Ở tuổi xế chiều, những ảnh hình ấy trở lại, đầy ắp, rõ ràng và đằm sâu thương nhớ.
Ngày chị em tôi còn nhỏ, mỗi dịp Tết về thăm quê nội, từ xa đã nhìn thấy dòng sông Đáy. Con sông rộng mênh mang, xanh ngăn ngắt. Mỗi lần có xà lan đi qua, sóng lại duềnh lên, mạnh mẽ ập vào bờ. Bến sông cuối năm tấp nập người lên xuống, tiếng cười đùa của người lớn, tiếng chí chóe của lũ trẻ choai. Các bà các chị ra sông gánh nước, rửa lá dong. Có người vừa đi làm đồng về, tay chân quấn xà cạp kín mít, tranh thủ vớt rong về nấu cám cho lợn. Đáy sông rất nhiều rong. Những sợi rong dài, nhớt. Bờ sông đá lởm chởm sắc cạnh.
Từ bờ sông, phóng mắt lên là con đê trải dài, nằm sừng sững hiên ngang. Hai bên đường đê ngập cỏ xanh và ánh sắc quỳ vàng. Trước khi biết đến hoa quỳ ở một nơi nào khác, thì hình ảnh những bông hoa to có mùi hăng hắc sống động dưới nắng đã in đậm nơi tôi. Đấy là hình ảnh rực rỡ nhất về quê nội, một miền quê vắng vẻ, đất đai màu mỡ, cỏ cây xanh tốt nhưng dân cứ mãi nghèo. Ở đó, có khu vườn mênh mông của ông bà nội, với những khoảng ao sâu tĩnh mịch, những bóng nhãn lực lưỡng, hàng chuối xanh um đan kết đầy bí mật, những cây chanh trĩu quả mọng nước nằm ven bờ ao. Trái tim của khu vườn là ngôi nhà cấp bốn lợp mái gianh trên nền đất ẩm. Trong ngôi nhà này bố và các anh chị em đã chào đời, lớn lên và trưởng thành, người ở lại, người trôi dạt tha hương, người hy sinh không về. Ngôi nhà cũng là nơi ông bà nội trải nghiệm buồn vui đời người, và trút hơi thở cuối cùng.
***
Trong hành trình chúng ta đang sống, hai tiếng quê hương mỗi lúc một trở nên thôi thúc hơn, đau đáu hơn. Giờ đây khu vườn mênh mông của ông bà nội được chia ra thành nhiều mảnh nhỏ, cho thế hệ F1, F2, F3, rồi sau này sẽ là F4, F5. Ao cũng được san lấp để mọc lên những ngôi nhà ba bốn tầng. Người đẻ chứ đất có đẻ đâu. Quê nội không còn mái nhà cấp 4 lợp gianh. Thay vào đó là nhà ống bê tông vững chãi tiện lợi, không sợ nắng mưa gió bão. Các khoảng xanh cây cối thu hẹp lại. Từng con ngõ trải bê tông thẳng tắp. Bờ dậu cúc tần được thay bằng tường xây gạch xỉ ngăn cách nhà nọ với nhà kia, cao vút. Nhà mới nhiều hơn. Phương tiện vật chất hiện đại phủ sóng khắp làng quê. Nhưng cảnh quê như hiu hắt. Thanh niên đã ra thành phố. Chỉ còn người già và trẻ nhỏ. Người già vừa nuôi trẻ lớn lên, vừa sống với miền ký ức xa xưa.
***
Tết năm nay tôi lại trở về quê cha. Từ khu vườn của ông bà nội, phóng tầm mắt ra xa lại gặp con đê sừng sững trải dài. Con đê vừa làm nhiệm vụ chống lụt vừa làm đường giao thông, in dấu chân bao lượt người đã đến, đã đi và ở lại. Đường đê không còn ghập ghềnh sống trâu ngày nắng, hay lầy lột bết bát ngày mưa. Một vài đoạn ven bờ sông ngổn ngang cát sỏi tập kết về, chuẩn bị cho những công trình xây dựng mới. Xà lan vẫn chạy, nhưng nó chỉ làm lòng sông thêm nặng nề. Dòng sông cuối năm nước cạn hơn, tĩnh hơn, hiu hắt. Người xa quê giờ đã lớn. Ký ức về một dòng sông mạnh mẽ phóng khoáng không mất đi, nhưng lại thêm một góc nhìn một góc nhớ về dòng sông hiện tại. Rặng quỳ vàng hai bên đê không còn nữa. Quỳ mọc lên ở đâu đó. Còn ở đây, nó đã biến mất tự khi nào, không ai nhớ.
“Nhật mộ hương quan hà xứ thị?*
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.”
(Trời về chiều tối, tự hỏi quê nhà nơi đâu?
Trên sông khói toả, sóng gợn, khiến người sinh buồn!)
Những người trẻ vẫn đang lớn lên và những người già thì già đi. Rồi một ngày nào đó, gốc gác quê hương chỉ còn như một ánh xạ. Những thế hệ F lại xác lập cho mình miền quê mới. Nhưng trong sâu thẳm tiềm thức, tiếng gọi từ gốc gác xa xôi vẫn trở về. Một tiếng gọi nhỏ và sâu, trong giấc mơ đầm nước mắt.
29/01/2021 (17 tháng Chạp Canh Tý)
*Thơ Thôi Hiệu đời nhà Đường (Trung Quốc)