'Cõi nhân gian': Bộ tiểu thuyết mang tính phản tỉnh

Nhà nghiên cứu phê bình văn học Văn Giá đã chia sẻ với phóng viên VOV về tác phẩm 'Cõi nhân gian' đang 'gây bão' dư luận.

 

Ông đánh giá như thế nào về bộ tiểu thuyết “Cõi nhân gian” gần 2.000 trang của nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành?

Tôi là người đọc trọn vẹn 8 tập bộ tiểu thuyết này, nên xin có một vài nhận xét sơ bộ sau đây.

Thứ nhất, nói về dạng tiểu thuyết, tôi cho rằng đây là loại tiểu thuyết thế sự xen lẫn với vụ án. Chứng cớ là ở vỉa thứ nhất, nhà văn đã phơi bày một cách đa dạng, phong phú và sống động đời sống xã hội nhiều mặt quãng những năm cuối thế kỷ XX đầu XXI, thậm chí cho đến tận bây giờ. Trong đó, tiểu thuyết bao quát và phơi bày những vỉa hiện thực lớn của đời sống. Tình trạng tha hóa của xã hội trên nhiều phương diện: Khả năng quản trị đời sống của những cá nhân và tổ chức xã hội bị lũng đoạn, bất lực, trong đó có nhiều nhân vật quan chức hư hỏng. Tình trạng làm ăn của một thời kinh tế thị trường hoang dã, nơi đó hầu như không có những cá nhân và tổ chức làm ăn tử tế, minh bạch. Tất cả chỉ là những quan hệ mafia, tranh giành, tiêu diệt lẫn nhau, mánh mung, đút lót, liên kết với những kẻ cầm quyền, không hề vì đất nước mà chỉ vì túi tiền cá nhân. Thương trường được miêu tả trong tiểu thuyết không chỉ sặc mùi tiền mà còn có cả những nhân vật thủ ác thôn tính lẫn nhau, tanh nồng mùi máu.Thêm nữa, giới trí thức bao gồm những cán bộ khoa học, quản lý, những nhà báo, nhà văn hầu hết cũng bị cái xã hội thực dụng trắng trợn làm cho hư hỏng dần, mất nhân cách dần, hư đốn dần theo những cám dỗ thông thường như: tình, tiền, danh, lợi, buông thả dâm loạn… Ở vỉa thứ hai, từ đầu đến cuối là những phi vụ làm ăn, có sự cấu kết giữa các nhóm xã hội đen với nhau, giữa xã hội đen với những kẻ cầm quyền có thế lực chi phối, định đoạt. Trong vỉa này, phần lớn các nhân vật hiện ra như những kẻ mưu mô, hiểm độc, sẵn sàng thủ ác giết người. Những nhân vật ông Tám, bà Tám, Yên, Sinh… đều là những kẻ có gan làm điều ác, bất chấp luật pháp và đạo lý, giết người không ghê tay. Đi theo mạch này, nhà văn phải xây dựng loại nhân vật mưu mô và nham hiểm. Cái cách dàn dựng, cài cắm tình tiết, gói mở, khiêu khích, tạo bất ngờ cho người đọc được tác giả tổ chức rất khéo, nên lôi cuốn được bạn đọc từ đầu đến cuối.

Thứ hai, bao trùm lên tất cả những hiện thực có tính quan hệ xã hội bề mặt kia, nhà văn đặt ra vấn đề nhân tính con người. Tại sao con người lại có thể lại ác đến như vậy? Làm sao có thể giữ được nhân tính/nhân cách trong một thực tại xã hội hỗn loạn, bạo lực và thực dụng như vậy? Liệu có cách nào để bảo vệ được những người tốt, thiện lương?...Trong ý thức xây dựng nhân vật, tác giả đã chủ động phá vỡ kiểu nhân vật nguyên phiến theo kiểu bổ đôi xấu/tốt, chính nghĩa/phi nghĩa, mà phần lớn các nhân vật có sự chung sống phức tạp của các loại phẩm hạnh. Ngay cả các nhân vật được coi là có khuynh hướng tích cực thì vẫn cứ lâm vào những sa ngã ít nhiều. Tuy nhiên, tinh thần chung trong việc xử lý, tác giả luôn có khuynh hướng đẩy các nhân vật cho dù xấu xa, đen tối đến mấy vẫn có lúc biết gia ân, cứu người hoặc phục thiện. Đặc biệt nhân vật người kể chuyện xưng ‘tôi” tuy không phải là khuôn vàng thước ngọc, cũng có lúc sa đà gái gú, ham hố chức quyền,… nhưng luôn biết ăn năn, gột rửa tâm tính. Đây là kiểu nhân vật tự ý thức, có khả năng phản tư chính mình. Nói rộng ra, tiểu thuyết này không chỉ mang ý nghĩa phơi bày mà còn mang ý nghĩa phản tỉnh xã hội, phản tỉnh cá nhân, phản tỉnh nghề nghiệp, làm nên âm hưởng “tiểu thuyết phản tư”.

Ông có cho rằng tác giả phải là người rất thạo làm ăn buôn bán trên thương trường mới có thể viết được về mảng kinh doanh, làm ăn như vậy?

Vâng, nói rộng ra, nhân vật “tôi” tên là Hương ấy dù ít nhiều vẫn mang tính “tự truyện”, nghĩa là tuy nhân vật hư cấu đấy, nhưng có sử dụng một vài thông số về con người tiểu sử của tác giả ngoài đời làm chất liệu miêu tả. Chúng ta không được phép đồng nhất nhân vật hư cấu với tác giả ngoài đời thực, nhưng đúng là nếu tác giả Nguyễn Phúc Lộc Thành không thạo các tri thức về thương trường liên quan đến các loại thủ tục như thành lập, liên kết, tính toán, giao kèo, hợp đồng, pháp luật/lách luật, cổ phiếu, cổ đông,… thì không thể có những trường đoạn tiểu thuyết được miêu tả kỹ lưỡng và thuyết phục đến vậy. Tôi cho rằng, cho đến nay chưa có một tiểu thuyết nào viết về giới kinh doanh hiện đại ở ta thành công như ở tiểu thuyết này. Nguyễn Phúc Lộc Thành viết về xã hội doanh nhân thuyết phục hơn bất cứ ai.

Nhà nghiên cứu phê bình văn học Văn Giá đánh giá cao tiểu thuyết  “Cõi nhân gian”.

Ông có ấn tượng về cách xây dựng, quản lý nhân vật của bộ tiểu thuyết này không?

Về hệ thống nhân vật, nhà văn tỏ ra khá vững tay trong việc quản lý nhân vật, lập các đường dây quan hệ cho các nhân vật, xây dựng tính cách nhân vật sao cho trở nên nhất quán và có cá tính. Ở đây, nhà văn đặc biệt thành công ở loại nhân vật “mưu mô”. Toàn các nhân vật trí lự, đầy toan tính, thực hiện những phi vụ “phi thường”, kiểu như ông bà Tám, Yên, ông Công, Sinh, kể cả nhân vật “tôi”. Ngoài ra, xét ở một quy chiếu khác, nhà văn cũng rất giỏi miêu tả các nhân vật nữ với những đường nét vững vàng, bảng màu riêng biệt, từ bà Tám đến Hồng Anh, Thảo, Hương, Hiền… Trong số đó, một số ngả về phía nhân vật mưu mô, một số ngả về tính dục. Trong sáng tác văn xuôi, thử thách lớn nhất là tạo ra được nhân vật tầm cỡ, đóng góp vào “xã hội nhân vật” của lịch sử văn học, khắc dấu vào đời sống tinh thần và văn hóa dân tộc. Đây là điều không dễ, và vẫn cứ là một vẫy gọi đối với các nhà văn xuôi hiện thời, trong đó có tác giả của Cõi nhân gian.

Có nhận xét cho rằng, tác phẩm này có tiết tấu nhanh quá, không có chỗ cho người đọc dừng lại để suy ngẫm, chiêm nghiệm. Ông có đồng tình với nhận định này?

Tôi cho rằng nhịp điệu trần thuật (kể chuyện) nhanh chậm là do chiến lược trần thuật mà nhà văn lựa chọn quy định. Trong tiểu thuyết này, tác giả chủ trương thiết lập trùng trùng điệp điệp các biến cố gối tiếp nhau, đan chéo nhau, móc xích vào nhau; nên các nhân vật phải chạy theo các biến cố. Chính vì thế, một khi đã lựa chọn chạy theo các sự kiện, biến cố thì câu chuyện bị kéo đi, không hoặc ít được trì hoãn. Nếu biết phối hợp giữa tăng tốc và trì hoãn sẽ tạo ra nhịp điệu trần thuật khi căng khi chùng, khi nhanh khi chậm, khi thong thả khi gấp gáp. Điều này cho phép tác giả có điều kiện đào sâu vào nội tâm nhân vật với tất cả những sự phong phú, bí ẩn, phức tạp của nó, với những ý thức, tiềm thức, vô thức, bản năng, giấc mơ, ám ảnh,… vốn có của con người. Chính chỗ này sẽ góp phần tạo nên chiều sâu và sự đa nghĩa cho tác phẩm. Một khi đã lựa chọn chiến lược trần thuật đi theo đường dây biến cố, chủ trương gây hấp dẫn ở “chuyện” thì tốc độ trần thuật nhanh là tất yếu. Bộ trường thiên tiểu thuyết này đặc biệt thành công ở cái tài tổ chức cốt truyện trên các biến cố, nhờ nó mà tạo nên sức hấp dẫn đối với bạn đọc.

Đọc tác phẩm, thấy nhà văn sử dụng khá nhiều yếu tố sex, trong đó có nhiều trường đoạn miêu tả rất bạo tay. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

Có thể có ai đó băn khoăn về vấn đề sử dụng yếu tố tính dục (sex) trong bộ tiểu thuyết này. Tôi thì cho rằng, tác giả Nguyễn Phúc Lộc Thành chủ trương sử dụng yếu tố sex đầy chủ động. Thứ nhất, ông coi dục tính như một phần cấu thành của con người và xã hội, nó hiện diện và chi phối hết thảy, nên nó tất yếu trở thành chất liệu miêu tả. Thứ hai, những trường đoạn miêu tả sex trong tác phẩm được tác giả bố trí khá hợp lý, nhờ vậy làm giảm độ căng của mạch truyện, khiến người đọc được giảm nhiệt, bớt căng thẳng, hồi hộp. Nguyễn Phúc Lộc Thành vốn là một người làm thơ, nên ông khá giàu có về ngôn ngữ, sử dụng ngôn ngữ khá tinh tế, đủ để đẹp và gợi, không khi nào rơi vào sự dung tục tầm thường. Nhiều trang miêu tả tình yêu trong mối hòa quyện tính dục rất đẹp và thiêng liêng. Đây cũng là một điểm thành công góp phần làm nên độ hấp dẫn của tiểu thuyết!

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện

Chung Hà thực hiện

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận