Khi Gen Z hát nhạc Trịnh

Các giọng ca Gen Z là những người gánh trên vai trọng trách kéo dài vòng đời cho các ca khúc nhạc Việt, trong đó có di sản âm nhạc Trịnh Công Sơn.

 

Cùng với phim điện ảnh Em và Trịnh, nhà sản xuất còn ra mắt thêm album nhạc phim (OST) với những ca khúc được làm mới qua các giọng ca trẻ Gen Z như: Avin Lu, Bùi Lan Hương, Hoàng Dũng, Mỹ Anh, Hoàng Duyên, Suni Hạ Linh, Juky San, Obito... trong dự án âm nhạc mang tên Gen Z & Trịnh.

Gen Z hát nhạc Trịnh: Chưa tới, chưa đã

Hai sản phẩm đầu tiên của dự án là Nhìn những mùa thu điTuổi đá buồn được thể hiện bởi 2 giọng ca được yêu thích: Mỹ Anh và Juky San. Tiếp đó lần lượt là Hoàng Dũng với Nắng thủy tinh, Hoàng Duyên x Obito với Mưa hồng... Tuy vậy, hiệu ứng của các ca khúc này dường như chưa được như kỳ vọng.

Nhìn những mùa thu đi phiên bản Mỹ Anh sau 1 tuần lên sóng chỉ đạt hơn 40.000 lượt xem. Sau 1 tháng, ca khúc cũng chỉ có hơn 600.000 views, kém xa những video 5 - 6 triệu lượt thường thấy của chính Mỹ Anh, chưa nói đến những MV top 1 trending YouTube. Tương tự, các MV của Juky San, Hoàng Dũng cũng chỉ có lượt xem ở mức 300.000 - 400.000, những con số cực kì khiêm tốn. “Chưa tới”, “chưa đã”... là cảm nhận chung của những khán giả khi nghe các ca sĩ Gen Z thể hiện nhạc Trịnh.

“Tôi là người rất hâm mộ nhạc Trịnh và hâm mộ những giọng ca để đời như Elvis Phương, Khánh Ly, Hồng Nhung... Thời gian gần đây, một thế hệ các ca sĩ trẻ Gen Z đã cover lại một số ca khúc nhạc Trịnh. Mới nghe họ hát tôi thấy đôi chút hụt hẫng vì không giống cảm xúc mình đã quen thuộc trước đây. Tôi có suy nghĩ thoáng qua là để ca sĩ trẻ hát thế này là làm hỏng ca khúc mất rồi!”, một khán giả chúng tôi gặp tại Phòng trà Trịnh Ca chia sẻ. Một ý kiến khác cho rằng, những giọng ca trẻ như Juky San hát nhạc Trịnh một cách nhẹ nhàng, thiếu chiều sâu, qua đó không lột tả được sự trĩu nặng trong nội dung bản gốc: "Tôi là một người nghe khá khó tính. Khi nghe các bạn Gen Z hát Trịnh, tôi thấy kỹ thuật xử lý của các bạn hơi đơn điệu và không tạo ra sự đột phá. Tôi rất hay nghe các thể loại nhạc như Jazz Swing hay R'n'B của nước ngoài. Và các bản phối mà giới trẻ Gen Z phối lại nhạc Trịnh theo 2 phong cách này, kết hợp chút lãng đãng hoài niệm,... làm cho tác phẩm nhạc Trịnh trở nên xa lạ, không tới được với cảm xúc của người nghe như tôi".

Thành công nhất trong số những ca sĩ hát Trịnh từ dự án này chính là Bùi Lan Hương.Áp lực của hát cover

Nhạc Trịnh luôn là một thử thách lớn dành cho bất kỳ giọng hát nào. Không phải vì độ khó về mặt nhạc lý, mà là những yêu cầu về mặt trải nghiệm sống và độ sâu trong cách truyền đạt nội dung, mà đây lại chính là điểm yếu của những ca sĩ tuổi đời còn rất trẻ.

Thành công nhất trong số những ca sĩ hát Trịnh từ dự án này chính là Bùi Lan Hương, thế hệ trên Mỹ Anh và Juky San một chút. Bùi Lan Hương sinh năm 1989, có nhiều trải nghiệm hơn, hiểu khán giả hơn, biết cách đưa vào những kỹ thuật phù hợp để vẫn ra chất nhạc Trịnh mà không mất đi bản sắc ma mị của dòng nhạc Dream Pop sở trường làm nên thương hiệu của cô. “Đương nhiên mình áp lực rất lớn. Phải hát làm sao cho nó vẫn ra được không khí ngày xưa, phải thay đổi từ vị trí đặt âm thanh đến cách phát âm, phát giai điệu sao cho phù hợp...”, Bùi Lan Hương chia sẻ.

Tham gia nhiều dự án cover nhạc, ca sĩ Hoàng Dũng chia sẻ, các ca khúc nhạc xưa đã từng có một đời sống cũ, việc cover là để tạo nên sự giao thoa giữa âm nhạc thời trước và thời hiện tại. "Hoàng Dũng thích những sáng tác của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn vì chúng mang màu sắc tươi vui. Ở trọ là một trong những ca khúc Hoàng Dũng thích nhất, nó mang màu sắc kiểu như mình đang vui chơi với cuộc đời. Những nghệ sĩ cover hay làm mới lại những ca khúc mọi người đã biết rồi đã trở thành một xu hướng. Nhưng Hoàng Dũng tin rằng, sự cố gắng của các nghệ sĩ có thể giúp những ca khúc đó trở nên thú vị hơn”.

Nhà sản xuất Huỳnh Quang Tuấn của dự án Gen Z và Trịnh chia sẻ, khi bắt tay vào thực hiện, từ producer cho đến các ca sĩ, anh đã tìm hiểu, nghiên cứu từng ca khúc để tìm ra cách thể hiện phù hợp nhất. Ekip quyết định rằng cần phải đem một tinh thần mới vào nhạc Trịnh, bởi nếu cứ hát giống như các thế hệ trước thì nó sẽ rất xa cách, khó giữ được cảm hứng để thu hút giới trẻ đến với nhạc Trịnh nhiều hơn. Vẫn là ca từ và giai điệu đó - nhưng được phủ lên tấm áo mới của Swing, Smooth Jazz, R’n’B,... kết hợp với cách hát đơn giản và mộc mạc, điểm nhấn sẽ đến từ giọng hát của người trẻ theo phong cách tự sự, tâm tình. Bản phối cũng được làm một cách tối giản để tôn giọng hát và cảm tác của các ca sĩ trẻ.

Vẫn biết, một sản phẩm âm nhạc khi mới ra đời chắc chắn sẽ tạo nên phản ứng trái chiều. Đó là điều ekip đã dự đoán từ trước, nhưng bằng cách vẫn tôn trọng một phần của tinh thần cũ, ca sĩ Orange hy vọng sẽ được công chúng đón nhận: “Nếu cải biên một ca khúc vẫn nên có sự tôn trọng nhất định với bản gốc, thì phần biểu diễn đó sẽ được đón nhận bởi một bộ phận. Bọn mình không chỉ hát lại, mà còn viết lại, viết thêm một số đoạn nhạc cho những bài hát đó. Những ca khúc đó sẽ mang màu sắc của bọn mình hơn, góp phần làm mới những bài hát mà mọi người nghĩ là nó quá cũ rồi”.

Xin mượn lời danh ca Khánh Ly, người hát nhạc Trịnh nổi tiếng để kết lại bài viết này: “Chúng ta cũng không nên ép mọi người phải đi đường này hoặc phải như thế này, phải như thế kia, nhất là trong nghệ thuật. Lớp trẻ bây giờ hát rất hay, họ có kỹ thuật, họ may mắn được học hành tới nơi tới chốn và không vướng bận... Hãy để cho họ hát. Hãy để cho họ tự do, hát kiểu nào cũng được miễn là họ yêu bài hát đó”./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận