Cuốn sách gồm 8 chương có nhan đề “Thơ Hồ Xuân Hương - siêu phẩm của tài năng thi ca” (Nhà xuất bản Trẻ).
Năm 2022, Tổ chức Văn hóa - Khoa học và Giáo dục (UNESCO) của Liên hiệp quốc vinh danh Hồ Xuân Hương - “bà chúa thơ Nôm” của Việt Nam là “danh nhân văn hóa thế giới”.
Trong “Lời nói đầu”, Giáo sư Hà Minh Đức tâm sự: “ Hơn nửa thế kỷ dạy học và nghiên cứu văn học, tôi tập trung vào việc nghiên cứu lý luận và văn học thời kỳ hiện đại. Tuy nhiên, lòng vẫn ngưỡng mộ và yêu thích văn học cận đại và trung đại. Những tác giả lớn của văn học cổ điển như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến,…luôn được quan tâm trích dẫn, liên hệ trong lý luận văn học và văn học sử… Không tự hạn chế mình, tôi chọn Hồ Xuân Hương một tác giả mà tôi yêu thích, một vấn đề cũng còn có chỗ để tìm hiểu, luận bàn…”
Trong chương mở đầu, Hà Minh Đức điểm qua những nhận xét, đánh giá về thơ Hồ Xuân Hương của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng hôm nay. Xuân Diệu gọi bà là “Bà chúa thơ Nôm”, “thiên tài”, “kỳ nữ”…Nhà văn Nguyễn Tuân thán phục “Chao ôi, Xuân Hương người đàn bà độc đáo vô song hiện thực trữ tình, cái hiện thực của sự sống đa âm đa dương”. Nhà thơ Chế Lan Viên nhận xét: “ Hồ Xuân Hương là một thiên tài hiếm có của dân tộc và của cả loài người”. Có lẽ hay nhất là lời của Xuân Diệu “Người đàn bà ấy đã cất tiếng lên và tiếng của nàng ai đã nghe thì không quên được, không quên nổi”.
Đã từng có những ý kiến về số lượng các bài thơ của Hồ Xuân Hương. Ở khảo cứu này, Hà Minh Đức đã tiếp thu các công trình nghiên cứu, tư liệu… của các nhà văn, thà thơ đi trước và có những ý kiến của riêng mình. Thật sâu sắc là những nghiên cứu của ông về “nghệ thuật thơ Hồ Xuân Hương”. Hà Minh Đức nhấn mạnh: “Thơ Hồ Xuân Hương là dòng thơ thuần Việt dùng rất ít điển cố Trung Hoa, thấp thoáng một vài từ Hán - Việt đã Việt hóa”. Bà đã sử dụng thành thạo hai thể thơ “thất ngôn bát cú” và “thất ngôn tứ tuyệt”. Những câu tục ngữ và thành ngữ trong tiếng nói dân dã vào đến thơ bà cũng đối xứng nghiêm chỉnh:
Cố đấm ăn xôi xôi lại hỏng/Cầm bằng làm mướn, mướn không công...
Theo Hà Minh Đức, với Hồ Xuân Hương, điều quan trọng nhất là “hiệp vần”. Với năm vần chân, thơ Hồ Xuân Hương gây ấn tượng mạnh mẽ và biến hóa đa dạng. Bà đã chọn những nguyên âm thích hợp liên kết với phụ âm tạo nên vần có “âm vang” phục vụ có hiệu quả cho chủ định của tác giả và tư tưởng của bài thơ. Các vần thơ đắc dụng như “ôm ênh”, “è (te)”, “eo” , “on”… trong các bài thơ “Quán khánh” hay “Tát nước” cảnh vật tưởng như khô khan đều được tạo cho sức sống gần gũi với con người: “Đứng chéo chân theo cảnh hắt heo/ Đường đi thiên thẹo quán cheo leo...”
Không chỉ có âm thanh, Hồ Xuân Hương nhìn cảnh vật đầy màu sắc “Thắp ngọn đèn lên thấy trắng phau”, “Trắng xóa tràng giang phẳng lặng tờ”, “Nảy vừng quế đỏ đỏ lòm lom”, “Xanh um cổ thụ tròn xoe tán”. Sự phối hợp giữa âm thanh và màu sắc tạo cho câu thơ náo nức, rộn rã như cuộc sống đang vận động, như thiên nhiên xao động. Theo Hà Minh Đức, đó là một trong những dấu hiệu của nghệ thuật thơ hiện đại. Hồ Xuân hương không biết đến Valery và Baudelaire (hai nhà thơ ảnh hưởng lớn đến phong trào “Thơ Mới” của Việt Nam) nhưng biết đến thơ hay phải có nhiều phẩm chất, đặc biệt là “hình ảnh” và “ngôn từ”. Bà là “bậc thầy của nghệ thuật ngôn từ”. Có thể tin rằng chương “Vấn đề nghệ thuật” của tập khảo cứu này sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn đọc hiểu thêm về tài năng nghệ thuật của Hồ Xuân Hương.
Cống hiến của Hà Minh Đức trong nghiên cứu thơ Hồ Xuân Hương còn thể hiện rõ trong chương cuối của tập khảo cứu “Thơ Hồ Xuân Hương - siêu phẩm của tài năng thi ca”. Ông nhận xét: “Trong địa hạt văn chương, Hồ Xuân Hương được các nhà thơ, nhà văn hóa thế giới hết lời ca ngợi nhiều hơn tất cả các nhà văn nhà thơ trong nước cùng thời và cả thế hệ sau. Đó là một “nhà thơ đa tài đa sắc, nhiều màu vẻ, vừa chính thống vừa trữ tình, vừa trào lộng nên không dễ và đã đạt được sự thống nhất hoàn toàn”.
Đây là một tập khảo cứu công phu về thơ Hồ Xuân Hương rất nên đọc và nên phổ biến rộng trong thư viện các nhà trường.