Đó là dự án “Việt Sử diễn họa”, một cuốn truyện diễn họa thể hiện góc nhìn của các bạn trẻ với nhiều sự kiện sử Việt như truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ, Mỵ Châu - Trọng Thủy...
Bỏ việc công ty để dành thời gian cho sách tranh
Lịch sử Việt Nam từ thuở hồng hoang với truyền thuyết con rồng cháu tiên đến năm 1945 - khi triều đại phong kiến cuối cùng chấm dứt được gói gọn trong 208 trang sách, được thể hiện bằng các bức vẽ dễ thương kèm minh họa ngắn gọn của họa sĩ Thanh Huyên. Tác giả chia sẻ: “Khi lựa chọn chi tiết và viết lời minh họa, tôi phải tham khảo rất nhiều tài liệu lịch sử như Đại Việt sử ký toàn thư, Việt Nam sử lược,... sau đó trích lại, hoặc có chỗ thì viết lại theo ý hiểu sao ngắn gọn, để trẻ con và những người không thích lịch sử cũng có thể đọc và hiểu. Ví dụ chuyện nhà Trần, câu chuyện kéo dài trong rất nhiều đời, tôi gói gọn trong 3 truyện: nhà Trần ban sơ, nhà Trần hưng thịnh và nhà Trần suy tàn; ngắn gọn trong 2 trang”.
Quá trình sáng tạo của Huyên bắt đầu từ viết lời trước, sau đó vẽ tranh. Tác giả chắt lọc những chi tiết, câu chuyện nổi bật nhất của từng giai đoạn, chuyển tải qua những tranh vẽ trau chuốt với màu sắc rực rỡ. Nữ họa sĩ 9x cho biết, vẽ là đam mê và được chị rèn luyện từ nhỏ. Chị mất 3 tháng dồn toàn tâm, toàn ý để thực hiện cuốn sách, thậm chí chị đã bỏ việc công ty để có thời gian dành cho "đứa con tinh thần”. Chị vẽ liên tục, có ngày lên đến 16 tiếng. Thanh Huyên vẽ tầm 100 tranh để minh họa cho 68 chuyện, mỗi chuyện kéo dài trong khoảng 1 - 2 trang.
Khi được hỏi về việc lựa chọn thể loại “diễn họa” thay vì “truyện tranh”, nữ họa sĩ 9x giải thích, vì thời gian hạn hẹp và muốn tập trung vào phần tranh vốn là thế mạnh, nên cô chọn hình thức “diễn họa”, bởi không cần cốt truyện quá chi tiết, không cần hội thoại giữa các nhân vật, mà chủ yếu là phần kể của tác giả ở ngôi thứ 3 kết hợp với tranh minh họa. Qua cuốn sách, bạn đọc sẽ được “mãn nhãn” với những trang phục, món bảo khí, đường nét trang trí,... để hiểu rằng, nước Việt ta từ xưa từng là nơi thắng hội, và trang sách ngày nay chỉ mong tái hiện phần nào nét đẹp đó. “Đam mê của tôi là hình các cung nữ, phi tần ngày xưa. Tôi thấy trang phục ngày xưa rất đẹp, chỉ thiếu hoa văn thôi. Giờ mình thêm hoa văn vào sẽ đẹp, chỉ cần lưu ý là đúng thời là được bởi không thể đem hoa văn thời Trần áp vào thời Lý được. Nói chung mình vẽ đẹp thì người ta sẽ thích đọc. Trước hết phải cho độc giả thấy là “à đẹp đấy”, sau đó mới đến có hay không. Vì đôi khi vẽ đẹp đấy nhưng nội dung không hay thì người ta cũng không xem” họa sĩ Thanh Huyên bộc bạch.
Là một cuốn sách kể chuyện lịch sử với hàng trăm nhân vật tất yếu sẽ phải hình dung ra diện mạo, tác phong,… chỉ cần sai sót một chút giữa các thời kỳ rất dễ khiến cuốn sách bị “ném đá”, đặc biệt trong bối cảnh mạng xã hội cực nhiều “anh hùng bàn phím” hiện nay. Dù biết có thể bị chê bai nhưng Thanh Huyên vẫn làm, bởi đó là đam mê của cô: “Bây giờ mình chỉ có thể phục dựng, phỏng dựng lại thôi, chứ không thể nào đúng y chang như lịch sử được, vì tư liệu hình ảnh thời đó mình đâu có đâu. Mình không thể biết chính xác thời xưa vua mặc gì, vì không có hình chụp”.
Ươm mầm tình yêu lịch sử cho giới trẻ
Là một tác giả trẻ, độc lập, Thanh Huyên khó có thể xuất bản tác phẩm nếu thiếu sự hỗ trợ của một đơn vị làm sách. Huyên đã tìm đến Comicola, một công ty sách chuyên về các ấn phẩm truyện tranh của họa sĩ người Việt do Nguyễn Khánh Dương đứng đầu. Cùng sinh hoạt chung trong cộng đồng yêu mến lịch sử Đại Việt cổ phong, Khánh Dương đã biết đến Thanh Huyên từ lâu và đánh giá cao tài năng của cô. “Huyên là họa sĩ có những tác phẩm ấn tượng. Khi bạn ấy gửi cho tôi bản thảo, tôi khá bất ngờ. Sau đó, tôi cùng các biên tập viên Comicola góp ý, chỉnh sửa để Huyên có được một tác phẩm tốt nhất. Điều quan trọng nhất của một tác phẩm lịch sử là phải có độ chuẩn xác, nghiên cứu chuẩn chỉnh và phù hợp với độc giả trẻ”.
“Việt Sử diễn họa” là tâm huyết của cả một ekip nên không có khâu nào bị xem nhẹ, từ chất liệu giấy in, màu sắc, hoa văn, thậm chí thiết kế thanh dấu trang,… đều được team bàn bạc kỹ lưỡng, lựa chọn phương án tối ưu. Mọi quyết định đưa ra đều với mục đích duy nhất là khiến độc giả hài lòng khi cầm cuốn sách trên tay.
Một điều thú vị nữa là, “Việt Sử diễn họa” được huy động tài chính theo kiểu “gọi vốn trước từ cộng đồng”. Đây là xu hướng khởi nguồn từ đầu năm 2010 tại Mỹ và được đánh giá là phương án tối ưu để những nghệ sĩ trẻ độc lập đưa tác phẩm của mình ra công chúng. Biên tập viên Nguyễn Khánh Dương, nhà sản xuất cuốn sách phân tích: “Nhờ sự ủng hộ của cộng đồng - những người yêu thích truyện tranh - chúng tôi đã có cơ sở để phát triển, sau đó chung tay giúp đỡ các nghệ sĩ. Điểm mạnh nhất của gây quỹ cộng đồng là giúp các bạn đánh giá được sức hút, sự quan tâm của công chúng với sản phẩm mình định làm. Bạn chưa cần phải in đến 3.000 bản sách, mà chỉ cần đưa những hình ảnh đẹp lên facebook. Nếu công chúng đón nhận, bạn sẽ biết sản phẩm được yêu thích và mạnh dạn làm. Nếu chẳng may dự án gây quỹ thất bại thì sẽ còn có thể dừng lại kịp thời, hoặc chỉnh sửa để làm hài lòng độc giả. Điều đấy an toàn hơn nhiều cho những bạn trẻ, tránh nguy cơ thua lỗ cho những đơn vị làm sách nhỏ như chúng tôi”.
Với một cuốn sách về sử Việt, đội ngũ tác giả mong muốn cuốn sách sẽ trở thành hạt giống ươm mầm cho tình yêu lịch sử của những người con đất Việt. Quá khứ đã ngủ yên, nhưng bài học từ các bậc tiền nhân sẽ còn mãi thông qua những sản phẩm như thế này./.