Điện ảnh thị trường và nỗ lực 'cất cánh'

Covid-19 như một phép thử và với điện ảnh, đó là phép thử của sự kiên trì, vượt khó để có được cơ hội làm phim và đến với đông đảo công chúng.

 

Ngày 28/12/2021, bộ phim “Rừng thế mạng” của đạo diễn Trần Hữu Tấn ra rạp, mở đầu cho sự trở lại của những bộ phim thương mại tại các rạp chiếu sau nửa năm đình trệ vì dịch bệnh covid 19. Cũng từ đó, trong hơn nửa đầu năm nay, đã có gần 40 bộ phim điện ảnh ra rạp, chứng tỏ những nỗ lực không nhỏ của các nhà làm phim và ekip vẫn cố gắng duy trì các dự án sản xuất trong những điều kiện khó khăn, phức tạp của dịch bệnh.

Tuy vậy, trước những thay đổi của thị hiếu khán giả, với những nhu cầu thưởng thức phim đa dạng, các nhà làm phim cũng phải có những điều chỉnh phù hợp. Sóng covid chưa qua, sóng thị trường đã ập tới, các nhà làm phim cần phải làm gì để vượt qua những khó khăn đó? Đây cũng là nội dung loạt phóng sự “Điện ảnh thị trường và nỗ lực cất cánh”

Khi nhớ về quãng thời gian cả nước giãn cách xã hội vì Covid 19, nhà sản xuất Hoàng Quân kể: "Có những dự án ngày hôm nay vừa bấm máy khởi động thì ngày hôm sau 50% anh em bị dương tính. Bình thường ekip có thể tập trung một chỗ nhưng với “Chuyện ma gần nhà” thì ekip phải tách ra làm 4- 5 vị trí khác nhau và mọi người làm việc với nhau thông qua bộ đàm. Tức là mọi người phải học cách tương tác với nhau theo một kiểu mới, làm việc với nhau theo một cách mới và có lẽ đó là những trải nghiệm không bao giờ quên." -

"Mình bắt đầu quay ở Đà Nẵng, cũng tính là quay hết ở đó nhưng sau gặp bão nên phải dừng lại. Sau đó lại bị covid nên cũng không quay lại Đà Nẵng để quay. Chúng tôi qua Di Linh, Vũng Tàu, nhưng cũng được 2-3 ngày thôi, cũng bị dịch luôn, không đi quay được. Bối cảnh đã dựng rồi nhưng phải dẹp lại, về Sài Gòn quay ở một phim trường." - Đạo diễn Hàm Trần chia sẻ.

"Tháng 5 năm 2021 bắt đầu giãn cách xã hội, kéo dài 6 tháng từ tháng 5 đến tháng 11. Mình và bạn dựng phim mới đầu còn đi đến phòng dựng nhưng sau đó nghe tin có thể giãn cách thì đã ôm máy về nhà, sau đó hai anh em ở với nhau 6 tháng trời." - đạo diễn Phan Gia Nhật Linh nhớ lại . Nếu như “Maika- cô bé đến từ hành tinh khác” là tác phẩm điện ảnh được thực hiện lâu nhất từ trước tới giờ của đạo diễn Hàm Trần thì với “Em và Trịnh”, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã phải thay thế một số cảnh quay ở nước ngoài bằng những cảnh kỹ xảo.

Các nghệ sĩ điện ảnh trong buổi ra mắt phim Em và Trịnh - Ảnh: thegioidienanhĐạo diễn Trần Hữu Tấn lại nhớ về những đồng nghiệp của mình, không ít người đã bỏ nghề, thất nghiệp vì dịch bệnh Covid 19: "Đặc thù anh em trong ngành phim đa số là lao động không có hợp đồng cố định như những ngành nghề khác nên khi dịch bệnh xảy ra, chuyện thất nghiệp là tất nhiên. Sau khi ổn định lại, một số anh em bỏ ngành. Có những người chuyển sang chạy xe ôm công nghệ hoặc về quê làm công việc khác. Thậm chí có những anh em bị một cú sốc tâm lý, không thể nào trở về nghề được."

Dịch bệnh Covid 19 khiến doanh thu rạp chiếu giảm sút, nhiều dự án phim bị đình lại, chậm ra rạp. Thói quen xem phim của khán giả cũng thay đổi, tác động trở lại với thị trường điện ảnh. Theo ông Nguyễn Cao Tùng, nhà sản xuất điều hành các phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Cô gái đến từ hôm qua”, thì cùng với những khó khăn của nền kinh tế, thói quen xem phim trên các nền tảng trực tuyến cũng phần nào hạn chế khán giả đến rạp: "Thị trường thay đổi nhanh hơn, cửa sổ cơ hội của khán giả coi VOD đến nhanh hơn bởi trong thời gian cách ly ai cũng coi VOD hết. Nên những nhà làm VOD có lợi, nhưng ngược lại số lượng khán giả đến rạp đang bị giảm sút."

Nếu như trước đây, ba ngày đầu tiên là ba ngày quyết định việc khán giả đến rạp thì bây giờ, khán giả sẽ phải chờ thêm những phản hồi về bộ phim trên mạng xã hội hoặc thông qua truyền miệng. Đây là những yếu tố mà các nhà làm phim không thể kiểm soát được sau khi bộ phim ra rạp: "Chúng tôi có thể tính toán về dàn diễn viên để đảm bảo yếu tố truyền thông, cũng đủ kinh nghiệm và kiến thức chuyên nghiệp từng bước nhưng cuối cùng khi bản phim ra và khán giả đón nhận, nó vẫn phải chấp nhận thử thách khắc nghiệt của ngành- tỷ lệ thành công của nó rất thấp."

Trong hai năm đại dịch, khán giả được tiếp cận với những nền tảng trực tuyến của thế giới, được xem những bộ phim truyền hình và điện ảnh chất lượng, với chi phí thấp. Khi trở lại rạp, nhu cầu của họ đã cao hơn và sự chọn lựa đương nhiên sẽ kĩ càng hơn như nhận định của nhà báo Nguyễn Phong Việt: "Bây giờ khi quay lại với những bộ phim Việt, đôi khi họ sẽ cảm thấy chi phí bỏ ra rất là cao nhưng đáp ứng mong đợi của họ lại quá ít. Nhưng chúng ta không thể nào đầu tư một bộ phim hời hợt và mong khán giả sẽ ủng hộ. Đó cũng là một cách sàng lọc những nhà làm phim không thực sự tâm huyết với thị trường và bước vào thị trường chỉ đơn giản là muốn kiếm tiền. Đôi khi chúng ta lại xem những hiểu biết của khán giả hơi kém nhưng thực tế, khán giả là những con người thông minh nhất. Nếu chúng ta hiểu khán giả cần gì thì khả năng thành công sẽ ở vị trí cao nhất."

Trong số những bộ phim ra rạp năm nay, có thể kể đến những bộ phim có doanh thu tốt như: Bẫy ngọt ngào, Chìa khóa trăm tỷ, Nghề siêu dễ, Chuyện ma gần nhà… Phim “Em và Trịnh” đã cán mốc 100 tỷ nhưng thực chất vẫn chưa thể thu hồi vốn. Không ít phim còn lại thất bại về doanh thu, điển hình như “Kẻ thứ ba”, “578- phát đạn của kẻ điên”, “Maika-cô bé đến từ hành tinh khác”… Cũng có những bộ phim dù gây được tiếng vang qua một số liên hoan phim trên thế giới nhưng cũng không thể thu hút khán giả đến rạp như kì vọng.

Đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình phác họa chân dung lớp khán giả mới: tâm lý đi xem theo đám đông là mấu chốt để phim ra rạp thành công hay không: "Ra rạp thì phải có cái gì thì người ta mới ra. Một bộ phim bình thường thì người ta có thể xem ở nhà. Bởi nó không có yếu tố để ra rạp, ví dụ âm thanh, hiệu quả về hình ảnh hay nội dung người ta cần bàn tán với thế hệ của mình."

Ở đất nước đông dân và dân số trẻ như nước ta, tiềm năng để phát triển thị trường điện ảnh là rất lớn. Khán giả Việt vừa khắt khe, vừa rất yêu phim Viêt và đó cũng là động lực để làm nên những bộ phim chất lượng, như nhận định của nhà sản xuất Hoàng Quân: "Một bộ phim nói riêng và một thị trường nói chung phải có sự cạnh tranh thì mới phát triển. Tôi vẫn tin như vậy. Khi bạn đẩy một lực thì phải có một đối thủ kéo một cái gì đó thì mới trở thành một trận đấu hay để cho khán giả thưởng lãm và sẽ kéo nhau đi lên."

Covid 19 như một phép thử và với điện ảnh, đó là phép thử của sự kiên trì, vượt khó để có được cơ hội làm phim và đến với đông đảo công chúng. Sự vượt khó ở đây được hiểu theo góc độ các nhà làm phim đang cố gắng tìm ra những con đường để tiếp cận khán giả. Điều đó cũng thể hiện ở những bước chuyển trong thị trường điện ảnh, đặc biệt là sản xuất nên những bộ phim phục vụ đông đảo khán giả, vừa tiệm cận với yếu tố nghệ thuật, vừa để chiếu rạp, vừa đưa lên các nền tảng mạng internet./.

Phương Thúy/VOV6

 

Bình luận

    Chưa có bình luận