Góp thêm góc nhìn mới
Cái lạ đầu tiên của “Đợi Kiều” là bên dưới khán đài đa phần là người trẻ đến xem. Vở diễn bắt đầu. Cả khán phòng lặng yên nghe những câu hát mang hơi thở đương đại được cải biên từ những câu thơ ai cũng thuộc nằm lòng trong Truyện Kiều. Cái quen lồng vào cái lạ, một làn gió mới tinh tế, khó bỏ qua. Trên sân khấu, bốn khung tranh lớn được dựng lên thể hiện thời khắc giao nhau của xuân - hạ - thu - đông. Ánh đèn rọi vào, nghệ sĩ múa Lê Mai Anh bắt đầu phần vũ đạo đương đại uyển chuyển để kể câu chuyện đời Kiều. Người hát, bóng múa. Đèn tắt, chuyển cảnh, chiếc bóng biến mất, thay vào đó là hình ảnh Thúy Vân xuất hiện trên sân khấu trong tiếng vỗ tay không ngớt của người xem.
Nói là “Đợi Kiều” nhưng xuyên suốt 90 phút của vở diễn, người xem chờ mãi chẳng thấy Thúy Kiều đâu. Kiều không xuất hiện, chuyện đời cô được kể trọn vẹn bởi 4 nhân vật quen thuộc trong kiệt tác của đại thi hào Nguyễn Du: Thúy Vân, Hoạn Thư, Giác Duyên, Đạm Tiên. Không than trách, phê phán, vở diễn mang đến một cách nhìn tích cực về đoạn đời đầy trắc trở của Thúy Kiều. Ở đó đủ đầy sự đồng cảm của những người phụ nữ dành cho nhau.
Nếu trong Truyện Kiều, đại thi hào Nguyễn Du cố ý khai thác vẻ đẹp bốn mùa thì trong “Đợi Kiều” TS Đào Lê Na, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM, tác giả kịch bản và đạo diễn của “Đợi Kiều” chọn khai thác truyện theo bốn giai đoạn của cuộc đời người phụ nữ. “Khi nhìn theo hướng đó tôi thấy rằng, hóa ra Thúy Vân chính là Kiều lúc trẻ, Hoạn Thư là Kiều lúc lập gia đình, Giác Duyên là Kiều trải qua những thăng trầm của cuộc đời và Đạm Tiên có thể là Kiều của kiếp trước hoặc kiếp sau. Ai rồi cũng trải qua quy luật sinh - lão - bệnh - tử”, TS Đào Lê Na chia sẻ.
Vì muốn khán giả cảm nhận rõ nhất sự chuyển động không ngừng của cấu trúc thời gian, khi đưa “Đợi Kiều” lên sân khấu, TS Đào Lê Na sử dụng tối đa ngôn ngữ dàn dựng để âm thanh, ánh sáng thỏa sức sáng tạo. Với vở diễn này, các quy ước của sân khấu cải lương hầu như được thay thế bằng nét mới. Chẳng còn mở đầu - cao trào - kết thúc như cấu trúc ba hồi của sân khấu cải lương truyền thống, “Đợi Kiều” là sự chuyển động không ngừng giữa bốn mùa với bốn mảnh ghép đời Kiều được kể bởi bốn nhân vật liên quan. Sự phá cách trong âm nhạc, sự xuất hiện xuyên suốt của múa đương đại, múa bóng tạo nên nét riêng cho vở diễn.
Đưa cải lương đến gần người trẻ
Nhà nghiên cứu lý luận phê bình đờn ca tài tử - cải lương Lê Hồng Phước, người chuyển soạn cải lương của vở “Đợi Kiều” chia sẻ, ngay từ đầu, anh đã bị ý tưởng mới lạ của kịch bản này cuốn hút. Vậy nên khi chuyển soạn, anh luôn cố gắng giữ tối đa câu chữ và các câu thơ từ Truyện Kiều được biên kịch chọn lọc kỹ càng, chỉ chỉnh sửa những phần cần thiết sao cho phù hợp với bản nhạc cải lương. “Cái khiến tôi thích thú khi làm việc với người trẻ chính là sự sáng tạo, can đảm thể hiện góc nhìn riêng”, TS Lê Hồng Phước chia sẻ.
Sau 2 năm thực hiện, “Đợi Kiều” đã tạo được dấu ấn khi lần đầu công diễn. Một vở cải lương khác biệt, độc đáo pha chút liều lĩnh khi thể hiện bằng hình thức độc diễn cho cả bốn vai với tạo hình, phong cách hoàn toàn khác nhau. Hồng Bảo Ngọc, 19 tuổi, quán quân Bông Lúa Vàng (2019) là gương mặt mà biên kịch - đạo diễn Đào Lê Na “chọn mặt gửi vàng” trong vở diễn đặc biệt lần này. Trước giờ công diễn, ngồi trong cánh gà, ngước mắt lên sân khấu, Hồng Bảo Ngọc vẫn thấy tim mình đập mạnh, lo sợ đủ thứ. Nhưng khi nhạc nổi lên, khi được đứng trước đông đảo khán giả với ánh đèn đủ sắc màu, Ngọc tập trung cao độ vào lời ca, điệu bộ, ánh mắt, nụ cười, sao cho diễn trọn vẹn nhất cả bốn màn. Vở diễn kết thúc bằng những tràng pháo tay kéo dài. “Hay lắm Ngọc ơi! Phần thể hiện rất tốt!”. Nhận lời khen từ người xem, Hồng Bảo Ngọc nở nụ cười hạnh phúc.
Tiến sĩ Đào Lê Na cho biết, điều chị tâm đắc nhất khi đưa “Đợi Kiều” lên sân khấu là góp thêm góc nhìn mới về Truyện Kiều theo cách rất riêng. Riêng với phần “ca”, những bài bản mới được ưu tiên, cách thể hiện cũng làm sao gần gũi nhất với người trẻ thời hiện đại. “Đợi Kiều” được tác giả kịch bản ví như cây cầu dắt những người trẻ đi những bước đầu vào sân khấu cải lương để thưởng thức những giai điệu truyền thống hơn, đặc trưng hơn trong tương lai. “Tôi muốn mọi người thấy cải lương vẫn có thể sang trọng, đẹp chứ không hề sến. Như việc chọn một diễn viên duy nhất cho “Đợi Kiều”, nhiều người nói là mạo hiểm nhưng với tôi điều đó thực sự cần thiết để tạo sự liền mạch của câu chuyện. Hay như thông điệp của vở diễn, tôi muốn mọi người tự do vẽ nên một Kiều cho riêng mình qua cách kể của các nhân vật”, tác giả kịch bản - đạo diễn “Đợi Kiều” cho biết thêm./.