Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI: Nỗ lực tạo thương hiệu

Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI là bữa tiệc điện ảnh với 123 bộ phim của 56 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Cuối tuần qua, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI đã kết thúc. 12 năm kể từ khi chính thức ra mắt bạn bè quốc tế vào năm 2010, Liên hoan năm nay đã có những thay đổi đáng kể cả về quy mô lẫn nội dung. Điều này cho thấy nỗ lực tạo dựng thương hiệu của điện ảnh Việt, góp phần vào sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa.

Được tổ chức trong bối cảnh điện ảnh nước ta đang trên đà phục hồi sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI đã thực sự trở thành bữa tiệc điện ảnh với 123 bộ phim của 56 quốc gia và vùng lãnh thổ. 70 đại biểu là các nhà hoạt động điện ảnh và các nghệ sĩ điện ảnh quốc tế cùng hàng trăm đại biểu trong nước tham dự. Với sự đa dạng về thể loại, phong phú về đề tài, lối thể hiện nhiều sáng tạo, các tác phẩm tham dự liên hoan đã mang đến cho khán giả Thủ đô cùng các đại biểu quốc tế những trải nghiệm sâu sắc, thú vị về lịch sử, văn hóa, đất nước, con người của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ.

Kết quả, Ban Tổ chức đã trao 12 giải thưởng cho các bộ phim, diễn viên, đạo diễn xuất sắc. Trong đó, điện ảnh nước ta góp mặt ở giải Phim ngắn xuất sắc nhất với bộ phim “Khu rừng của Páo” (đạo diễn Nguyễn Phạm Thành Đạt). Ban Tổ chức cũng đã trao giải Phim Việt Nam được khán giả yêu thích nhất trong Chương trình Phim Việt Nam cho bộ phim “Bố già” (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng).

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch) cho rằng: “Qua lần thứ 6 và tiếp theo, chúng tôi hy vọng đây sẽ trở thành thương hiệu trong chiến lược phát triển công nghiệp điện ảnh, công nghiệp văn hóa của Việt Nam, coi như đây sẽ là thương hiệu quốc gia của chúng ta đối với điện ảnh quốc tế”.

Cùng với quy mô tổ chức, yếu tố quan trọng khác để tạo nên thương hiệu cho một Liên hoan phim là uy tín. Uy tín thể hiện ở dàn khách mời, giám khảo và chất lượng những bộ phim mà Liên hoan phim quy tụ được. Sau 6 lần tổ chức, đến giờ, Ban Tổ chức Liên hoan phim quốc tế Hà Nội đã có thể liên hệ được với nhiều Liên hoan Phim uy tín, các đơn vị trung gian hoặc trao đổi trực tiếp với các nhà làm phim, các tác giả để mang về Việt Nam những bộ phim mới nhất, những tác phẩm có chất lượng tốt của điện ảnh thế giới. Đặc biệt, Ban tổ chức đã rất nỗ lực để Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội mang đậm dấu ấn bản sắc dân tộc, giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn về đất nước, con người và văn hóa - nghệ thuật Việt Nam.

Ông Park Ki Yong- Chủ tịch Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc đánh giá: “Qua liên hoan phim lần này tôi có được xem một số phim Việt phối hợp với các đối tác Hàn Quốc như Lottle, CJ, ENM,… Xem những phim này tôi thấy cũng cần có một số điểm cần sửa đổi cho hoàn hảo thêm nhưng về cơ bản cũng đang phát triển rất tốt và chỉ cần một chút nỗ lực thôi là điện ảnh Việt sẽ có thể phát triển”.

Tuy nhiên, để nước ta thực sự trở thành điểm đến của các sự kiện điện ảnh vẫn là câu hỏi mà nhiều người trăn trở. Theo đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn, thay vì tổ chức thường niên như các Liên hoan phim quốc tế trên thế giới, Liên hoan phim này chỉ tổ chức 2 năm/ một lần, đồng thời do ảnh hưởng của dịch Covid nên kinh phí tổ chức cũng bị thu hẹp lại. Sự ngắt quãng chính là điểm trừ trong việc đưa Liên hoan phim quốc tế Hà Nội trở thành một thương hiệu quốc tế.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn nói: “Việc tổ chức Liên hoan phim 2 năm một lần là một điểm yếu rất lớn về mặt quảng bá đối với một liên hoan phim. Khi tôi trao đổi với một số bạn bè quốc tế, khi nói chuyện về Liên hoan phim quốc tế Hà Nội thực sự họ không biết là gì, nhất là sự kiện 2 năm một lần nên cũng rất dễ bị người ta quên mất. Nó không định kỳ diễn ra một cách cố định nên mình cũng không biết lúc nào nó thực sự diễn ra để thông báo cho mọi người là chúng tôi sắp có Liên hoan phim này, các bạn hãy gửi phim đến đi. Về mặt quảng bá chúng ta đang có điểm yếu”.

Qua 6 lần tổ chức Liên hoan phim quốc tế Hà Nội đủ cho chúng ta rút ra những kinh nghiệm cũng như có cái nhìn tổng quát, khách quan về sự kiện này. Có thể thấy, chìa khóa để nền điện ảnh của một quốc gia thành công không chỉ ở các tác phẩm đặc sắc mà còn là cách quảng bá. Điện ảnh nước ta có tiềm năng để hội nhập với khu vực và thế giới nhưng để làm được điều đó, cần sự hỗ trợ nhiều hơn ở khâu quảng bá, trong đó, có việc nuôi thương hiệu Liên hoan phim quốc tế Hà Nội trở thành thương hiệu của điện ảnh Việt/.

Minh Châm/VOV6

Bình luận

    Chưa có bình luận