Những con số biết nói
Báo cáo đánh giá 5 năm triển khai, thực hiện Quyết định tại Hội nghị trực tuyến đánh giá 5 năm triển khai, thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg, ngày 08/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ "Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" do Bộ VHTT&DL tổ chức, ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả - Bộ VHTT&DL cho biết, phát triển công nghiệp văn hoá đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, thu hút nguồn lực, đóng góp vào tăng trưởng của mỗi quốc gia. Đồng thời, công nghiệp văn hóa góp phần định vị thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế. Theo số liệu thống kê và đánh giá của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tính đến năm 2018, ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đã đóng góp doanh thu khoảng 8,081 tỷ USD, tương đương 3,61% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Điển hình ở lĩnh vực điện ảnh, năm 2019 tổng doanh thu đạt trên 4,1 nghìn tỷ đồng (tương ứng khoảng 178 triệu USD), trong đó, phim điện ảnh Việt Nam chiếm khoảng 29% doanh thu với khoảng 1,15 nghìn tỷ đồng (khoảng 50 triệu USD). Đây là năm doanh thu điện ảnh Việt Nam vượt mục tiêu đề ra trong Chiến lược (mục tiêu đề ra tại Chiến lược đến năm 2020 đạt khoảng 150 triệu USD; phim Việt Nam đạt khoảng 50 triệu USD).
Ở lĩnh vực du lịch văn hóa, năm 2019, tổng thu từ khách du lịch đạt 720.000 tỷ đồng, năm 2021 là 180.000 tỷ đồng (doanh thu giảm do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19). Năm 2022, doanh thu ước đạt 495.000 tỷ đồng. Ở lĩnh vực quảng cáo, năm 2019 doanh thu quảng cáo trên truyền hình đạt 45 tỷ đồng, hoạt động quảng cáo ngoài trời là 1.445 tỷ đồng, internet là 16.662 tỷ đồng, tổng doanh thu quảng cáo trên các phương tiện là 65.408 tỷ đồng. Năm 2020, doanh thu từ hoạt động quảng cáo của các đài phát thanh, truyền hình đạt khoảng 7.250 tỷ đồng.
Ở lĩnh vực thương mại, tính đến nay, cả nước có khoảng 1.926 làng nghề đã được công nhận đang hoạt động. Mức độ tăng trưởng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ trong những năm qua khá cao, đạt bình quân khoảng 10%/năm. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đạt trên 2,35 tỷ USD, trong đó có một số mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn như: các sản phẩm gốm sứ đạt 539 triệu USD; sản phẩm mây tre cói thảm đạt 484 triệu USD; sản phẩm thêu, dệt thủ công đạt 139 triệu USD. Hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, Nhật Bản và Châu Âu….
Với những kết quả bước đầu đạt được, mục tiêu đến năm 2030, các ngành công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp 7% GDP, phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại tất cả các ngành công nghiệp văn hóa một cách bền vững, ứng dụng công nghệ tiên tiến; các sản phẩm, dịch vụ văn hóa có thương hiệu uy tín trong khu vực và quốc tế, đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển và tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ văn hóa toàn cầu. Các ngành công nghiệp văn hóa sẽ tăng trưởng mạnh, tạo ra hiệu quả kinh tế, thúc đẩy, quảng bá các giá trị văn hóa của Việt Nam ra toàn thế giới.
Vẫn còn những điểm nghẽn cần tháo gỡ
Đánh giá cao nỗ lực của các đơn vị liên quan trong phát triển các ngành công nghiệp văn hoá thời gian qua, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng nhận định, Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp văn hoá. Tuy nhiên Bộ trưởng cũng lưu ý, không được phép hài lòng với những gì đã đạt được mà phải tiếp tục nỗ lực cụ thể hoá đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển các ngành công nghiệp văn hoá thành hành động cụ thể, nhằm đạt được nhiều hơn nữa thành công.
“Chúng ta vẫn còn những tồn tại trong phát triển lĩnh vực này. Một trong những vấn đề chúng ta cần nhìn nhận lại là vai trò của Nhà nước trong phát triển công nghiệp văn hoá. Nhà nước chỉ đứng ra định hướng, có tính chất vốn “mồi”. Còn lại sản phẩm văn hoá được làm ra phải là do nhân dân, doanh nghiệp thực hiện. Đây là xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới. Nếu làm ngược lại, chúng ta sẽ khó có những sản phẩm của công nghiệp văn hoá đúng với mong đợi” – Bộ trưởng Bộ VHTT&DL nhấn mạnh.
Phát biểu tại Hội nghị, PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng đã nêu ra một số điểm nghẽn cần tháo gỡ trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam. Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, hiện nay, việc quản lý sự phát triển của lĩnh vực văn hóa nói chung, công nghiệp văn hóa nói riêng, có liên quan đến nhiều ban ngành, nhiều khi chồng chéo trùng lặp về chức năng nhiệm vụ, dẫn đến câu chuyện văn hóa không chỉ là thẩm quyền riêng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mà cần sự hiệp lực tổng hợp của nhiều bộ ngành khác.
“Việc đặt quản lý các ngành công nghiệp văn hóa thuộc phạm vi của Cục Bản quyền tác giả cũng tạo ra mâu thuẫn khi công nghiệp văn hóa rộng hơn bản quyền tác giả; Hệ thống các thiết chế và cơ sở vật chất cho hoạt động văn hoá nhìn chung vẫn ở tình trạng xuống cấp, chắp vá, thiếu đồng bộ và hiệu quả sử dụng còn thấp; Thị trường văn hóa nhìn chung mới tập trung nhiều ở các thành phố lớn trong khi tại các vùng nông thôn thị trường văn hóa chưa phát triển; Việc phát triển các tổ hợp sáng tạo và mạng lưới ngành còn kém phát triển khi so sánh với các quốc gia khác;…”
Từ những điểm nghẽn nêu treen, PGS. TS Bùi Hoài Sơn cũng đã đưa ra một số giải pháp nhằm tháo gỡ như: Đẩy mạnh các chương trình giáo dục mang tính sáng tạo, phát triển của các kỹ năng chuyên môn, và các trường đại học mang định hướng doanh nghiệp nhiều hơn, liên ngành và hợp tác hơn, phát triển các chương trình dạy kỹ năng kinh doanh cho công nghiệp sáng tạo; Phát triển nguồn nhân lực sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật; Phát triển thành phố sáng tạo bằng cách tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO; Mở rộng thị trường công nghiệp văn hóa ra bên ngoài Việt Nam;…
CTV Kim Nhung/VOV.VN