Mùi Tết

Những ngày áp Tết luôn khiến người ta chộn rộn, nhất là sau ngày rằm tháng Chạp, cảm giác Tết đang đến thật gần.

 

Xa quê, lại nao nao muốn về, quay quắt nhớ những ngày Tết xa ngái trong căn nhà của mẹ.

Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, với đám trẻ con nhà nghèo chúng tôi, Tết là một sự kiện mong đợi nhất vì được ăn ngon, mặc áo đẹp, nhận lì xì.
Tôi nhớ như in luống hoa lay ơn và thược dược mẹ trồng trước sân, qua ngày Rằm tháng Chạp, hoa bắt đầu lên nụ, chờ đón Tết rộn ràng với đủ sắc màu. Ngày ấy chưa có các loài hoa đắt tiền như bây giờ nên hoa thược dược, lay ơn, cúc vạn thọ được các bà các mẹ nâng niu lắm. Mẹ chăm từng cây hoa, chờ đến Tết bung nở thắm tươi, điểm tô cho căn nhà thêm ấm cúng. Mẹ bảo "Nhà mình nghèo nhưng không vì thế mà không trồng hoa, chơi hoa. Ngày Tết có hoa cho thêm tươi thắm, vui vẻ. Tinh thần quan trọng lắm con à".

Niềm vui của chị em tôi giản đơn như thế, khi nhìn luống hoa mẹ trồng đơm bông, hít hà hương hoa chanh hoa bưởi trong vườn bắt đầu nở trắng. Em bảo "chị quên hương mùi à, đằng góc vườn kìa, mẹ để dành nấu nước tắm đấy". Chị em tôi hái một bông đưa lên mũi hít hà, hương mùi già thật dịu, thanh khiết quá. Nhớ làm sao cái nồi nước mùi già khi nấu lên, xộc vào mũi cái vị thơm nồng, quyến rũ. Mẹ tôi dặn chị em tôi tắm thật kỹ, để mùi thơm lưu trên da, đón năm mới thật tinh tươm, thơm tho, gọn ghẽ.

Cái Tết đủ đầy, tròn vẹn là nhờ bàn tay mẹ, trông cậy vào mẹ. Tôi nhớ quá đêm 30, mẹ tất bật mâm cỗ cúng gia tiên, làm bánh trái cúng giao thừa. Quê tôi có món bánh ngào truyền thống, nhà nào cũng làm để cúng giao thừa. Không thể nào quên mùi thơm ngào ngạt của bánh, nó váng vất trong trí nhớ của tôi mỗi dịp xuân về. Mùi của nếp thơm, mật mía, gừng cay quện vào nhau, lan toả khắp căn nhà. Tôi gọi đấy là mùi của đoàn viên vì nó kéo chúng tôi xúm xít lại, đón từ tay mẹ bát bánh ngào nóng hổi, thổi phù phù rồi đưa lên miệng cắn, vị thơm của bánh phủ mật ngọt ngào, tan chảy trong khoé miệng. Bố bảo bánh ngào là kết tinh của tinh tuý đất trời, của nếp, mía và gừng kết hợp lại, làm nên món bánh ngọt ngào, thơm lừng. Cúng bánh đêm 30 dâng lên tiên tổ cầu mong một năm ngọt ngào, thơm tho, tròn đầy.

 Mùi hương trầm từ ban thờ toả ra dìu dịu, lan khắp căn phòng ấm cúng. Bố mẹ và hai chị em tôi chắp tay thành kính trước ban thờ, giao thừa là thời khắc thiêng liêng mà gia đình chúng tôi đã chứng kiến bên nhau, trong căn nhà nhỏ này, suốt cả quãng ấu thơ trong trẻo.

 Tôi nhớ lắm hình ảnh phong pháo Bình Đà bố treo ngoài cây bưởi, chờ đồng hồ điểm O giờ, bố sẽ đốt. Ngày ấy nhà nước chưa cấm đốt pháo nên nhà nào cũng chuẩn bị mấy phong, cả xóm đốt rộn ràng. Làm sao mà quên được tiếng pháo đì đùng dội từ bốn phía căn nhà, nghe tiếng pháo giao thừa sao mà chộn rộn. Trẻ con chúng tôi hò hét inh tai, vỗ tay không ngớt. Tiếng pháo, mùi thuốc pháo, xác pháo đã in sâu vào ký ức tôi, nó gợi một cảm giác thật khó tả, vừa hưng phấn, vừa vui lại vừa buồn. Buồn không biết từ đâu nữa. Mùi Tết xưa gợi lại đủ đầy phải có sự góp mặt của mùi thuốc pháo Bình Đà ngày ấy, đến nỗi mà nó theo tôi vào trong giấc mơ thảng thốt, ngỡ như mình đang bé lại, hóng chờ phong pháo đỏ đêm 30 năm nào bố đốt vui tai. Tiếng pháo làng trên xóm dưới rộn ràng đón Tết là một phần ký ức của đám trẻ con chúng tôi ngày ấy.

Có lẽ càng có tuổi, người ta thường sống với ký ức nhiều hơn, nhớ thương những ngày Tết nghèo khó mà đượm thắm tình thân ấm cúng, vui vầy. Luống hoa xuân, phong pháo Tết, mâm bánh thơm lừng, hương trầm đêm 30… tất cả là mùi Tết đoàn viên sum họp, yêu thương đong đầy, mẹ nhỉ!

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận