Đầu tháng Chạp, mẹ cùng cha lo quét vôi cho căn nhà nhỏ. Quét vôi là công việc vất vả, nếu không làm sớm mà đợi cận Tết mới làm thì sẽ rất cập rập. Lớp vôi trắng xóa đi dấu vết nghịch ngợm của anh em tôi: những nét vẽ bằng gạch non, vết bút bi bút mực,vết lấm bẩn trên tường. Ngôi nhà được khoác áo mới, bên trong bên ngoài bừng sáng, làm ấm cả chiều đông.
Giữa tháng chạp, mẹ lo đong gạo trút vào chiếc chum sành. Ngày Tết, vại gạo phải đầy. Ký ức những tháng ngày bao cấp tem phiếu luôn trở về trong mẹ. Gạo, mắm, muối là những thực phẩm luôn có sẵn dự phòng.
Tuần cuối tháng chạp, là tuần tổng vệ sinh. Mẹ hô hào cả nhà nhập cuộc. Bố sẽ khua khoắng mạng nhện nhà trên nhà dưới, lau dọn ban thờ tổ tiên. Mẹ vơ quần áo chăn màn đi giặt. Chị gái tôi lui cui từ sáng đến chiều bên những khóm hoa và rẫy cỏ vườn. Anh trai tôi đảm nhận việc lau nhà, sắp xếp đồ đạc. Tôi xếp lại giá sách cho gọn gàng sạch sẽ. Mỗi người mỗi công việc, rộn ràng, háo hức.
Chiều hai tám Tết, tôi sẽ phụ mẹ rửa lá dong, vo gạo nếp, đãi đỗ xanh. Mẹ nấu đỗ xanh để làm nhân bánh, nắm thành từng nắm to như vốc tay. Lá dong để ráo nước rồi gập lại từng chiếc một. Gạo, đỗ, thịt sẵn sàng. Đêm nay, cha tôi sẽ gói bánh để sáng sớm mai xếp vào nồi, đặt lên bếp, nhóm lửa.
Chiều hai chín Tết, bánh chưng được vớt ra, từng đồng bánh vuông vắn, nóng hổi, thơm nức, nằm sát nhau trên mặt bàn gỗ. Mẹ tất tả đi cọ nồi, dọn dẹp chỗ đun bánh, dụi tắt những thanh củi còn ủ đỏ than hồng.
Chiều ba mươi Tết, khi cha con tôi đã quây quần bên nhau, ngắm cành hoa đào e ấp nụ, cây quất xanh biếc khoe những quả vàng tròn mẩy, thì mẹ vẫn tất tả, hai ống quần xắn cao, tay cầm chổi cầm rễ, lau chùi quét dọn, nhắc con gái đừng quên đặt nồi nước lá mùi già, gọi con trai tìm chỗ vôi còn lại hôm trước mang ra vườn quét cho cây. Trời sập tối, ngôi nhà sáng ánh điện, khu vườn cũng sáng bừng bởi cây cối khoác thêm màu áo mới.
Ăn uống xong, mẹ rà soát lại tất cả những việc cần hoàn thiện trước giao thừa. Luộc gà, đồ xôi, chuẩn bị rượu, hương, hoa quả cho lễ cúng trong nhà và ngoài trời. Lau dọn lại nền nhà cho sạch bóng. Phơi nốt mấy bộ quần áo. Rồi chuẩn bị phong bao mừng tuổi cho các con, trong thời khắc giao thừa…
Dọn nhà đón Tết – có bao nhiêu công việc mà người nội trợ phải làm để chuẩn bị cho ba ngày Tết. Để đến đêm giao thừa, ở khoảnh khắc đầu tiên của năm mới, trong thơm ngát đất trời, cả nhà được quây quần bên nhau, nhấp chút rượu vang, ăn miếng xôi miếng thịt gà lấy lộc, và dành cho nhau lời chúc sức khỏe bình an. Ánh điện ấm áp. Mùi trầm hương thoang thoảng. Bên ngoài, vẳng lại vài tiếng pháo càng khiến những giây phút đầu năm thêm sâu thẳm thiêng liêng.
Năm mới đã đến như vậy đấy, đủ đầy, viên mãn.
***
Dọn nhà đón Tết là một phong tục đẹp. Trong nhịp sống bận rộn hôm nay, khi những người mẹ người vợ phải tăng ca, tăng giờ làm trong ngày cận Tết, thì những công việc nội trợ tạo thêm áp lực cho họ. Việc dọn nhà cũng giản tiện hơn. Nhiều ý kiến cũng cho rằng cần phải giải phóng, phải thay đổi quan niệm về Tết. Nhà dọn quanh năm, đâu cứ phải Tết mới dọn. Vả lại nghỉ Tết thong thả thì dọn nhà, làm gì phải cuống.
Những ý kiến đó không phải không có lý. Nhưng nếu nhìn việc dọn nhà đón tết từ góc độ văn hóa, sẽ thấy ở đó bao điều có lý, bao ước vọng nằm trong quan niệm sống, trong ứng xử văn hóa của người Việt. Đơn sơ mà đẹp đẽ thiết tha. Dọn nhà, như kiểm tra lại chính cơ thể mình, xem cơ thể ấy có khỏe mạnh, đủ sức đề kháng, có chỗ nào còn lỏng lẻo ốm yếu để kịp thời chấn chỉnh lại, bảo dưỡng, bồi bổ cho nó. Trong quá trình dọn dẹp tỉ mỉ và kiên nhẫn ấy, cũng sẽ phát hiện bao nhiêu điều thú vị mà cuộc sống bận rộn hàng ngày ta đã bỏ qua. Trong quá trình dọn dẹp lại ấy, thêm yêu từng góc nhà, thậm chí cả từng cái mạng nhện, bởi nó là minh chứng cho những nhọc nhằn bươn chải, những nỗ lực vươn lên để cùng xây đắp một mái ấm. Cũng có khi ta tủm tỉm gặp lại một món đồ nằm lãng quên trong hộc tủ. Món đồ ấy hiện giờ không còn sử dụng nữa, nhưng nó gợi về bao kỉ niệm, những kỉ niệm bồi hồi, xúc động, day dứt. Dọn nhà như dọn dẹp lại ký ức mình, chuẩn bị một tâm thế bình an, đón năm mới phong quang, sáng sủa.
Mẹ tôi bây giờ đã ở tuổi xế chiều. Mẹ không thể ôm đồm hết mọi việc trong nhà, nhưng mẹ vẫn là tổng chỉ huy, nhắc nhở con cái dù bận bịu thế nào, cũng hãy dành chút thời gian cho Dọn nhà - Đón Tết. Để đêm giao thừa, cả gia đình lại quây quần bên nhau ăn miếng xôi miếng thịt gà lấy lộc, trong hương trời thơm ngát./.