Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh với dự án dài 10 năm

Vũ trụ đa phương tiện về lịch sử triều Trần là dự án không chỉ có phim điện ảnh mà còn gồm nhiều tác phẩm thuộc các thể loại khác nhau...

 

Đạo diễn - nhà sản xuất Phan Gia Nhật Linh vừa giới thiệu dự án đầy tham vọng: Vũ trụ lịch sử đa phương tiện về triều nhà Trần, với trọng tâm là bộ 3 phim điện ảnh “Đại chiến Bạch Đằng giang”. Điều đặc biệt là, dự án này không chỉ có phim điện ảnh mà còn bao gồm nhiều tác phẩm thuộc các thể loại khác nhau như: phim hoạt hình dài tập, truyện tranh webtoon, tiểu thuyết có tranh minh họa, và cả các trích đoạn minh họa lịch sử có thể dùng như công cụ giáo khoa.

 Dự án do AIOI Studios - một đơn vị chuyên về kỹ xảo điện ảnh, hoạt hình 3D và các phương tiện truyền thông mới - thực hiện. Các nhà sáng tạo AIOI Studios mong muốn khắc họa thế giới lịch sử nhà Trần, bao gồm: trang phục, kiến trúc, phong tục, văn hóa và thói quen truyền thống, nhằm từng bước tái dựng tư liệu lịch sử quý giá. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, người chịu trách nhiệm sáng tạo chính cho dự án cho biết, lý do anh và ekip muốn thực hiện dự án này là vì muốn khắc họa một giai đoạn lịch sử Việt Nam đầy biến động nhưng cũng không kém phần huy hoàng. “Triều Trần là một triều đại rất huy hoàng về quân sự, có rất nhiều câu chuyện và nhân vật thú vị. Những nhân vật như: Trần Hưng Đạo, Trần Nhân Tông hay Yết Kiêu, Trần Quốc Toản...  Cả những nhân vật nữ cũng rất thú vị như: Thuận Thiên công chúa, công chúa Thiên Thành, công chúa An Tư... Những nhân vật này, thông qua câu chuyện của họ, đem đến niềm tự hào rất lớn về lịch sử của chúng ta", vị đạo diễn chia sẻ.

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh khẳng định: "Triều Trần cũng là triều đại mà - trong chừng mực nào đó - thay đổi cả lịch sử thế giới. Mông Cổ thời đó đã chiếm 3/4 thế giới, nhưng đến Việt Nam thì 3 lần đều bị chặn lại. Cho nên, đây là triều đại không chỉ khiến chúng ta tự hào ở trong nước mà có thể nói với thế giới rằng: Đây là những câu chuyện đáng được kể lại, đáng được lắng nghe”.

Với bộ ba (trilogy) phim truyện điện ảnh “Đại chiến Bạch Đằng giang”, qua từng phần khán giả sẽ được dẫn dắt qua những trang sử thi hào hùng của dân tộc. Phần đầu tiên lấy cột mốc Trần Quốc Tuấn trở thành Hưng Đạo Đại Vương, sau đó bước sang câu chuyện về Trần Nhân Tông  - vị vua nhà Trần lên ngôi và trở thành một Phật tử. Kết thúc bộ ba phim là câu chuyện Trần Quốc Tuấn và Trần Nhân Tông lãnh đạo đất nước chiến thắng trận thủy chiến oanh liệt trước quân Nguyên hùng mạnh trên sông Bạch Đằng.

Dự án đang bước vào những giai đoạn đầu xây dựng và có thể sẽ kéo dài đến hơn 10 năm để có thể chính thức ra mắt, bởi các dự án phim lịch sử vốn có nhiều yêu cầu cao đặc biệt về mặt hình ảnh. “Đây là một dự án mơ ước và dài hơi. Chúng tôi sẽ dành 10 năm tới để thực hiện nó một cách chỉn chu và hấp dẫn nhất với khán giả trong nước và quốc tế. Chúng tôi mong muốn có cơ hội hợp tác với những nhà nghiên cứu lịch sử, nhà làm phim cũng như các nhà đầu tư trong và ngoài nước để dự án “Triều Trần” có thể mang đến niềm tự hào về lịch sử thông qua điện ảnh đến với công chúng”, đạo diễn/ nhà sản xuất Phan Gia Nhật Linh cho biết.

Đạo diễn - nhà sản xuất Phan Gia Nhật Linh vừa giới thiệu dự án đầy tham vọng: Vũ trụ lịch sử đa phương tiện về triều nhà Trần.

Công nghệ 3D - VFX sẽ làm thay đổi tiến trình phát triển phim Việt

Sự phát triển của các công nghệ đồ họa và kỹ xảo là một phần quan trọng để các nhà làm phim có thể chạm tay đến những ý tưởng táo bạo nhất. “Du hành” về quá khứ, lạc vào không gian của một câu chuyện cổ tích hay đắm mình trong bầu không khí kịch tính của những trận chiến oai hùng… Đó là câu chuyện mà khoảng 10 năm trước, khán giả Việt khó lòng có thể tìm thấy trên những thước phim của nước nhà.

Tuy nhiên, những năm gần đây, phim Việt đang có những bước tiến đáng kể trong việc vận dụng kĩ xảo, đồ họa. Cánh rừng sim đẹp như thơ trong phim điện ảnh Mắt Biếc, cũng như hình tượng linh thú, thần tiên đầy mê hoặc trong Trạng Tí phiêu lưu ký - bộ phim điện ảnh có nhiều cảnh kỹ xảo nhất Việt Nam, thực chất là được tái dựng qua công nghệ đồ họa. Hay gần đây nhất là Em và Trịnh, công nghệ VFX cũng đã góp phần tô điểm cho những khung hình trở nên bay bổng và đầy hoài niệm hơn bao giờ hết…

Để có thể thực hiện dự án tham vọng này, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh và các cộng sự quyết định sáng lập AIOI Studios, một đơn vị hình thành trên cơ sở 4 công ty mẹ: Anh Tễu Studio, Bad Clay Studio, Cocoa Vision và Noble. Các nhà sáng lập, ngoài đạo diễn Phan Gia Nhật Linh còn có Giám đốc Nghệ thuật VFX Thierry Nguyễn. Nhà sản xuất/nhà đầu tư Handae Rhee và nhà sản xuất Yuno Choi đều là những người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực điện ảnh, đồ họa và giải trí tại Việt Nam, Hàn Quốc và châu Âu.

Các dự án tiêu biểu mà AIOI Studios từng tham gia thực hiện có thể kể đến: loạt phim điện ảnh Em và Trịnh, Trạng Tí phiêu lưu ký, Hai Phượng, Mắt biếc, Chuyện ma gần nhà; các series trên Netfix: Ngôi trường xác sống (All of us are dead), Thế giới ma quái (Sweet Home), Phi vụ triệu đô (Money Heist) bản Hàn… Bộ phim điện ảnh Thanh Sói cũng có sự tham gia của studio này.

Ngoài ra, AIOI Studios còn có tham vọng thực hiện nhiều dự án nghệ thuật với phong cách thể nghiệm hiện đại, đột phá, ứng dụng những công nghệ điện ảnh hiện đại nhất trên thế giới. Hãng đang ấp ủ loạt dự án về phim lịch sử và cổ tích Việt Nam, các câu chuyện thuộc thể loại hư cấu, kỳ ảo được lấy chất liệu văn hóa Việt Nam.

“Lịch sử và văn hoá truyền thống Việt Nam là những chất liệu quan trọng đối với các dự án của AIOI Studios, bên cạnh việc ứng dụng các công nghệ kỹ xảo điện ảnh hiện đại mà AIOI đang thực hiện”. Hai trong số các kịch bản phim đang được phát triển đã có những thành tích ban đầu: kịch bản phim “Gió thần” (tác giả: Nguyễn Anh Quốc) được giải Ba tại cuộc thi sáng tác kịch bản phim hoạt hình do Cục Điện ảnh tổ chức năm 2020, và kịch bản phim “Phan Xích Long và cuộc biến loạn Nam kỳ lục tỉnh” (tác giả: Minh Vũ và Michelle Tạ) chiến thắng giải Dự án phim thương mại xuất sắc nhất tại Gặp gỡ mùa thu 2022./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận