Không chỉ Hollywood mà cả điện ảnh Việt Nam cũng có nhiều câu chuyện hay về việc các đạo diễn đi tìm bối cảnh phim.
Lên mây tìm bối cảnh
Tết ở làng Địa Ngục và Kẻ ăn hồn là dự án kép khai thác cùng một câu chuyện và tuyến nhân vật, gồm một phim truyền hình và một phim điện ảnh do Productionq sản xuất. Phim dựa trên các sáng tác của nhà văn Thảo Trang, kể về những sự kiện kinh hoàng và ám ảnh xảy ra ở làng Địa Ngục, ngôi làng trên núi cao quanh năm chìm trong sương khói. Đạo diễn Trần Hữu Tấn chia sẻ, không dễ để tìm được bối cảnh quay như mô tả trong tiểu thuyết gốc: “Khi tìm bối cảnh cho “Tết ở làng Địa Ngục”, tôi và ê kíp đã lên danh sách gồm 10 ngôi làng cổ ở Hà Giang, từ Đồng Văn xuống Yên Minh sang Mèo Vạc rồi đến Vị Xuyên. Mỗi ngôi làng đều có vẻ đẹp riêng, nhưng đều không phù hợp để ghi hình. Bởi chúng không có được vẻ nguyên sơ, độc bản và tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài” - đạo diễn Trần Hữu Tấn nói.
Đến ngày thứ 10, khi chuẩn bị trở về Sài Gòn, Trần Hữu Tấn được một bạn người Mông giới thiệu cho địa danh cuối cùng: Làng Sảo Há. Anh quyết định thử lần cuối và thu được quả ngọt. “Khi xe vừa dừng tại cổng làng, lập tức tôi cảm giác như có một dòng điện chạy dọc sống lưng. Một số bạn trong đoàn ôm nhau khóc, tất cả đều cảm nhận đây đúng là bối cảnh như trong truyện”.
Làng Sảo Há nằm ở độ cao 1.600 mét so với mực nước biển, cheo leo, hiểm trở, biệt lập. Khung cảnh làng hoàn toàn nguyên sơ, là một ngôi làng 3 không: không điện, không nước, không sóng điện thoại. Để có nước sinh hoạt trong vài tháng ghi hình, ê-kíp phải vận chuyển từ thị trấn cách điểm quay 15km. Tới chân núi lại vận chuyển lên đỉnh, qua 2 ngọn đồi cao 2.000m.
Từng trải qua nhiều bối cảnh phim, nhưng với NSƯT Phú Đôn đây là một trong những lần quay thử thách nhất với anh: “Đoàn bắt đầu quay vào ngày rét buốt. Độ ẩm không khí cao làm lều bạt cũng như chỗ ngủ bị đọng nước, một số thiết bị thậm chí không thể chạy được”. Vượt qua muôn vàn khó khăn, đoàn phim Tết ở làng Địa Ngục đã hoàn tất quá trình ghi hình và phim chuẩn bị ra mắt trong tháng 10/2023, gồm 12 tập phát sóng trên kênh K+Cine của Truyền hình K+. Đạo diễn Trần Hữu Tấn chia sẻ: “Đây là dự án anh bị thu hút ngay từ lúc đọc tiểu thuyết gốc vì mang đậm yếu tố dân gian Việt Nam. Đây cũng là cuốn sách khai thác yếu tố kinh dị ở mức độ tôi chưa từng thấy ở Việt Nam. Hai yếu tố dân gian và kinh dị chính là điểm thú vị nhất ở dự án này”.
Hạ Long tiếp tục lên phim Hollywood
Kẻ kiến tạo bom tấn 80 triệu USD của Hollywood đang gây sốt với cộng đồng phim Việt vì 2 yếu tố: vịnh Hạ Long tiếp tục được khai thác làm bối cảnh và Ngô Thanh Vân xuất hiện trong phim. Đạo diễn Gareth Edwards tiết lộ, năm 2019 khi bắt đầu thực hiện dự án, anh và một vài đồng nghiệp đã mua vé máy bay lang thang nhiều nước châu Á để ghi hình. “Tôi mang theo một chiếc máy quay, một ống kính và bắt đầu khảo sát địa điểm ở Việt Nam, Campuchia, Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan và Nepal. Kế hoạch của chúng tôi là đi đến những địa điểm tuyệt vời ở châu Á, ghi hình bối cảnh nhiều nhất có thể, sau đó về sử dụng công nghệ để tạo các lớp hình ảnh khoa học viễn tưởng đè lên trên. Đơn giản là vì chi phí vé máy bay đi vòng quanh thế giới rẻ hơn nhiều so với xây dựng một trường quay” - đạo diễn Gareth Edwards chia sẻ.
Khi Gareth Edwards đang ở Thái Lan, bạn anh là đạo diễn Jordan Vogt-Roberts – người từng thực hiện bộ phim Kong: Skull Island tại nhiều địa điểm ở Việt Nam - đã rủ anh sang Việt Nam để khảo sát bối cảnh. Edwards nghe theo và cuối cùng nhiều hình ảnh vịnh Hạ Long đã xuất hiện trong bom tấn Kẻ kiến tạo. Các chất liệu khác của vùng Đông Nam Á cũng hiện diện dày đặc trong phim như: cánh đồng lúa nước, nhà sàn hay bối cảnh núi rừng.
Không chỉ bối cảnh, Kẻ kiến tạo còn có nhiều đoạn thoại tiếng Việt với sự xuất hiện đậm nét của Ngô Thanh Vân, người mà Edward đã quen khi cùng thực hiện dự án phim Star Wars. Chính Ngô Thanh Vân là người đã đề nghị đạo diễn cho phép thêm những câu thoại tiếng Việt vào phim.
Trong hoàn cảnh các bối cảnh ở Mỹ và phương Tây ngày càng đắt đỏ, các đạo diễn lại muốn tìm kiếm những điều mới lạ “chưa bao giờ có” trong các bộ phim, đó là cơ hội cho những quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan xuất hiện nhiều hơn trong các bom tấn toàn cầu./.