Công khai giá tranh tại triển lãm của họa sĩ đương đại

Việc công khai giá tranh tại triển lãm của các họa sĩ đương đại vẫn là câu chuyện nhạy cảm, không chỉ với các gallery mà còn với chính các họa sĩ.

 

Lần đầu tiên có triển lãm công khai giá tranh

Họa sĩ thường vẫn ngại khi định giá tranh của mình. Có thể họ sợ người ta nghĩ rằng bản thân họa sĩ tự đánh giá mình quá cao hoặc thấp quá? Quan niệm xưa nay mỹ thuật là sự đồng cảm giữa người sáng tạo và khán giả. Với họa sĩ và nhà sưu tập, mối lương duyên ấy cũng kín đáo, tế nhị chứ chẳng mấy ai phô bày. Còn với kinh nghiệm của các gallery nước ngoài, giá tranh là một yếu tố khá kín đáo, những ai quan tâm và muốn mua tranh phải gặp riêng ban tổ chức - những người được ủy quyền của họa sĩ trong việc mua bán để tìm hiểu giá. Một vài gallery dễ tính hơn, họ thường có danh sách các tác phẩm được trưng bày kèm theo giá để phát cho người xem khi đến phòng tranh.

Thế nhưng, tại Hà Nội, vừa qua, Trung tâm Hỗ trợ, phát triển nghệ thuật đương đại (Vicas Art Studio) tổ chức triển lãm “Em chào các bác”, giới thiệu tranh của hai họa sĩ Đào Xuân Tùng và Nguyễn Nghĩa Cương. Đáng lưu ý, tại mỗi bức tranh đều ghi rõ giá. Hầu hết các triển lãm tại đây đều công khai giá tranh. Theo họa sĩ Đào Xuân Tùng, nên niêm yết giá tranh một cách công khai để công chúng thấy phía trung tâm và họa sĩ làm việc rất minh bạch, vừa dễ cho họa sĩ, vừa dễ cho nhà sưu tập và khách mua tranh. Nếu muốn hướng đến thị trường tranh uy tín thì phải làm như thế.

PGS TS Bùi Quang Thắng, Giám đốc nghệ thuật của Trung tâm Hỗ trợ, phát triển nghệ thuật đương đại cho biết: “Mục đích của việc công khai giá tranh không quan trọng là cao hay thấp mà để người mua có thể nhìn vào giá, xem có mua được hay không. Họ sẽ không bị ngợp so với việc hỏi qua ban tổ chức.Việc định giá bức tranh không phải do họa sĩ muốn định giá bao nhiêu, mà phải kết hợp cả 3 yếu tố: một là nghệ sĩ có yêu cầu, hai là những người tổ chức định giá và ba là phù hợp với mặt bằng kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay. Muốn phát triển thị trường nghệ thuật phải chú tâm đến công chúng nước nhà. Hài hòa giữa nhu cầu của công chúng và nghệ sĩ thì nghệ thuật mới đi hết quãng đường của nó, chứ không phải trở về cất kho.

Tranh của họa sĩ Đoàn Xuân Tùng

Thiết lập mặt bằng giá

Thị trường mỹ thuật Việt Nam trong những năm gần đây đang có những tín hiệu khởi sắc nhưng vẫn chưa chuyên nghiệp, chưa minh bạch, thiếu lòng tin từ phía họa sĩ vào các chủ gallery, các nhà đấu giá. Những người mua tranh cũng đa dạng hơn, không chỉ là các nhà sưu tập mà còn có cả những người muốn thưởng thức và sở hữu một số bức tranh trong không gian sống của mình. Vì thế, để hỗ trợ thị trường mỹ thuật trong nước và đưa công chúng gần hơn với nghệ thuật, việc minh bạch giá tranh là cần thiết.

“Công khai giá tranh là một điều rất tốt. Nó làm cho họa sĩ và những người sưu tập đến được với nhau qua thông tin công khai. Họ không có sự e dè hoặc có những thông tin bị nhiễu. Với mức giá mà họ cảm thấy sưu tập được thì họ sẽ có hứng khởi sưu tập ngay. Có thể vẫn còn một số họa sĩ ngại về việc đánh thuế hoặc sợ ảnh hưởng đến nhà sưu tập nhưng điều đó là có hại. Càng công khai bao nhiêu, người sưu tập càng chủ động tiếp cận mua tác phẩm” - nhà nghiên cứu mỹ thuật TS Phạm Long.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa - Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (đơn vị thành lập Trung tâm Hỗ trợ, phát triển nghệ thuật đương đại), mặc dù giá tranh là yếu tố khá nhạy cảm nhưng Trung tâm đã có những biện pháp để thỏa mãn các bên từ họa sĩ, người điều hành và công chúng. Trên cơ sở đó sẽ tạo được lòng tin, thiết lập mặt bằng về giá cả. Mặc dù mua bán tranh tại Trung tâm này là những thỏa thuận mang tính dân sự nhưng để tạo niềm tin đối với công chúng thì những tác phẩm được trưng bày, bán tại đây đều được lựa chọn minh bạch.

Tranh của họa sĩ Nguyễn Nghĩa Cương.

Hơn nữa, mục đích của Viện Văn hóa - Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam khi thành lập Trung tâm Hỗ trợ, phát triển nghệ thuật đương đại cũng là một bước đi cụ thể trong việc xây dựng những không gian sáng tạo, tạo môi trường cho các họa sĩ phát huy khả năng của mình, có thể tiếp cận công chúng. Một trong những hình thức cụ thể đó là minh bạch thị trường, tạo ra sự bình đẳng, rõ ràng. Vì thế ngay từ khi thành lập Trung tâm, hầu hết các cuộc triển lãm tại đây đều công khai giá tranh, dao động trung bình từ 20-60 triệu đồng/bức.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho biết thêm, đến với trung tâm đa phần là những họa sĩ trẻ, đang trên đường hình thành thương hiệu cũng như chất lượng nghệ thuật. Việc công khai giá tranh để tạo ra mặt bằng, sự so sánh là vô cùng quan trọng. Theo kinh nghiệm trực tiếp, những triển lãm công khai giá tranh lại bán được tranh nhiều hơn so với những triển lãm không công khai giá tranh. Với triển lãm “Em chào các bác”, đã có 9 bức tranh đến với người yêu nghệ thuật.

BOX “Là một nhà sưu tập, tôi nghĩ việc công khai giá tranh là rất quan trọng đối với khách mua. Người Việt thường rất ngại khi hỏi giá tranh, việc công khai giá tranh là một sự sòng phẳng. Khi họa sĩ công khai giá tranh như thế thì họ không thể bán thấp hoặc cao hơn giá đưa ra. Nó tạo thành mặt bằng giá chung cho họa sĩ” - nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa.

Sự không chuyên nghiệp, đặc biệt là nhiều tranh giả, tranh chép xuất hiện đã làm cho thị trường mỹ thuật Việt Nam “mất giá” trong thời gian gần đây. Niềm tin của công chúng theo đó cũng mai một. Nếu thực sự vì một thị trường nghệ thuật lành mạnh, các họa sĩ có thể sống được bằng nghề, họa sĩ trẻ được ưu ái thì việc niêm yết, công khai giá tranh có thể là sự khởi đầu trong việc tạo dựng niềm tin với công chúng.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận