Phim điện ảnh Việt Nam bao giờ 'bung lụa' ở giải Cánh diều?

Đây là năm thứ 3 liên tiếp tính từ lần thứ 15 của giải "Cánh diều", phim điện ảnh Việt tham gia chưa được hào hứng hết mình.

"Cánh diều" là giải thưởng hằng năm của Hội Điện ảnh Việt Nam cho những tác phẩm và công trình điện ảnh sản xuất trong năm trước. Giải lần đầu được tổ chức vào tháng 3/2003, và lần thứ 17 sẽ diễn ra từ 9-12/4/2019 tại TP.Hồ Chí Minh. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp tính từ lần thứ 15 của giải, phim điện ảnh Việt tham gia chưa được hào hứng hết mình.

Tham dự giải "Cánh diều" lần thứ 17/2019 gồm: 14 phim điện ảnh, 10 phim truyền hình (5- 46 tập), 3 phim video, 61 phim tài liệu, 14 phim khoa học, 14 phim hoạt hình, 18 phim truyện ngắn (từ 5- 30 phút), 8 phim tài liệu ngắn (từ 10- 27 phút), 2 công trình lý luận phê bình về điện ảnh.

Ở bất kỳ giải điện ảnh nào thì phim truyện điện ảnh vẫn luôn là tiêu điểm để đánh giá sự thành công của giải, và với giải "Cánh diều" - một giải nghề nghiệp, thì đây cũng là kênh để nhìn một cách tổng thể toàn diện gương mặt điện ảnh Việt của năm trước, để có những phương án điều chỉnh phát triển cho những dự án tiếp theo.

Phim tham gia giải Cánh diều quá khiêm tốn

Năm 2018, điện ảnh Việt sản xuất hơn 50 phim, ra rạp cũng hơn 40 phim, lại thêm một số phim ra rạp mùa Tết 2019, nhưng tham dự "Cánh diều" sau cùng chỉ có 14 phim: “Mùa Việt tình ca”, “Hồn Papa da con gái”, “Ống kính sát nhân”, “100 ngày bên em”, “Song lang”, “Trạng Quỳnh”, “Siêu sao siêu ngố”, “Vu quy đại náo”, “Chàng vợ của em”, “Tháng năm rực rỡ”, “Người bất tử”, “Thạch Thảo”, “11 niềm hy vọng”, “Nơi ta không thuộc về” (bộ phim duy nhất của Điện ảnh Quân đội - thuộc phim Nhà nước).

Đây là một con số để Ban tổ chức giải Cánh diều cần suy nghĩ, bởi khó có thể đánh giá một cách toàn diện điện ảnh Việt chỉ với số phim tham dự quá khiêm tốn so với số phim được sản xuất như thế này, chưa kể trong đó có những phim không phải là phim được đánh giá cao về chất lượng.

Cho dù Ban giám khảo chưa chấm phim, cho dù giải Cánh diều vàng chưa biết vào tay ai, nhưng nhìn vào danh sách phim tham dự, rõ ràng có nhiều sự chênh lệch không những chất lượng nội dung phim mà các thể loại cứ như “vênh” nhau, từ trinh thám kinh dị cho đến hài đồng quê, từ huyền ảo siêu nhân cho đến văn hóa truyền thống, từ tâm lý xã hội theo kiểu ngôn tình đến đề tài đang nóng về bóng đá Việt…

Chưa kể các phim này ra rạp, phim được đánh giá có chất lượng nghệ thuật thì doanh thu không cao, phim giải trí thuần túy, thậm chí còn bị chê thì doanh thu cao ngất ngưởng, nên rất khó mà định lượng chuẩn cho phim nào sẽ đoạt "Cánh diều", và phim đó có thật sự là “đại diện” cho gương mặt điện ảnh Việt hay không? Bởi vì có nhiều phim được đánh giá cao thì vắng mặt trong giải (do không gửi phim tham gia).

Trong số phim tham dự giải, có 3/5 phim ăn khách nhất năm 2018: “Siêu sao siêu ngố” (doanh thu 110 tỷ đồng), “Chàng vợ của em” (87,1 tỷ), “Tháng năm rực rỡ” (84 tỷ), và phim mùa Tết 2019 là “Trạng Quỳnh” cán mốc 100 tỷ đồng. Nhưng nếu lấy doanh thu ra để làm một trong những điều kiện đánh giá phim hay thì sẽ thật là “bi kịch” cho phim điện ảnh Việt, bởi các phim này đều là phim hài gần như chỉ mang tính giải trí thuần túy, ngay cả với phim “Tháng năm rực rỡ” (remake phim Hàn) thì cũng chỉ là một phim vui ký ức về thời thanh xuân.

Trong danh sách các phim không vào top doanh thu cao, vẫn có những phim được đánh giá là tín hiệu khởi sắc cho điện ảnh Việt, với những sáng tạo mới về thể loại, về cách tiếp cận đề tài, như các phim “Song Lang”, “Ống kính sát nhân”, “Thạch Thảo”… không có doanh thu tốt, thậm chí lỗ nhưng lại mang đến cho khán giả những êkíp làm phim trẻ, mới mẻ, hứa hẹn sẽ là thế hệ làm phim mới, văn minh cho điện ảnh Việt như Leon Quang Lê, Cao Thúy Nhi, Nguyễn Hữu Hoàng..

Ngoài ra, phim của Điện ảnh Quân đội “Nơi ta không thuộc về” của đạo diễn Đặng Thái Huyền cũng là một bí ẩn, vì gần như rất ít ai được biết về phim này như thế nào, cho dù đạo diễn cũng đã có tên tuổi với một số phim video, phim truyền hình.

Những nhân tố mới cho phim điện ảnh Việt năm 2019

Theo dự tính, thì năm 2019 có thể là năm kỷ lục phim Việt được sản xuất, khoảng 70 phim, gồm những phim đã lên kế hoạch ra rạp, đang hậu kỳ, đang casting, và đang còn ở khâu hoàn thiện kịch bản.

Để khởi động cho năm mới 2019 và mùa chiếu Tết, một loạt phim Việt nối nhau ra rạp với “Chị trợ lý của anh”, “Yolo”, “Thành phố ngủ gật”, “Trạng Quỳnh”, “Táo quậy”, “Tình đầu thơ ngây”, “Hai Phượng”, “3D Cung tâm kế”, “Vu quy đại náo”, “Cua lại vợ bầu”... công chiếu trong tháng 1, 2, 3 và tháng 4 này là 3 phim: “Thiên linh cái”, “Lật mặt 4 - Nhà có khách” , “Tháng 5 để dành”.

Đa dạng về thể loại, nhưng dễ nhận thấy các dự án phim của năm 2019 đi theo hướng tâm lý - xã hội, hài hước, ngôn tình, thanh xuân chiếm số lượng áp đảo. Bởi các bộ phim dạng này đều sở hữu doanh thu khá ổn định trong năm 2018, nhà làm phim có thể tiết kiệm được chi phí, cũng như khâu kiểm duyệt sẽ dễ dàng hơn so với phim thuộc thể loại hình sự, kinh dị hoặc tâm linh.

Đáng chú ý, một số phim của năm 2019 sẽ khai thác những câu chuyện thuần văn hóa Việt, như “Đất rừng phương Nam” (dựa theo tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi), “90 ngày hạ” hay “Gạo chợ nước sông” (khai thác câu chuyện nghề hát vào những thập niên 1960-1970), “Mẹ Tuệ”, “Trạng Tí”, “Sơn Tinh - Thủy Tinh”...

Thể loại phim hành động ngoài “Hai Phượng”, có “Thích là nhích”, “Mục tiêu chết", “Lật mặt 4”... Phim phá vỡ khung thị hiếu của khán giả chiếm số lượng ít với “Thiên linh cái” khai thác vấn đề tâm linh, hay “578” về nạn ấu dâm. Ít bóng dáng phim remake (làm lại), trừ một số phim hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc như “Gameshow tử thần”...

Năm 2019 tiếp tục có sự "chào sân" của những đạo diễn mới như Mira Dương, Toàn Joshua, Lê Thiện Viễn, Nguyễn Tiến Thành, Micheal Võ, Tạ Nguyên Hiệp, Trần Bình, Cung Lê... Bên cạnh đó, những đạo diễn từng thất bại ở dự án đầu tay hay thứ hai trước đây cũng quay trở lại hứa hẹn mới mẻ và “chất” hơn: Phan Minh với phim “Yolo”; Bá Vũ tiếp tục thể loại kinh dị với “Cha ma”; Huỳnh Đông với phim đề tài gia đình “Chuyến xe hạnh phúc” (hay “Mẹ Tuệ”); Luk Vân thực hiện “Tuyệt vời khi ở bên em”; Khương Ngọc “Chị 13” hài hước, cổ trang.

Năm 2019 ghi nhận sự trở lại của các đạo diễn tên tuổi, như Bảo Nhân và Nam Cito với “Tháng ngày thanh xuân”; Charlie Nguyễn với “Em trên 18”; Victor Vũ với “Mắt biếc” và “Sơn Tinh - Thủy Tinh”; Hàm Trần với “Thiên linh cái”; Lê Văn Kiệt với “Hai Phượng” (đặc biệt phim ra rạp tháng 3 ở Việt Nam và hải ngoại hiện cán mức kỷ lục doanh thu 200 tỷ đồng, vượt qua các kỷ lục phim Việt).

Cường Ngô với “Ra giêng anh cưới em”; Lưu Huỳnh với “Tim hằn vết sẹo”... và Nguyễn Quang Dũng với “Đất rừng phương Nam”, “Uớc hẹn mùa thu”, “50 sắc thái yêu em...” (remake phim nước ngoài)

Phim Việt chất liệu Việt đang là xu hướng của phim điện ảnh Việt năm 2019, hy vọng sẽ có nhiều phim điện ảnh nghệ thuật hơn nữa, không chỉ dòng phim giải trí, để chứng tỏ sự phát triển thật sự của điện ảnh Việt Nam, song song cả hai dòng thị trường - nghệ thuật, để thật sự “bung lụa” trong "Cánh diều" năm tới./.

Theo vov.vn

Bình luận

    Chưa có bình luận