Rap và bước tiến vào đời sống văn hóa mới của người Việt trẻ
Đến với rap ở ngay nơi sinh ra nó, tại Mỹ, rap được người ta biết đến từ những năm 1980 và thu hút, lôi cuốn giới trẻ cả thế giới theo một phong cách mới: phóng túng và đầy cá tính. Rap bắt nguồn từ tầng lớp người lao động nghèo khổ, hay thậm chí là những kẻ tù tội, những người được coi là dưới đáy xã hội Hoa Kỳ, có cuộc sống bần hàn, súng đạn, bạo lực và đen tối như một cái vòng luẩn quẩn... Họ đã dùng rap như tiếng nói của mình để phản kháng lại những gì bị xã hội xem là “đầu đường xó chợ” của những tay anh chị, băng đảng, du côn… Bởi thế, trong nhiều bản rap, người nghe dễ nhận thấy những ngôn từ của kẻ thất học, hận thù, bế tắc, súng đạn và thậm chí chết chóc. Trong quá khứ, rap đã từng không được thừa nhận một cách chính thức ngay tại quê hương của nó.
Nhạc rap du nhập vào Việt Nam và phát triển mạnh trong khoảng 10 năm trở lại đây, được giới trẻ đón nhận với sự phổ biến của những bản rap overgroud (nhạc overgroud là loại nhạc được phép phổ biến rộng rãi). Bản rap Việt đầu tiên có tên “Vietnamese Gang” được một rapper trẻ tên Khanh Nhỏ, sinh sống tại Hoa Kỳ thể hiện. Nội dung bài hát này giống với cái tên “gang” có nghĩa “băng đảng” nên nó cho thấy sự phá phách, giang hồ muốn thể hiện một cái tôi đậm chất Việt giữa một quốc gia đa chủng tộc như Hoa Kỳ. Vietnamese Gang là bài hát đầu tiên đại diện cho ghetto (khu người nghèo) Việt tại Hoa Kỳ mà đến bây giờ nhiều người vẫn xem như đặt nền tảng cho rap Việt.
Rap Việt trong vài năm trở lại đây phát triển mạnh mẽ với số lượng người rap và các nhóm rap nở rộ. Đặc biệt, sau khi nữ rapper Việt Suboi (tên thật là Hàng Lâm Trang Anh) ghi dấu ấn trong làng rap thế giới và khu vực, cô được Forbes vinh danh trong danh sách “30 Under 30 Asia-2017” (30 người châu Á thành công và có sức ảnh hưởng nhất dưới 30 tuổi) và có tên trong danh sách 300 người gây ấn tượng trong năm 2016. Cô cũng là rapper đã rap cho tổng thống Mỹ Obama nghe tại một buổi giao lưu với sinh viên trong chuyến công du của ông tới Việt Nam vào năm 2017 và là nữ rapper đầu tiên của Việt Nam xuất hiện trên trang bìa tạp chí Vouge ở Nhật trong chuyên đề Asia Rising.
Trong giai đoạn hiện nay, với sự phát triển mạnh của mạng internet và các mạng xã hội như facebook, nền tảng youtube… đã tạo cơ hội, “sân khấu” cho sự nở rộ số lượng các rapper Việt với những cái tên được giới trẻ nhắc đến như: Suboi (Hàng Lâm Trang Anh), Andree (Bùi Thế Anh), Đinh Tiến Đạt, LK (Nguyễn Quang Hưng), Lil Shady (Nguyễn Minh Đức), Kyo (Lê Hải Sơn)… với những bản rap “hit” được đánh giá cao, được xã hội đón nhận.
Không chỉ như vậy, ngay cả với những rapper undergroud, những cái tên như: Đen Vâu, với những bản rap đầy tính tự sự, thể hiện suy nghĩ tâm tư và niềm đam mê hết mình với tuổi trẻ như: Ghé thăm, Trên cao nhìn xuống, và đặc biệt là bản rap Đưa nhau đi trốn, từng nổi đình nổi đám trong làng nhạc Việt; Hay rapper DSK từng được tôn xưng là “King Rap” nhờ chất giọng và khả năng viết lyric tuyệt hảo. Anh được khán giả yêu mến qua những bản rap như: Lớn rồi, Chưa bao giờ, Đôi bờ, Tự xử… ghi dấu ấn lớn trong lòng người hâm mộ cùng nhiều cống hiến cho sự định hình và phát triển của rap Việt Nam; Và mới đây nhất, ngay đầu năm 2019 là sự xuất hiện đình đám của cặp đôi Emily - Big Daddy với bản “hit” Mượn rượu tỏ tình, đã tạo trend trong giới trẻ Việt dịp Lễ tình nhân.
Trên thực tế, rap Việt hiện nay có nhiều sáng tác thể hiện được cá tính mạnh mẽ, năng động, phóng khoáng của người Việt trẻ cũng như khả năng hấp thu văn hóa mới, tìm tòi, sáng tạo lối đi riêng cho rap Việt, phù hợp với văn hóa và xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, rap Việt nói chung vẫn bị đánh giá là mang tính bột phát, chưa có lối đi riêng. Bên cạnh đó, cũng có cả những bản rap undergroud “lạc lối” khi cố gượng ép những câu từ tục tĩu, những nội dung mang tính cá nhân vào rap.
Điểm đen rap Việt
Bên cạnh những bản rap “hit” ở cả 2 phương thức tiếp cận (overgroud và undergroud) được xã hội, đặc biệt là giới trẻ đón nhận thì rap undergroud Việt cũng có những bản rap được đánh giá là không phù hợp với “thuần phong mỹ tục” của người Việt, có ngôn từ tục tĩu và nội dung nhảm nhí.
Nói về những bản rap này, một thực tế đáng buồn là những bản rap có lời lẽ càng thô tục lại càng có số lượt xem và chia sẻ vượt trội. Một rapper giấu tên ở Hà Nội cho rằng, việc sử dụng những lời lẽ tục tĩu, bậy bạ… vào trong rap là không thể gượng ép, nếu cố tình đem những lời lẽ thô thiển, cục cằn ép cho rap thì dễ bị phản tác dụng. Tuy nhiên, nhiều nhóm rap hiện nay đang sử dụng cách này với mục đích “câu view” bởi những ngôn từ này hướng thẳng tới đối tượng khán giả trẻ, những người luôn sẵn tâm lý tò mò và muốn thể hiện cái tôi mạnh mẽ, có khuynh hướng tính cách nổi loạn, muốn thoát khỏi sự gò bó của các giá trị truyền thống nhưng lại chưa có đủ nhận thức để phân biệt giữa trân nghệ thuật và những bản “copy” lệch lạc.
Phải thừa nhận rằng, lượng view cao cũng chính là “số vé” bán ra trên “sân khấu” mạng xã hội, đem lại nguồn thu, quyết định sự sống còn của các rapper undergroud, giúp họ tồn tại và cho họ cơ hội được thỏa mãn đam mê với rap. Nhưng cũng bởi vậy mà các chiêu trò “câu view” được áp dụng triệt để, bất chấp thuần phong mỹ tục.
Khi Luật An ninh mạng và biện pháp quản lý của các cơ quan nhà nước về văn hóa còn chưa vươn tới được các nền tảng mạng xã hội nước ngoài như youtube hay facebook; chính sách cộng đồng của những mạng xã hội này gần như không có sự kiểm soát về nội dung và chất lượng thì những bản rap có lời lẽ thiếu chuẩn mực, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, có thể gây hại cho cộng đồng. Rõ ràng, việc làm sao để ngăn chặn, hạn chế tác hại của việc truyền bá những sản phẩm văn hóa độc hại này trên các nền tảng mạng xã hội đang là câu hỏi lớn cho các cơ quan quản lý.
Rất cần có quy định cụ thể từ cơ quan quản lý trong nước để ngăn chặn, hoặc cảnh báo cho khán giả những clip rap undergroud có sử dụng ngôn từ dung tục, bậy bạ, bạo lực…, như việc gắn mác 16+, 18+… cho các sản phẩm điện ảnh.
|