Nếu để ý ta có thể thấy hình ảnh xuất hiện trong lượt trận đấu mở màn bảng D: Dưới sân, các cầu thủ Iran đối đầu và hạ gục Yemen; trên khán đài, ông Lee Young Jin, Lư Đình Tuấn và Chung Kyu-jin không ngừng ghi chép.
Họ chính là 3 trợ lý đội tuyển bóng đá Quốc gia Việt Nam tại Asian Cup 2019, được huấn luyện viên (HLV) trưởng Park Hang Seo giao nhiệm vụ “thăm dò bài vở” đối phương.
Để có cái nhìn toàn diện về vấn đề này, hãy nhắc lại một chuyển động từng diễn ra cách đây mười mấy năm. Thời điểm đó, nhiều người đã tận mắt chứng kiến một thành viên trong Ban huấn luyện đội tuyển Thái Lan “trà trộn” vào giới ký giả Việt Nam, có mặt nơi khán đài, trên tay là chiếc máy quay cùng cây bút, không ngừng ghi chép.
“Gã gián điệp” nọ ghi gì thì không ai rõ, chỉ biết ở trận đấu sau đấy vài ngày, đội tuyển bóng đá Việt Nam đã thua đau và thua dễ trước “người Thái”. Nguyên nhân của thất bại mau chóng được mổ xẻ. Không ít chuyên gia cho rằng, ngoài chuyện đẳng cấp thì nhân sự, chiến thuật của đội nhà đã bị Ban huấn luyện đội bóng xứ chùa Vàng hóa giải. “Bài vở”, các phương án tấn công không còn gì bí mật, bảo sao không dễ bị đối phương khắc chế!
Rõ ràng, ở thời điểm hiện tại, vai trò của những “điệp viên” trong bóng đá là không thể xem thường. Chẳng thế mà ngày còn hành nghề ở dải đất hình chữ S, vị chiến lược gia người Nhật Bản Toshiya Miura từng chỉ ra điểm yếu “chết người” của các vị HLV, lãnh đạo bóng đá nước nhà: Chúng ta thường xuyên lâm vào cảnh “mù thông tin” trước đối thủ, nhất là thông tin về các đội bóng nằm ngoài khu vực Đông Nam Á hoặc lần đầu chúng ta phải gặp ở sân chơi châu lục.
Không có gì ngạc nhiên khi ngày còn hành nghề ở dải đất hình chữ S, trong hành trình chinh phục Tiger Cup 2002 (tiền thân của AFF Suzuki Cup sau này), HLV trưởng Đội tuyển Việt Nam lúc đó là ông Calisto đã khiến cả làng bóng nước nhà bất ngờ khi giao hẳn cho cố vấn người Đức (ông Rainer) công việc… “do thám”. Với chiếc camera bỏ túi, ông Rainer đã lặng lẽ làm việc và cung cấp cho HLV trưởng đội tuyển Việt Nam những thước phim quý giá về điểm mạnh, điểm yếu của các đối thủ. Tấm Huy chương Đồng của đội tuyển Việt Nam năm ấy, theo lời ông Calisto là có đóng góp rất lớn từ “ông cố vấn” Rainer.
Trở lại câu chuyện “cử gián điệp” của “thầy Park”. Ở giải đấu châu lục lần này, vấn đề bản quyền truyền hình được Ban tổ chức bảo mật rất nghiêm ngặt, các cá nhân khi vào sân không được mang theo máy quay để ghi hình trận đấu. Và dường như lo ngại trợ lý của mình không theo kịp diễn biến trên sân cỏ nên ông Park Hang Seo mới điều cùng lúc cả 3 người giúp việc theo dõi màn trình diễn của Iran và Yemen trong lượt trận đấu mở màn bảng D.
Đương nhiên, không thể căn cứ vào tỷ số chung cuộc sau đấy giữa đội tuyển của chúng ta với 2 đối thủ này để khẳng định hay phủ nhận tác dụng của việc do thám, vì tùy từng đối thủ mà các đội sẽ lựa chọn chiến thuật cho phù hợp (Yemen khi đấu với Việt Nam chắc chắn sẽ có chiến thuật, đội hình xuất phát khác với trận gặp Iran; Iran gặp Việt Nam cũng không thể bê nguyên xi những gì họ áp dụng trong trận đấu trước bởi một đội Đông Nam Á khác với đội đến từ phía Nam bán đảo Ả rập).
Ở phương diện khác, đội tuyển Iran hiện xếp thứ 29 trên bảng xếp hạng của Liên đoàn Bóng đá thế giới, họ hơn hẳn chúng ta về mọi mặt, lại vừa dự World Cup 2018 nên có thể nói, dẫu có trong tay cả ngàn thước phim về Masoud Shojaei cùng đồng đội, việc tìm kiếm 1 hay 3 điểm trước Iran, với ông Park Hang Seo vẫn là “điệp vụ bất khả thi”. Mục đích của việc “gián điệp”, có chăng chỉ là tìm cách gây khó khăn cho đối phương nhằm hạn chế bàn thua và thực tế, chúng ta đã không quá lép vế trước họ ở lượt trận thứ 2 vòng bảng (chúng ta thua 0-2 trong khi Yemen thua 0-5).
Trận thua 0-2 của thầy trò ông Park Hang Seo trước Iran đã là một sự khẳng định, dù thi đấu thua vẫn phải tìm kiếm thông tin đối thủ.
Một sự tìm kiếm không chỉ giúp ích cho công việc cá nhân của “thầy Park” mà còn là bài học cần thiết đối với các HLV đang hành nghề ở ta.