Kênh truyền hình Vietnam Journey ra mắt phim Tết

Hai bộ phim truyền hình mang tên 'Vương tơ' (5 tập) và 'Bến bờ yêu thương' (5 tập) nhắc nhở mọi người gìn giữ những giá trị truyền thống.

Hai bộ phim truyền hình mang tên “Vương tơ” (5 tập) và “Bến bờ yêu thương” (5 tập) có nội dung sâu lắng, nhắc nhở mọi người gìn giữ nét văn hóa cổ truyền, trân quý cái Tết sum vầy bên người thân, luôn quan tâm và săn sóc lẫn nhau…

“Bến bờ yêu thương” - Khoảng lắng suy tư về những thông điệp cuộc sống

“Bến bờ yêu thương” xoay quanh chủ đề đời sống trong bối cảnh hiện đại tại gia đình ông bà Cẩn. Ông Cẩn (do NSND Bùi Bài Bình thủ vai) đi bộ đội, sau giải phóng ông ở lại Sài Gòn rồi cưới một cô gái Sài thành chính gốc. Ông bà Cẩn có 2 cô con gái đều đã lập gia đình, có cuộc sống riêng. Mỗi người con của ông bà đều có những lo toan đeo đuổi, đều lao vào công cuộc kiếm tiền. Sống cùng ông bà Cẩn là người con nuôi tên Tuấn.

 

Cũng như nhiều người trẻ trong cuộc sống hiện đại, Tết không còn là niềm vui mà trở nên nặng nề bởi những xáo trộn như: con trẻ nghỉ học, giúp việc về quê, những mối quan hệ với họ hàng phải chăm sóc trong khi họ lại muốn được đi du lịch nước ngoài, tụ tập bạn bè nhậu nhẹt, bàn chuyện làm ăn; một số thì đi cúng lễ cầu tài, cầu may cho năm mới... Chính từ những quan niệm có phần ích kỷ đấy đã khiến cho cái Tết mất đi ý nghĩa thiêng liêng từ bao đời của người Việt. Gia đình ông bà Cẩn cùng 2 người con cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó.

Sẽ không có gì để nói nếu như gia đình 2 cô con gái ông bà Cẩn về ăn Tết cùng bố mẹ ngay từ đầu. Thay vì đi du lịch vào dịp Tết của 2 vợ chồng Thuỷ - Quang, hay chuẩn bị một cái Tết để mở rộng quan hệ làm ăn của cặp vợ chồng Diễm - Vinh, họ đã lập tức về nhà bố mẹ vì nhận được thư của ông bà Cẩn gọi các con về ăn Tết, đồng thời thông báo sẽ bán nhà, chia tài sản cho các con rồi vào viện dưỡng lão an hưởng tuổi già. Cũng từ đây, những xung đột trong gia đình, những góc khuất của cuộc sống được đẩy lên cao trào khi nảy sinh bất đồng vì nếu không để ông bà Cẩn vào trại dưỡng lão thì không ai nhận nuôi ông bà năm đầu. Cuối cùng, cả 2 gia đình của 2 người con ruột nhất trí để ông bà Cẩn vào viện dưỡng lão. Chỉ có Tuấn, người con nuôi của ông bà Cẩn, người chăm lo vườn tược, chăm sóc ông bà bấy nay là chạnh buồn khi nghĩ tới ông bà Cẩn và những đứa cháu sau này sẽ không còn chỗ để vui chơi, sum vầy. Tuy nhiên, 2 người con ruột lại cho rằng Tuấn đang chiêu trò khi từ chối nhận thừa kế và nhận chăm sóc ông bà Cẩn.

 

“Bến bờ yêu thương” được đạo diễn Trần Chí Thành dàn dựng trên kịch bản của nhà biên kịch Đặng Thanh, chỉ đạo nghệ thuật: Nhà báo Kim Chung - Giám đốc Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC, các diễn viên tham gia: Bùi Bài Bình, Lê Phương, Hoàng Anh, Minh Đức, Bá Sơn…

Cùng với những xung đột lợi ích quanh việc chia tài sản. Sau ba đêm sống chung với bố mẹ, những đứa con nhớ lại tuổi thơ đẹp đẽ khi ông bà chơi với các cháu, cậu Tuấn dạy chúng nhiều kỹ năng sống và lũ trẻ vô cùng hạnh phúc trong ngôi nhà có ông bà, có kỷ niệm.

“Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy”. Ở phần kết của bộ phim, ngày thứ 3, ông bà Cẩn đưa con đến Tết thầy của các con, cũng là bạn học của ông, hiện đang có cuộc sống khá tốt trong nhà dưỡng lão. Và tới đây, tất cả những nút thắt của câu chuyện được giải quyết, mang đến nhiều tiếng cười, cảm xúc và cả niềm trăn trở trong lòng khán giả.

Truyền tải nhiều thông điệp có ý nghĩa: Giữ truyền thống Tết là sum họp, chúc thọ ông bà cha mẹ, nhắc nhở nhau về cội nguồn để các thế hệ con cháu biết quý trọng truyền thống, nếp nhà… là điều những người làm cha, làm mẹ luôn giữ gìn, và lưu giữ cho đời sau. Tết là thời gian lắng đọng để gia đình có thể đoàn viên, cùng thăm hỏi và cùng gỡ những khúc mắc, cùng tiến bước xa hơn.

Đạo diễn Trần Chí Thành chia sẻ: “Bộ phim đề cập đến những vấn đề không mới trong đời sống hiện đại, tiết tấu hơi trầm do có nhiều yếu tố nội tâm nhân vật. Trong khi phim chiếu Tết cần yếu tố vui vẻ, bởi vậy, bằng các thủ pháp nghệ thuật, ê-kip làm phim cùng dàn diễn viên hội tụ ở cả 2 miền Nam - Bắc đã đẩy những mối quan hệ gia đình như bố vợ - con rể, nội - ngoại, vợ - chồng… với nhiều tình huống hài hước, những câu thoại dí dỏm, bất ngờ, khiến khán giả phải bật cười, để rồi sau đó là những khoảng lắng suy tư về những thông điệp của cuộc sống”.

“Vương Tơ” - tôn vinh giá trị truyền thống

“Vương tơ” lấy bối cảnh đời sống hiện đại tại một làng nghề dệt lụa nổi tiếng: Làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội. Là một làng nghề đã hình thành và tồn tại qua hàng nghìn năm, với nhiều thăng trầm, lụa Vạn Phúc là niềm tự hào của ngành dệt thủ công truyền thống Việt Nam với những sản phẩm độc nhất vô nhị cả về mẫu mã cùng chất lượng. Tuy nhiên, ngày nay người làng nghề phải đối mặt với những thay đổi lớn về thị trường với nhu cầu đa dạng của khách hàng, cải tiến công nghệ… và đặc biệt là kỹ năng tiếp thị sản phẩm, điều mà những nghệ nhân suốt đời cặm cụi bên thoi dệt không quen làm.

Đã qua rồi thời kỳ “hữu xạ tự nhiên hương”, người làng nghề muốn hòa nhập cùng dòng chảy phát triển của đất nước buộc phải nhìn nhận lại cách tiếp cận thị trường, cách quảng bá sản phẩm của mình. Từ đó, những cá nhân với năng lực đặc biệt này đã xuất hiện, thay đổi cách làm, cách nghĩ của một làng nghề. Nhưng cũng chính những sự thay đổi này làm xô lệch nhiều giá trị truyền thống. Bước phát triển mới mẻ khiến làng nghề như trải qua “cơn sốt vỡ da” với nhiều cú sốc dở khóc dở cười… Nhưng vượt lên tất cả, làng nghề vẫn đứng vững nhờ vào tình yêu với lụa truyền thống, và lòng nhân hậu bao dung của những con người được kiến tạo bởi trầm tích văn hóa đã được chắt lọc qua cả ngàn năm.

 

Câu chuyện “Vương tơ” bắt đầu bằng khung cảnh èo uột của một làng nghề đang “sống dở chết dở” với nghề truyền thống, nay bỗng xôn xao bởi sự xuất hiện của Minh Phương - nhà thiết kế từ Sài Gòn ra, và Dụng - một nghệ nhân trung niên của làng - đã được mời cung ứng sản phẩm cho một dự án thời trang lớn của một công ty thiết kế thời trang tầm cỡ quốc tế và lụa của anh đã được chọn cho bộ sưu tập thời trang của Minh Phương. Thành công của bộ sưu tập đã đưa Minh Phương đến vị trí cao nhất tại một hội chợ thời trang quốc tế tại Pháp. Cũng từ đây, những mối bất đồng trong quan hệ của những người làng xóm, những người bạn nghề; và những hiểu lầm trong chuyện tình yêu nam nữ bắt đầu nảy sinh. Rồi sự vào cuộc của Kim Hiền - một nữ nhà báo - trong việc đồng hành quảng bá sản phẩm cho làng nghề; sự xuất hiện của những nhà buôn với mục tiêu tối ưu hóa lợi nhuận mà xem nhẹ chất lượng hàng hóa, gian lận bằng cách đưa những sản phẩm kém chất lượng từ nơi khác vào bán lẫn với sản phẩm làng nghề... tưởng chừng không thể giải quyết.

“Vương tơ” được dàn dựng bởi đạo diễn, NSƯT Nguyễn Đức Việt dựa trên kịch bản của nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã; Chỉ đạo nghệ thuật: PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Tổng Giám đốc Đài TNVN; Chịu trách nhiệm sản xuất: Vũ Thị Thanh Tâm - Giám đốc Kênh truyền hình Văn hóa du lịch (Vietnam Journey); và các diễn viên: NSƯT Quốc Tuấn, Phú Đôn, Vĩnh Xương, Thu Hiền…

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, tác giả kịch bản phim “Vương tơ” chia sẻ: “Việt Nam có rất nhiều làng nghề, trong đó có những làng nghề hàng nghìn năm tuổi. Người làng nghề ai cũng mong muốn nghề được phát triển, nhưng làm sao để phát triển trong thời đại mới, thời đại của công nghệ và làn sóng đô thị hóa mạnh mẽ đang xâm chiếm làng nghề? Những giá trị truyền thống lại đang ngày một mất đi, mặc dù bản chất của những con người làng nghề vẫn đôn hậu, nhân văn và ăm ắp tình người. Qua 5 tập phim, những rạn nứt trong các mối quan hệ dần được giải quyết. Để rồi, những gì còn đọng lại chính là sự chuyển mình của một làng nghề truyền thống, sự đón nhận cái mới mẻ và tôn vinh giá trị truyền thống xưa cũ trong đời sống hiện đại”.

Khung giờ phát sóng trên Kênh truyền hình Văn hóa du lich (Vietnam Journey): phim “Vương Tơ” - 12h00; phim “Bến bờ hạnh phúc” - 19h00. Bắt đầu từ ngày 5 - 9/2 (tức ngày mùng 1 - 5 Tết Kỷ Hợi).

 

Bình luận

    Chưa có bình luận