Tuy nhiên, câu chuyện đội bóng bên bờ sông Mã và “lái trưởng” Nguyễn Đức Thắng “đường ai nấy đi” vẫn là chủ đề được quan tâm, bàn tán rôm rả bởi nó chạm đến một vấn đề rất “nhạy cảm” tại giải chuyên nghiệp: Quyền lực huấn luyện viên (HLV)!
Trước hết phải thấy rằng, việc HLV trưởng được toàn quyền về chuyên môn còn là một trong những biểu hiện rõ nhất cho tính chuyên nghiệp của một nền túc cầu giáo. Còn với những ai theo nghiệp “cầm đũa chỉ đạo”, quyền tự quyết là vấn đề tối quan trọng. Trong nhiều trường hợp, nó còn biểu thị cho “cái tôi” cực lớn của mỗi cá nhân, đến mức không ít ông thầy sẵn sàng mất “ghế” chứ quyết không chấp nhận bị hạn chế quyền lực.
Để có cái nhìn triệt để về vấn đề này, hãy nhắc lại một chuyển động “ngỡ như đùa” từng diễn ra nơi hậu trường câu lạc bộ Hà Nội ACB (đã giải thể) của cựu bầu Nguyễn Đức Kiên cách đây gần 2 thập kỷ.
Đó là quãng thời gian mà nhà cầm quân Lê Thụy Hải còn ngồi ghế HLV trưởng đội chủ sân Hàng Đẫy. Bức xúc trước việc Chủ tịch CLB là ông Nguyễn Đức Kiên thường xuyên “cướp” sa bàn, chỉ đích danh từng cầu thủ, yêu cầu HLV trưởng dùng người này, thay người kia, ông Hải đã chỉ tay lên khán đài, lớn giọng: Chỗ của Chủ tịch CLB là ở trên đó! Nếu không cho tôi toàn quyền về chuyên môn, tôi lập tức nghỉ việc!
Ở một chuyển động khác, V.League 2015 là thời điểm mà cựu tuyển thủ Lê Công Vinh là “thỏi nam châm” rất hút khách. Không ngạc nhiên khi đội bóng đất Thủ Dầu Một đã “bung két” để đưa tiền đạo xứ Nghệ về sân Gò Đậu. Tuy nhiên, chẳng biết vì lí do gì mà dưới triều đại Lê Thụy Hải, “Vinh Nghệ” liên tục phải “sống mòn” trên băng ghế dự bị. Việc Công Vinh thất sủng khiến lãnh đạo B.Bình Dương không thể không lên tiếng, tuy vậy, trước cái lý: “Tôi là HLV trưởng tôi có toàn quyền quyết định có hay không sử dụng Công Vinh” - từ phía nhà cầm quân họ Lê, “người Bình Dương” dù ấm ức nhưng vẫn phải chịu lép.
Ấy thế nhưng, ở sân chơi cao nhất quốc nội, câu chuyện quyền tự quyết của HLV trưởng không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với hành động “xía vào chuyên môn” của những ông bầu xuất thân doanh nhân, “rẽ ngang” sang sân cỏ mà điển hình chính là màn “trảm tướng” ở hậu trường đội bóng bên bờ sông Mã trước tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013. Đó là thời điểm mà trước khi nói “lời người ra đi”, nhà cầm quân trẻ tuổi Triệu Quang Hà đã đăng đàn giải thích, đại ý: Hành động “dứt áo” là do Chủ tịch CLB Thanh Hóa Nguyễn Văn Đệ can thiệp thô bạo vào công tác nhân sự, chiến thuật.
Để đáp trả, bầu Đệ cũng khẩn trương tổ chức một cuộc gặp gỡ báo chí để “nói cho ra lẽ”. Theo lời ông Đệ thì cái gọi là “toàn quyền về chuyên môn” của vị tướng trẻ họ Triệu thực chất là để che đậy cho sự lạm quyền, khống chế cầu thủ: “CLB đồng ý để HLV trưởng toàn quyền tuyển chọn, chuyển nhượng và quản lý cầu thủ, song nhiều cầu thủ ông Hà nhận về hoặc không có trình độ chuyên môn hoặc ý thức rất kém như Việt Anh, Quốc Vượng. Thậm chí, Triệu Quang Hà còn yêu cầu chúng tôi phải ký hợp đồng với người cháu ruột Triệu Quang Trung không đủ năng lực chơi V.League”.
Trở lại câu chuyện đội bóng xứ Thanh “thay ngựa giữa dòng” (nhà cầm quân Vũ Quang Bảo đã được mời tiếp quản vị trí của người tiền nhiệm). Nếu như Nguyễn Đức Thắng cho rằng “bị khống chế về chuyên môn” thì người đứng đầu CLB Thanh Hóa vẫn bảo lưu quan điểm: Là người đứng đầu, phải chịu mọi trách nhiệm liên quan đến CLB nên tôi không thể giao khoán công việc cho “người làm thuê” theo kiểu trọn gói!
Chuyển động này tái khẳng định thực tế: ở sân chơi “sang” nhất làng, khái niệm “quyền tự quyết” là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều bản hợp đồng sớm bị thanh lý, đồng thời cũng cho thấy sự “phức tạp” trong mối quan hệ ông bầu - HLV trưởng: Nhà cầm quân không có quyền về chuyên môn sẽ rất khó làm việc nhưng ngược lại, khi được toàn quyền, không ít chiến lược gia sẽ rất… “nguy hiểm”!