“Ngàn năm mây trắng” là vở diễn lấy cảm hứng từ hình ảnh hòn vọng phu, kể câu chuyện về nàng Tô Thị bồng con đi tìm chồng là Trần Khôi.
Thông qua cách kể chuyện mới mẻ về nàng Tô Thị, “Ngàn năm mây trắng” ca ngợi những chiến binh dũng cảm đã không tiếc máu xương bảo vệ giang sơn của Tổ quốc, ca ngợi tấm lòng thủy chung, hiền hậu, đảm đang, nhân ái của người phụ nữ Việt Nam.
Đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Triệu Trung Kiên, chia sẻ với phóng viên Báo TNVN về sự kết hợp mới mẻ trong vở diễn:
Thưa nghệ sĩ Triệu Trung Kiên, xuất phát từ đâu mà các nghệ sĩ hình thành ý tưởng kết hợp giữa nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống trong cùng một vở diễn?
Chính từ Nhà hát Đài TNVN có 70 năm lịch sử với đầy đủ các loại hình sân khấu, âm nhạc, diễn xướng dân gian. Đây là vở diễn để kỷ niệm 74 năm Ngày thành lập Đài TNVN và 70 năm thành lập Nhà hát Đài TNVN, cũng là vở diễn để tham dự Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ IV.
Bởi vậy, khi nhận vở diễn, chúng tôi nghĩ ngay đến kết cấu cốt lõi với đầy đủ các loại hình sở trường của nhà hát, diễn xuất, sân khấu, âm nhạc để đưa vào tác phẩm. Ý tưởng đưa nhiều loại hình sân khấu và âm nhạc dân tộc, cụ thể là chèo, cải lương, xẩm và hát văn Huế vào cùng một tác phẩm hình thành từ đây.
Từ trước đến nay chưa từng có kết hợp như vậy trên sân khấu nghệ thuật truyền thống cũng như hiện đại. Với sự kết hợp này, chúng tôi coi đây là một sự thử nghiệm, sáng tạo. Bởi nghệ thuật đòi hỏi phải luôn đổi mới, sáng tạo, thử nghiệm. Trong nghệ thuật, sáng tạo của ngày hôm qua thì đến hôm nay đã là cũ. Đó là lý do chính hình thành nên ý tưởng về sự kết hợp này.
Khi nhận kịch bản văn học, chúng tôi trao đổi với tác giả kịch bản, lãnh đạo Đài TNVN, Nhà hát Đài TNVN và rất vui khi nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. Với 2 đạo diễn: 1 cải lương, 1 chèo, tôi hy vọng sự kết hợp này sẽ sáng tạo nên một vở diễn mới mẻ trong không gian đậm đặc văn hóa truyền thống của người Việt và được khán giả đón nhận.
“Lúc đầu tôi cảm thấy hoang mang trước ý tưởng kết hợp mới mẻ của vở diễn. Tuy nhiên, sau khi khớp nhạc thì thật sự ngỡ ngàng khi các đạo diễn, nhạc sĩ đã tạo những đoạn chuyển nhạc giữa các loại hình rất mềm mại, mượt mà. Lần đầu tiên trong đời làm nghệ thuật, tôi cảm thấy thú vị khi có nhiều loại hình nghệ thuật trên cùng 1 sân khấu, cùng kể 1 câu chuyện và trong cùng 1 vở diễn” -NSƯT Trần Quang Khải (vai Trương Lỗ).
|
Với sự kết hợp của nhiều loại hình nghệ thuật trong cùng một vở diễn, các đạo diễn đã phải xử lý thế nào để kết nối diễn xuất của các diễn viên?
Với sự tham gia của các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam và các nghệ sĩ của Đoàn ca nhạc dân tộc Đài TNVN, đây là sự kết hợp đặc biệt giữa những giọng hát rất hay của Nhà hát Đài TNVN có nhiều năm công tác trong lĩnh vực thu âm và dù đã lâu không diễn trên sân khấu nhưng đều được đào tạo cơ bản từ các trường nghệ thuật, cùng các nghệ sĩ sân khấu của 2 đoàn nghệ thuật chèo và cải lương chuyên nghiệp.
Đây là dịp để các nghệ sĩ được trau dồi, luyện tập những vốn nghề đã ngấm vào máu của người nghệ sĩ. Chỉ cần có chút thời gian để luyện tập, chia sẻ thì các nghệ sĩ đều “khớp” được diễn xuất và đáp ứng được yêu cầu của vở diễn.
Cụ thể, phần âm nhạc được các nghệ sĩ xử lý như thế nào?
Từ 2 loại hình chính là cải lương và chèo, chúng tôi chọn ra những điểm chung để tạo nên phần nhạc nền xuyên suốt của vở diễn. Tất nhiên “lòng bản” của cải lương, của chèo là riêng, nhưng chúng tôi tạo nên phần nhạc nền dựa trên tiếng nói chung của âm nhạc dân gian, được kết nối với nhau và thể hiện bởi dàn nhạc dân tộc.
Để mỗi loại hình sân khấu trong vở diễn được giữ nguyên nguyên tác mà không bị hòa trộn, không nhòa vào nhau hoặc làm ảnh hưởng đến nhau, chúng tôi đã cố gắng để không gian của mỗi loại hình được bảo toàn, hoà nhập nhưng không hòa tan. Đây là sự khéo léo của người chuyển thể, của nhạc sĩ, nhạc công, đạo diễn và sự cảm nhận trực quan của người nghệ sĩ trên sân khấu.
Sau buổi tổng duyệt, dù chưa chính thức công diễn nhưng sự sáng tạo này đã đáp ứng được những dự cảm của người nghệ sĩ bằng các trực quan sáng tạo, thuyết phục được các yêu cầu sáng tạo và thỏa mãn được người sáng tạo cũng như các nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu. Chúng tôi rất vui khi buổi tổng duyệt nhận được những phản hồi rất tích cực từ phía khán giả, được khán giả đón nhận một cách thích thú, dù trước buổi diễn có nhiều khán giả thể hiện sự tò mò rất “phản vệ” về sự kết hợp chưa từng có này của vở diễn.
“Khi mới tiếp xúc với kịch bản, tôi hơi lo lắng, bối rối bởi chưa biết làm cách nào để thể hiện những pha trộn của nhiều loại hình nghệ thuật cho thật “ngọt”. Rất may, giai điệu âm nhạc truyền thống của vở diễn dường như đã có sự hòa trộn sẵn, nhân vật Trương Lỗ ngâm một câu chèo, nhân vật Tô Thị hát một điệu cải lương lại rất gần gũi và hòa quyện. Với tôi, vở diễn không khác gì một lễ hội âm nhạc” - NSƯT Trần Thị Thu Trang (vai Tô Thị).
|
Phần diễn xuất, liệu có sự “chênh” giữa các loại hình nghệ thuật?
Trong diễn xuất, chúng tôi đã lựa chọn hình thức tự sự phương Đông là chủ đạo, đây là hình thức đặc trưng cho cả cải lương và chèo, là 2 loại hình nghệ thuật chính, xuyên suốt trong vở diễn.
Diễn xuất cải lương mang nhiều tính hiện thực, thể hiện tâm lý nhân vật như trong đời thường. Diễn chèo lại thiên về việc tái hiện tâm lý qua lăng kính nghệ thuật dân tộc, ít tính hiện thực hơn. Tuy nhiên, với phần diễn cải lương là phần “xương sống” dẫn chuyện để kể câu chuyện thật về nàng Tô Thị.
Cải lương, dưới vai trò như người dẫn chuyện, dẫn dắt câu chuyện qua những chương đoạn và ở mối chương đoạn sẽ xuất hiện những gánh hát chèo, xẩm, văn... thì không gian cũng dịch chuyển sang không gian kể chuyện, không còn là câu chuyện tả thực nữa. Với sự kết hợp này, các loại hình nghệ thuật dù có sự khác biệt nhưng không hề có sự xung đột nào.
Với diễn xuất chủ đạo là cải lương và chèo, phần hát xẩm và hát văn Huế như là sự điểm xuyết vào vở diễn, cũng là sự thử nghiệm lần đầu tiên khi đưa 2 loại hình nghệ thuật này lên sân khấu kịch hát. Tất cả được dẫn dắt, kết nối mượt mà, đem lại cảm giác thú vị cho khán giả.
Vậy có khó khăn gì trong quá trình sáng tạo không, thưa đạo diễn?
Không có gì là khó khăn cả, tất cả sự sáng tạo là sự kết hợp sao cho nhuyễn những giá trị vốn đã có nhiều điểm chung, là các đặc trưng của nghệ thuật dân gian.
Bên cạnh phần âm nhạc, diễn xuất như đã chia sẻ, sân khấu của vở diễn được thiết kế với mô-týp chủ đạo là tranh dân gian Việt Nam, được ẩn hiện bởi kỹ xảo chiếu bóng theo vòng xoay của chiếc đèn lồng.
Trên một sân khấu dân gian, không gian ước lệ là không gian chung của sân khấu với những thiết kế ánh sáng biến ảo theo từng loại hình nghệ thuật, có phân khúc ngẫu biến theo tâm trạng, cảm xúc nhân vật như sân khấu cải lương, có phân khúc giữ nguyên không gian biểu diễn chiếu chèo đúng như chiếu chèo truyền thống, lại có phân khúc mà không gian diễn xuất gần như không có nhiều ảnh hưởng như hát xẩm, hát văn.
Sáng tạo này tạo nên những không gian diễn chuyển động uyển chuyển theo tâm tư cảm xúc nhân vật… khi lại sáng bừng lên, lộ rõ trước khán giả mọi diễn xuất của nghệ sĩ... Tất cả sẽ làm phong phú thêm cảm nhận của khán giả.
Ông có thể chia sẻ những cảm nhận riêng của mình về vở diễn sau khi tổng duyệt?
Chúng tôi mong muốn những thử nghiệm, kết hợp mới mẻ của vở diễn không chỉ là sự sáng tạo, nghiên cứu, mà hơn cả là để phục vụ công chúng, để khán giả có được sự thích thú, niềm vui và tình yêu đối với sân khấu truyền thống. Có thể nói, sau buổi tổng duyệt, chúng tôi có cảm nhận bước đầu rằng vở diễn đã có sự yêu mến của người xem, chúng tôi đã yên tâm phần nào. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn còn phải lắng nghe ở những buổi diễn tiếp theo để hoàn thiện vở diễn.
Xin cảm ơn nghệ sĩ!
Thành Công thực hiện
Vở diễn “Ngàn năm mây trắng” là kịch bản văn học của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ; Chuyển thể kịch hát: NS Hoàng Song Việt - NSND Thanh Ngoan. Đạo diễn: NSND Thanh Ngoan - NSND Triệu Trung Kiên; với sự tham gia của hơn 60 nghệ sĩ, nhạc công của Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, cùng các nghệ sĩ, diễn viên và Dàn nhạc dân tộc Nhà hát Đài TNVN.
|