Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ 4, Hà Nội - 2019: Những sáng tạo mới mẻ

7 vở diễn của các đoàn nghệ thuật quốc tế và 14 vở diễn của các đoàn trong nước sẽ được trình diễn tại Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ 4...

 

7 vở diễn của các đoàn nghệ thuật quốc tế và 14 vở diễn của các đoàn trong nước sẽ được trình diễn tại “Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ 4, Hà Nội - 2019” hứa hẹn đem lại sự hào hứng cho khán giả.

Không có giới hạn nào cho sáng tạo

Sân khấu thử nghiệm là sân chơi cho những điều mới mẻ nhằm giới thiệu những khám phá, đổi mới, cách tân nghệ thuật sân khấu. Các nghệ sĩ mong muốn thông qua sân khấu thử nghiệm để làm giàu thêm ngôn ngữ của nghệ thuật sân khấu, thay đổi nhận thức về văn hóa nói chung và nghệ thuật sân khấu nói riêng.

Một cảnh trong vở kịch hát “Ngàn năm mây trắng”-  vở diễn tham dự Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm 2019.

NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho biết, sau ba năm, Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm đã trở lại với số lượng các vở tham gia vượt trội. Từ 53 vở diễn quốc tế và 25 vở diễn trong nước gửi về tham dự liên hoan, Ban tổ chức đã chọn được 7 vở quốc tế và 14 vở trong nước tham gia liên hoan. Bên cạnh đó, tính thử nghiệm cũng rất mạnh mẽ với nhiều điều mới mẻ và sáng tạo táo bạo, ở nhiều thể loại phong phú, từ bi kịch, hài kịch đến chính kịch, từ kịch nói, các loại hình sân khấu dân gian của Việt Nam như tuồng, chèo, cải lương… So với lần liên hoan trước, tính chất thử nghiệm lần này rộng hơn, đa dạng hơn và đặc biệt mới mẻ với nhiều yếu tố khoa học kỹ thuật, công nghệ mới được đưa lên sân khấu.

“Liên hoan lựa chọn các vở diễn với nhiều tiêu chí. Trong đó, chúng tôi đặt tiêu chí có nhiều tính thử nghiệm lên hàng đầu, bởi đối với những tác phẩm sân khấu bao giờ cũng cần những yếu tố mới, sự tìm tòi. Thử nghiệm chính là lối đi tiên phong để bứt phá. Thử nghiệm là quy luật của sáng tạo và cần có sự mạnh bạo”, NSND Lê Tiến Thọ chia sẻ.

Cũng theo NSND Lê Tiến Thọ, sân khấu trong thời kỳ hội nhập và phát triển hiện đại ngày nay cần nhiều yếu tố công nghệ, khoa học kỹ thuật để tạo thành một vở diễn. Sân khấu có những công nghệ giúp xoay, nâng, hạ, mở… tạo các hiệu ứng cho không gian sân khấu ước lệ truyền thống, chỉ bằng một nút bấm. Rồi các phần âm thanh, ánh sáng 3D, màn hình led và cơ khí sân khấu được hòa trộn vào sân khấu truyền thống mà không bị lệ thuộc vào một quy chuẩn, rào cản sáng tạo nào. Tất cả đứng ở “đằng sau” vở diễn một cách tự nhiên như thật, làm tôn lên giá trị, hiệu quả của vở diễn đối với khán giả. Sự mới mẻ ở đây còn là sự làm mới các vở đã cũ. Vẫn vở ấy nhưng được đạo diễn dàn dựng khác đi.

7 vở diễn của các đoàn nghệ thuật quốc tế tham gia biểu diễn tại Liên hoan gồm: Tháng Tám (Hungary); Bpolar (Israel); Macbeth Mirror (Ấn Độ); Hai vạn dặm dưới biển (Hàn Quốc); Câu chuyện về bức tranh cổ (Trung Quốc); Ngôi đền quỷ ám (Singapore); Cánh đồng đẫm máu (Hy Lạp).

“Ví dụ vở “Dưới cát là nước” của tác giả Nguyễn Quang Vinh, ở lần liên hoan trước do NSND Lê Hùng đạo diễn. Nhưng lần này đến liên hoan do một đạo diễn trẻ mới ra trường mang cách nhìn khác, nhiều ngôn ngữ khác vào tác phẩm đã tạo nên một “Dưới cát là nước” hoàn toàn mới mẻ, khác biệt”, NSND Lê Tiến Thọ nhận xét.

Với sự nỗ lực, khám phá tìm tòi phong cách thể hiện sân khấu mới, mang tính đột phá và tính thử nghiệm cao trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, các tiết mục sân khấu thử nghiệm tham gia lần này có tính đa dạng của đề tài và phong cách nghệ thuật. Tính thử nghiệm trong các tiết mục tham gia sẽ tạo nên sự hấp dẫn của “Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ 4, Hà Nội - 2019”.

Vượt khó và chia sẻ

NSND Lê Tiến Thọ cho biết, nhiều khả năng các giải thưởng tại Liên hoan lần này chỉ mang tính động viên tinh thần, do vấn đề kinh phí gặp nhiều khó khăn. Còn ở khâu tổ chức, “chủ nhà” cũng phải căng mình ra để bảo đảm được tốt nhất tất cả mọi điều kiện về kỹ thuật, sân khấu, ánh sáng, âm thanh… để các nghệ sĩ từ khắp nơi có thể yên tâm tỏa sáng với tác phẩm của mình.

 

NSND Lê Chức, Trưởng Ban tổ chức Liên hoan chia sẻ, có những đoàn đặt ra yêu cầu khá cao và cầu kỳ về mặt sân khấu, đạo cụ, đèn nghệ thuật… mà hiện nay chưa có ở Việt Nam. Sân khấu biểu diễn cũng chưa đáp ứng được những yêu cầu công nghệ, khoa học kỹ thuật hiện đại. Những hạn chế này cho thấy sân khấu trong nước và quốc tế đang bị chênh nhiều.

“Một trong những tiết mục tạo ấn tượng mạnh mẽ nhất là vở “Cái chết của Hamlet” của đoàn Tây Ban Nha. Vở diễn này gây ấn tượng cả về âm thanh, ánh sáng và diễn đạt bằng hình thể của các diễn viên. Tuy nhiên, đáng tiếc là vì lý do kinh phí nên đoàn Tây Ban Nha không thể tham dự Liên hoan”, NSND Lê Tiến Thọ cho biết.

Còn theo NSND Lê Chức, tại liên hoan lần này, nhiều đoàn nước ngoài có những yêu cầu công nghệ rất cao nhưng chúng ta còn nhiều hạn chế cả về kinh phí lẫn khoa học kỹ thuật nên chưa đáp ứng được. Đây cũng là một hạn chế chung của sân khấu Việt Nam so với thế giới. Liên hoan lần này chính là cơ hội để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị nghệ thuật, các nghệ sĩ trong nước và quốc tế, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, góp phần thúc đẩy phát triển văn hóa nghệ thuật vì một nền sân khấu đổi mới, hợp tác và phát triển./.

Các vở diễn sẽ được trình diễn từ ngày 4 - 13/10 tại các nhà hát: Nhà hát lớn Hà Nội (Diễn ra lễ khai mạc ngày 4/10); Nhà hát Đài TNVN; Nhà hát kịch Việt Nam; sân khấu của L’Espace; rạp Đại Nam; Nhà hát Tuổi trẻ; Nhà hát Chèo Quân đội, Nhà hát Quân đội và Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận